Sách do Nguyễn Kim Ngọc dịch, NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: Hiền Trang
Trong Cân bằng mong manh, cuốn sách từng được đề cử giải Booker của Rohinton Mistry, Ấn Độ hiện ra như vậy.
Đó là năm 1975. Những đứa con mà thời đại mới hoài thai, bấy giờ còn đang chập chững làm lại cuộc đời, bỗng chốc bị một cái máy ủi lao qua càn quét.
Cái máy ủi mang tên "Tình trạng khẩn cấp quốc gia", được thủ tướng Indira Gandhi ban bố nhằm bảo vệ chính quyền của bà.
Những vết thương cũ của đất nước còn chưa kín miệng đã lại thêm một lần nứt toác, sâu hơn và xót hơn.
Họ cắt bỏ những khối u của thành phố bằng cách san bằng các khu ổ chuột, họ ngăn chặn sự di căn của dân số bằng cách triệt sản cả đàn ông lẫn đàn bà, họ bắt bớ những người chống đối và cả những người không chống đối, không cần xét xử, không cần lý do.
Ở một góc của vùng đất tấy đỏ vì những vết đâm ấy có một mái nhà kia, nơi cư ngụ của bốn kiếp người cơ nhỡ.
Hai kẻ cơ nhỡ theo nghĩa đen, hai kẻ cơ nhỡ theo nghĩa bóng. Hai kẻ thuộc về tầng lớp Chamaar, tầng lớp đáy cùng vốn dĩ chỉ được phép làm nghề thuộc da tanh hôi, bần tiện, họ là hai bác cháu thợ may mất nhà, gia đình họ bị hỏa thiêu đến chết.
Hai kẻ còn lại, có nhà mà không muốn về nhà, hoặc không thể trở về nhà: một góa phụ muốn sống độc lập với người anh trai nên đi gia công quần áo, một cậu thanh niên bị cha mẹ ép phải lên thành phố học làm kỹ sư điện lạnh.
Có đủ các lý do để bỗng chốc người ta nhận ra mình chỉ sống một kiếp mồ côi.
Không có nhà, thế thì họ tự làm ra một cái nhà, một cái nhà mong manh như mái tranh của túp lều ổ chuột.
Không phải sự mong manh về mặt vật lý vì căn nhà họ ở là căn nhà vững chãi, nó chỉ hơi chật chút thôi và thiếu thốn chút thôi. Sự mong manh ấy nằm ở mối nối giữa bốn người bọn họ.
Họ nương tựa vào nhau như những sợi tơ dệt nên tấm vải, ngờ đâu lịch sử là cây kéo, xoẹt một nhát là cắt lìa họ khỏi nhau.
Đoạn gần cuối tiểu thuyết, người góa phụ lấy những miếng vải vụn, chắp ghép chúng để may một tấm chăn, mỗi mảnh vải lưu một phần ký ức rời rạc với ba người còn lại.
Hình ảnh cô khi đó tựa như nàng Penelope trong sử thi Odyssey dệt tấm vải liệm để gìn giữ sự thủy chung với chồng.
Có điều Odyssey sẽ quay về, ba người kia thì không, hay đúng hơn hai người quay về trong hình hài tàn phế, một người quay về rồi lao đầu vào tàu lửa mà tự tử.
Anna Karenina của Lev Tolstoy lao đầu vào tàu lửa để trừng phạt người yêu, nhân vật của Mistry lao đầu vào tàu lửa vì không cứu được những người mình yêu quý.
Anna nhận ra con người sinh ra để căm ghét nhau, còn nhân vật của Mistry, anh biết rằng con người có thể yêu nhau chân thật.
Nhưng còn để làm gì?
Năm 1977, "Tình trạng khẩn cấp" kết thúc.
Những kẻ còn sống được phóng thích khỏi kiếp đời, nhưng chẳng qua cũng chỉ vì họ đã bầm giập lắm rồi, chẳng còn chỗ nào để lịch sử tra tấn thêm nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận