05/02/2012 17:30 GMT+7

Cấm cán bộ đi học giờ hành chính: nên không?

Hữu Nghĩa ĐT
Hữu Nghĩa ĐT

TTO - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh vừa ký ban hành một chỉ thị mới thu hút sự quan tâm của dư luận: chấn chỉnh việc đi học trong giờ hành chính của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố.

Đà Nẵng cấm cán bộ đi học trong giờ hành chính

2XtgKpIe.jpgPhóng to
Đà Nẵng đang nỗ lực xây dựng thành phố văn minh, hiện đại và xây dựng nguồn nhân lực cao

Theo đó, tất cả trường hợp được cử đi học từ ngày 1-2-2012, kể cả ngắn hạn hoặc dài hạn, trong kế hoạch hoặc ngoài kế hoạch, đều phải học vào ngày thứ bảy, chủ nhật và sau 17g các ngày từ thứ hai đến thứ sáu.

Quyết định này, cũng như một số quyết định trước của Bí thư Nguyễn Bá Thanh, nhận được 2 luồng ý kiến trái chiều của dư luận: người cũng hộ cũng lắm mà kẻ phản đối cũng nhiều.

TTO trích đăng một số ý kiến bạn đọc:

Cấm hay không là nên dựa vào nguồn nhân lực ở mỗi địa phương. Cần có cách bố trí người đi học như thế nào cho hợp lý để không ảnh hưởng đến công việc của cơ quan. Nói thật, đi học các buổi tối là không khả thi vì cần dựa vào nhịp sinh học của con người, nhu cầu giải trí, gần gũi với con cái... sau một ngày cán bộ công chức làm việc mệt nhọc. Còn nếu đi học vào thứ bảy, chủ nhật thì như... cưỡi ngựa xem hoa. Tôi khuyên: trong công tác lãnh đạo, các vị chớ vội vàng và không nên hứng lên là làm, tốt nhất là làm gì cũng phải dựa trên cơ sở khoa học, thực tế.

Việc cấm CBCC lạm dụng thời gian công vụ để đi học những kiến thức cơ bản mà lẽ ra phải có sẵn trước khi tuyển dụng (bồi dưỡng, ĐH tại chức, tiếng Anh, tin học...) là cần thiết. Vì nhiều CBCC khi được tuyển dụng không được trang bị sẵn những kiến thức cơ bản để làm việc, sau này lại dùng thời gian phục vụ nhân dân để "đi học" cho đủ bằng cấp, gây bức xúc cả trong và ngoài cơ quan đó.

Nhưng cách giải quyết của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tôi thấy chưa ổn lắm. Địa phương nào cũng đang và sẽ cần nhiều cán bộ có trình độ cao, là nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó. Việc thu hút nhân lực trình độ cao về tỉnh, ngoài TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương... rất nhiều tỉnh vẫn còn giậm chân tại chỗ, kể cả Đà Nẵng. Do đó, tại cơ quan tôi hiện nay (ở Bình Định), thường xuyên có khoảng 2-3 cán bộ được chọn cử đi học cao học, làm nghiên cứu sinh. Trong đó phần lớn được cử đi thi và học chính quy tại các trường có bề dày đào tạo tại TP.HCM (tất nhiên là danh sách các trường này cũng được ban hành trong quyết định hỗ trợ cho CBCC đi học). Tỉ lệ CBCC được cử đi học hằng năm được khống chế để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được tỉnh giao.

Ngoài ra, chưa kể số lượng CBCC học bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp (cái này thì không thể tự học trước khi xin việc), rồi học bồi dưỡng chính trị... để thường xuyên cập nhật kiến thức theo kịp yêu cầu công tác quản lý thời kỳ mới. Những lớp học như kể trên thì không thể chọn học cuối tuần hay buổi tối được (có những trường chuyên nhận giảng dạy như vậy cho CB đương chức nhưng không phải là lựa chọn ưu tiên vì không nói thì ai cũng hiểu chất lượng sẽ thế nào).

Nếu như Đà Nẵng áp dụng quy định cấm này thì không hiểu sẽ khuyến khích, động viên CBCC học tập nâng cao trình độ thế nào, nguồn nhân lực cao của Đà Nẵng sẽ lấy từ đâu?

Theo tôi, thay vì cấm chung chung như vậy, nên siết lại các quy định về tiêu chí lựa chọn, tuyển dụng CCVC để đảm bảo đáp ứng yêu cầu làm việc. Chỉ cho phép bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực làm việc của công chức đó. Rà soát lại định biên cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao từng đơn vị, nhất là các cơ quan khối Đảng, đoàn thể.

Thủ trưởng đơn vị là người chịu trách nhiệm trong việc cho phép CBCC trong đơn vị được cử đi học cái gì, ở đâu. Vì hiện nay phần lớn cơ quan hành chính nhà nước đều đã thực hiện cơ chế khoán biên chế và kinh phí hành chính cả rồi, không có thủ trưởng nào cử đi học nhiều quá đến nỗi không hoàn thành nhiệm vụ thì mình phải chịu trách nhiệm trước ủy ban và tỉnh ủy đâu.

Tôi nghĩ việc CBCC học thêm để nâng cao kiến thức là cần thiết, nhưng vấn đề là bố trí người đi học như thế nào để không ảnh hưởng đến công việc của cơ quan. Để làm được việc này không nhất thiết phải cấm đi học trong giờ làm việc, mà cần thực hiện tốt việc định biên và khoán kinh phí cụ thể, chính xác theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách.

Tôi thấy các cơ quan hành chính hiện nay hầu như biên chế chưa hợp lý, trong đó một người có thể làm được công việc của 3 người, tại sao không tinh giảm để một người làm việc hưởng lương gấp 3 lần? Tại sao phải đi học vào ngày thứ 7, chủ nhật và sau 17g trong khi các ngày từ thứ hai đến thứ sáu và trong giờ làm việc chỉ ngồi không, lướt web, chơi game, đánh cờ tướng chờ đến hết giờ.

Theo tôi, Thành ủy Đà Nẵng nên thực hiện tốt việc định biên, khoán kinh phí cho từng cơ quan, đơn vị; còn việc cử người đi học do lãnh đạo cơ quan đó bố trí, làm sao vẫn đảm bảo thời gian, chất lượng công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan mình và mang lại hiệu quả cho công tác quản lý với biên chế được định.

Khi cơ quan đã cử đi học trong giờ hành chính thì đã bố trí cán bộ khác thay thế công việc của cán bộ đi học, nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến công việc, thứ 7, chủ nhật là ngày nghỉ hoặc cán bộ tự học thêm, ai lại bắt đi học công vụ và ngày nghỉ chứ.

Trong khi đó, các ý kiến ủng hộ lại rất quyết liệt:

Vừa học vừa làm, có nên không?

Việc vừa học vừa làm đối với công chức là đã có vấn đề, không cần bàn trong giờ hay ngoài giờ. Ở nước ngoài, người ta tuyển dụng chặt chẽ để công chức làm đúng vị trí và chuyên môn, đủ năng lực. Sau đó, có muốn quy hoạch thêm chuyên môn gì gì thì tạm thời cho nghỉ để đi học, hầu như là không áp dụng kiểu đào tạo vừa học vừa làm. Cứ nghĩ xem, đi làm xong mệt mỏi như vậy thì học có hiệu quả?

Cấm là đúng

Theo tôi cấm là đúng. Ở Việt Nam bây giờ nhiều cán bộ lợi dụng việc đi học để về nhà hay làm gì đó có trời mà biết. Trong thời gian "cúp làm" họ vẫn hưởng lương đầy đủ. Nếu muốn học lên thì hãy xin nghỉ làm có thời hạn rồi tập trung học như thế chất lượng mới đảm bảo. Tôi hoàn toàn ủng hộ cách làm của Đà Nẵng.

Trong thời gian qua, tại TP.HCM có rất nhiều cán bộ công chức đi học trong giờ hành chính gây ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, có những cán bộ ngày này tháng nọ chỉ đi học mà không làm việc nên có rất nhiều bằng cấp mà năng lực thực tiễn rất yếu. Cán bộ công chức phải thường xuyên tự chủ động sắp xếp thời gian ngoài giờ hành chính để học tập nhằm nâng cao năng lực công tác và bản lĩnh chính trị, chứ không phải lấy giờ hành chính để đi học.

Tôi thấy quyết định trên là rất xác đáng, hợp lý. Khi là cán bộ được hưởng lương từ ngân sách, phải có trách nhiệm làm hết sức để xứng đáng. Tôi là người có được nhiều chuyến công tác vùng sâu, vùng xa, chuyện vắng mặt ở cơ quan đi học hoặc đi họp rất phổ biến. Một nghịch lý nữa: các cán bộ được cử đi học đã mất thời gian, tiền của Nhà nước nhưng còn chất lượng...? Theo ý tôi, quyết định trên là đúng và cần xem tiếp về kinh phí của cán bộ đi học, cần xem chất lượng sau khi học về rồi mới cân nhắc bổ nhiệm, chứ không nên có "bằng" về là bổ nhiệm.

Đã là cán bộ thì phải tuân thủ giờ làm việc, không lẽ người dân trả tiền lương để cho các vị này đi học mà không lo phục vụ nhân dân. Nhất trí với lãnh đạo của Đà Nẵng, và các địa phương khác cũng nên học tập Đà Nẵng. Vì hiện nay cán bộ đi học (thay vì phải làm việc) là không ít trên cả nước. Người Việt Nam vốn rất hiếu học nhưng công tư phải phân minh!

Tôi cho rằng việc không cho cán bộ đi học giờ hành chính là hợp lý vì họ phải giải quyết một số công việc mà khó ai có thể làm thay được. Nhưng thực tế việc các trường tổ chức lớp học có bố trí được việc giảng dạy ngoài giờ hành chính hay không? Đà Nẵng đề ra chính sách không cho cán bộ đi học là hợp lý nhưng cần phải phối hợp với các cơ sở đào tạo. Nếu giờ học hay giờ thi bố trí trong giờ hành chính mà lãnh đạo không cho đi thì lại gây khó khăn cho học viên. Từng đi đến các cơ quan công quyền để tìm cán bộ giải quyết một số vấn đề, người dân chúng tôi thường nghe câu trả lời không phải đi học mà là cán bộ đi họp. Các cuộc họp triền miên cũng ảnh hưởng đến năng suất, tiến độ của công việc chứ không chỉ riêng đi học! Nhiều cơ quan tôi nghe cán bộ than: không đủ người để đi họp!

Tôi đồng ý với quan điểm của lãnh đạo Đà Nẵng, cần phải chấn chỉnh việc đi học trong giờ hành chính. Khi CBCC được bố trí ở vị trí nào đó thì CBCC đó đã được đào tạo hoặc tuyển dụng đúng theo trình độ bằng cấp rồi. Nếu muốn đi học thêm thì phải học ngoài giờ hành chính, tự sắp xếp. Chính vì khi được bố trí vào vị trí làm việc rồi lại được đi học trong giờ hành chính, khi có công việc bị dư luận phản ảnh thì đổ lỗi cho người khác nói rằng mình bận đi học, rất vô lý.

Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định trên của lãnh đạo Đà Nẵng. Việc cán bộ công chức đi học trong giờ hành chính làm ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của Nhà nước. Nhiều khi đi học chỉ là cái cớ để cán bộ đó trốn cơ quan đi làm việc khác, thậm chí là đi nhậu. Tôi cũng không đồng tình với tình trạng hiện nay Nhà nước bỏ tiền để cán bộ công chức đã làm việc mà đi học. Nếu cán bộ muốn thăng tiến, muốn phát triển thì tự bỏ tiền đi học và học ngoài giờ hành chính. Nếu Đà Nẵng đi đầu cấm được chuyện này càng tốt.

Bạn là cán bộ, công chức, viên chức đã từng đi học trong giờ hành chính hoặc đồng nghiệp của bạn cũng đi học trong giờ hành chính? Bạn có ý kiến chia sẻ của mình? Hãy gửi về tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn.

Hữu Nghĩa ĐT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên