Rạch Cầu Sơn - một nhánh rạch xuyên tâm bị lấn chiếm đầy rác - Video: QUANG KHẢI
Thông tin cho đoàn giám sát HĐND TP.HCM về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn quận Bình Thạnh ngày 24-5, ông Hồ Phương - phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh - nói tình hình ngập nước do triều cường trên địa bàn quận cơ bản được giải quyết, còn ngập do mưa cũng đã có 24/32 điểm được xử lý, đạt 75%.
Tuy vậy, các dự án cải tạo rạch quy mô lớn hiện đang gặp nhiều khó khăn như dự án cải tạo rạch xuyên tâm từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật dài 6,2km.
Trước đó, Thành ủy TP.HCM chỉ đạo thực hiện xong dự án này trong năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa xác định được thời gian, cách thức đầu tư.
Cũng theo ông Phương, dự án cải tạo rạch xuyên tâm trước do Công ty cổ phần Hà Nội ngàn năm nghiên cứu đề xuất.
Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng, trong đó hơn 1.000 tỉ đồng bồi thường và hơn 2.000 tỉ đồng xây lắp... Tuy nhiên, đến nay tính toán lại chi phí bồi thường tăng lên hơn 3.700 tỉ đồng.
Cụ thể, theo đại diện Sở Xây dựng, tổng mức đầu dự án hiện tăng lên 8.658 tỉ đồng.
Đoàn giám sát HĐND TP kiểm tra hiện trường một đoạn rạch Cầu Sơn sáng 24-5 - Ảnh: QUANG KHẢI
Một đoạn rạch xuyên tâm dự kiến cải tạo nhiều năm nay vẫn chưa thực hiện được - Ảnh: QUANG KHẢI
Tương tự, dự án cải tạo rạch Văn Thánh từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến cầu Điện Biên Phủ dài khoảng 1,5km cũng được giao Công ty TNHH đầu tư Sato nghiên cứu đầu tư nhưng hiện chưa có đề xuất cụ thể. Dự án này cũng có hơn 900 căn nhà bị ảnh hưởng.
Theo ông Phương, các dự án trên trước đây đề xuất thực hiện theo hình thức PPP (hợp đồng BT), nhưng trên địa bàn quận hiện không còn quỹ đất để chi trả cho các nhà đầu tư. Mặt khác, UBND TP cũng yêu cầu tạm dừng các dự án BT, góp phần làm các dự án này kéo dài.
"Hiện UBND quận cũng đề xuất nên tách hạng mục bồi thường các dự án trên ra dự án riêng để thực hiện trước, còn hình thức đầu tư như thế nào hiện TP đã giao Sở Kế hoạch - đầu tư nghiên cứu đề xuất", ông Phương cho hay.
Ngoài ra, các dự án khác như cải tạo rạch Bùi Hữu Nghĩa, lắp cống rạch Cầu Sơn, chống sạt lở bán đảo Thanh Đa… cũng đang trong quá trình giải tỏa đền bù có thể thực hiện vào cuối năm 2019 hoặc 2020.
Tình trạng xả rác xuống kênh rạch góp phần làm tình trạng ngập nước trên địa bàn TP thêm nặng nề - Ảnh: QUANG KHẢI
Chủ trì đoàn giám sát, Phó chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải đề nghị UBND quận Bình Thạnh phải đảm bảo các tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đúng tiến độ, tạo sự đồng thuận cho người dân.
Bên cạnh đó, phải đề xuất nguồn vốn đầu tư các dự án, đặc biệt nguồn vốn ngân sách cho công tác giải tỏa đền bù.
"Hiện nay kế hoạch sử dụng vốn trung hạn thực hiện các dự án hạ tầng TP đã duyệt xong. Nếu không đề xuất kịp thời, khả năng các dự án trên có thể phải chuyển tiếp qua giai đoạn 2020 - 2025", ông Hải cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận