Ngày 5-10, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo khởi động và xây dựng kế hoạch triển khai dự án “Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và nhóm nguy cơ tại Việt Nam 2015-2016”.
Mặc dù được ghi nhận đạt nhiều thành tựu trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em, nhưng tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi vẫn là một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam.
Bên cạnh đó, vẫn còn sự khác biệt đáng kể về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc thiểu số.
Vì vậy, dự án về lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực 2015-2016 sẽ hướng tới các nhóm dân tộc thiểu số chịu thiệt thòi nhiều nhất, qua đó thu hẹp sự bất bình đẳng, đồng thời cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho hơn 36 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cũng như 7,1 triệu trẻ em trai và gái dưới 5 tuổi ở Việt Nam.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng: “Bốn cơ quan Liên Hợp Quốc gồm FAO, UNICEF, WHO và UN Women, sẽ cùng hợp tác thực hiện dự án này. Mỗi cơ quan sẽ tận dụng và đóng góp kiến thức và chuyên môn riêng của mình về an ninh lương thực, y tế và dinh dưỡng cho trẻ em và các nhóm có nguy cơ tại Việt Nam”.
Dự án sẽ tập trung vào 2 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao là Lào Cai, Ninh Thuận thông qua việc cải thiện kỹ năng của các cán bộ y tế trong công tác tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ và cung cấp thực phẩm bổ sung.
Đồng thời, cải thiện việc bổ sung vi chất dinh dưỡng gồm vitamin A, iod và sắt cho phụ nữ ở tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ em dưới 5 tuổi, kết hợp song song với triển khai các mô hình cải thiện năng lực của các hộ gia đình trong việc sản xuất lương thực, thực phẩm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực hộ gia đình.
Với những mục tiêu đặt ra, dự án sẽ góp phần thiết thực vào việc cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của bà mẹ, trẻ em Việt Nam, qua đó đảm bảo duy trì bền vững và hướng đến các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Liên Hợp Quốc đã thông qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận