07/05/2021 09:40 GMT+7

Cải lương tiếp tục kết hợp xiếc kể huyền sử Việt

LINH ĐOAN  thực hiện
LINH ĐOAN thực hiện

TTO - Sau vở Cây gậy thần phối hợp nghệ thuật cải lương - xiếc ra mắt tháng 12-2020, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang thực hiện tiếp vở cải lương - xiếc Thượng thiên Thánh Mẫu.

Cải lương tiếp tục kết hợp xiếc kể huyền sử Việt - Ảnh 1.

Cảnh trong vở Cây gậy thần - Ảnh: Billiesstudio

Đây là vở diễn thứ hai của dự án Huyền sử Việt kể về tứ bất tử trong văn hóa dân gian Việt Nam.

Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với đạo diễn - NSND Triệu Trung Kiên, giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam, về sự kết hợp mới mẻ này.

Anh em nghệ sĩ đều thích thú

* Sự kết hợp mới mẻ giữa cải lương - xiếc có làm khó các nghệ sĩ, thưa anh?

- Với vở diễn kết hợp cải lương - xiếc, chúng tôi mất thời gian tương đối nhiều. Một tháng chuẩn bị kịch bản, bàn bạc để đưa trò xiếc nào vào. Chỗ nào dành cho xiếc, chỗ nào dành cho cải lương.

Minh Hải vai Chử Đồng Tử phải đi tập thể hình, các diễn viên cải lương phải dành thời gian sang Liên đoàn Xiếc học đu bay, cưỡi ngựa... Một vở có thời lượng khoảng 2 tiếng thì cân đối 1 tiếng dành cho cải lương, 1 tiếng dành cho xiếc.

Ngày nào có suất diễn Cây gậy thần, tôi đều hồi hộp lo lắng. Như Minh Hải có cảnh vừa bế Như Quỳnh (vai Tiên Dung) trên tay vừa đu trên dây lụa, hát cải lương; còn Như Quỳnh có cảnh ngồi trên đu, ngã người ra thật lãng mạn.

Lần nào tôi cũng nhắc: Đừng ngã người quá! Vậy mà vào cảnh cô nàng quên hết, cứ thế một tay nắm dây ngã người bay chấp chới làm tôi thót tim.

Ngoài việc chuẩn bị để tạo sự kết hợp hợp lý thì âm thanh, ánh sáng và sân khấu ba mặt của xiếc cũng là một thách thức với chúng tôi trong quá trình dàn dựng. Tuy nhiên, có một điều khiến chúng tôi vui là anh em nghệ sĩ đều tỏ ra thích thú.

Nghệ sĩ cải lương được trải nghiệm lao động nghệ thuật vất vả của diễn viên xiếc. Đạo diễn Tống Toàn Thắng tiết lộ nhiều lúc sau vở diễn thỉnh thoảng lại nghe diễn viên xiếc ngâm nga vài bản cải lương!

* Sau vở Cây gậy thần, anh và đạo diễn Tống Toàn Thắng đã rút kinh nghiệm gì cho vở kế tiếp?

- Với dự án nghệ thuật này, chúng tôi cho phép mình thử nghiệm nhiều cái mới như một cách để tìm hiểu, đáp ứng nhu cầu khán giả và xem khả năng chuyển biến của cải lương như thế nào.

Ví dụ như chúng tôi thử nghiệm phối các bài bản cải lương, vọng cổ, bài bắc, oán... theo phong cách nhạc jazz. Thật bất ngờ là khán giả trẻ tỏ vẻ rất thích thú. Tôi có hai cậu con trai, cậu út thì bố mẹ thuyết phục mỏi mồm mới chịu đi xem, xem xong cậu đã gật đầu.

Còn cậu lớn thì rủ rê bạn bè đi xem về bảo rằng: Bạn con nói vở của bố hay. Thế nhưng, vẫn có những người thuộc thế hệ trước không thích kiểu phối này, như mẹ tôi - nghệ sĩ cải lương Mai Phương, soạn giả Hoàng Song Việt đều không thích, vợ tôi (từng là nghệ sĩ cải lương) cũng phân vân.

Với vở Thượng thiên Thánh Mẫu, có một không gian huyền thoại, tâm linh là điều kiện tốt để phát huy nghệ thuật xiếc. Âm nhạc sẽ nhấn mạnh hát văn, hầu đồng, có mang giá hầu đồng lên sân khấu với những bài bản cải lương được phối ngọt ngào. Nói chung, chúng tôi lắng nghe ý kiến để điều chỉnh trong mỗi sản phẩm mới.

Cải lương tiếp tục kết hợp xiếc kể huyền sử Việt - Ảnh 2.

NSND Triệu Trung Kiên - Ảnh: Đ.TRIẾT

Cố gắng vượt khó

* Cũng có ý kiến cho rằng sự phối hợp giữa cải lương - xiếc không phù hợp lắm?

- Sau vở diễn đầu tiên, nhà hát chúng tôi và Liên đoàn Xiếc thấy rằng chúng tôi vẫn còn cần nhau. Nghệ thuật xiếc có những kỹ thuật khá giống nhau, nếu cứ khai thác mãi sẽ nhàm chán.

Bản thân xiếc cũng mong muốn được làm mới để gần gũi với khán giả, trong đó tôi cho rằng sự trợ lực của sân khấu là phù hợp. Cải lương có yếu tố mở nên dễ kết hợp với xiếc hơn so với tuồng, chèo.

Vừa rồi, theo dõi suốt cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc 2021, tôi đã giải tỏa được nỗi lo sự kết hợp lần 2 sẽ gây cảm giác nhàm chán vì có rất nhiều ý tưởng mình mường tượng ra khi xem các nghệ sĩ xiếc thi thố tài năng.

* Vở Cây gậy thần mới chỉ diễn được 10 suất. Đường dài của vở diễn sẽ được tính toán như thế nào?

- Vở diễn tập trung hơn 100 người. Mặc dù không phải tốn tiền thuê rạp nhưng chi phí cho mỗi buổi diễn phải mất ít nhất 55 triệu đồng. Chúng tôi đã thử bán vé nhưng mỗi suất thu được chỉ khoảng trên dưới 10 triệu đồng.

Vì vậy, bài toán kinh phí đang làm chúng tôi đau đầu. Lại thêm ảnh hưởng dịch bệnh nên khó càng thêm khó. Sắp tới chúng tôi đang tính chỉnh sửa vở diễn giảm khoảng 50% phù hợp diễn sân khấu bình thường để lưu diễn các tỉnh.

Mới đây một doanh nghiệp có nhã ý đồng hành cùng chúng tôi để đưa Cây gậy thần lưu diễn các tỉnh. Một doanh nghiệp khác cũng đặt hàng tôi và đạo diễn Tống Toàn Thắng làm một vở cải lương - xiếc về bà Chúa Xứ như món quà nghệ thuật tặng cho một tỉnh miền Tây.

Những tín hiệu vui đó khiến chúng tôi có thêm động lực để tìm mọi cách bảo toàn lực lượng, cùng nhau giữ nghề, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thượng thiên Thánh Mẫu là vở diễn về bà chúa Liễu Hạnh, người khai sinh ra đạo Mẫu Việt Nam, được xây dựng dựa trên những huyền tích dân gian về mẫu Liễu Hạnh từ thời hậu Lê đến thời Nguyễn.

Vở do nhà hát đặt hàng Lê Thế Song - Xuân Hồng - con gái và con rể của tác giả Hoàng Luyện (tác giả vở Cây gậy thần) viết.

Đây là vở diễn thứ hai của dự án Huyền sử Việt kết hợp cải lương và xiếc kể về tứ bất tử trong văn hóa dân gian Việt Nam: Tản Viên sơn thánh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Thánh mẫu Liễu Hạnh.

NSND Triệu Trung Kiên và NSND Tống Toàn Thắng tiếp tục đồng đạo diễn với sự tham gia của các nghệ sĩ ở Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Đ.TRIẾT

Báo động đỏ cho xiếc Việt Nam Báo động đỏ cho xiếc Việt Nam

TTO - Đạo diễn Phi Sơn - phó giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam - cho biết vì không có người mới, trẻ nên cũng khó có tiết mục mới, cứ đà này thời gian tới khi rạp xiếc ở Lữ Gia được xây dựng thì có khi không còn diễn viên trẻ để diễn xiếc.

LINH ĐOAN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên