![]() |
Bà Nancy Pelosi - lãnh đạo phe Dân chủ ở Hạ viện Mỹ - trình bày dự báo có ít nhất 750.000 người Mỹ mất việc làm do cắt giảm ngân sách tự động - Ảnh: Reuters |
Tạp chí Forbes đã mô tả đầy châm biếm như thế sau khi nước Mỹ tránh được nguy cơ “vách đá tài chính” hồi đầu tháng 1-2013.
IMF cảnh báo nguy cơ kinh tế toàn cầu Theo báo Wall Street Journal, ngày 1-3 Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo nền kinh tế Mỹ sẽ “chấn động” và nhiều quốc gia khác gặp khó khăn nếu Chính phủ Mỹ buộc phải tự động cắt giảm ngân sách 85 tỉ USD. IMF dự báo tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm từ 2% xuống 1,5% trong năm 2013. Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính tỉ lệ sụt giảm tăng trưởng lên đến 0,7%, Trung tâm Chính sách lưỡng đảng Mỹ dự báo có hơn 1 triệu người mất việc làm. |
Nhưng việc Chính phủ Mỹ buộc phải cắt giảm ngân sách tự động 85 tỉ USD từ ngày 1-3 là cái “nhà vệ sinh” mới đối với Quốc hội Mỹ. Tổng thống Barack Obama mới đây cũng đưa ra thông điệp tương tự: “Là một quốc gia, chúng ta không thể cứ lảo đảo đâm đầu vào hết cuộc khủng hoảng tự tạo này đến cuộc khủng hoảng tự tạo khác”.
Tuy nhiên, với hai dự luật nhằm ngăn chặn thảm họa - một của Đảng Dân chủ, một của Đảng Cộng hòa - bị chết yểu tại thượng viện hôm 28-2, nước Mỹ một lần nữa rơi vào cái hố mà chính các chính trị gia Mỹ tự đào lên.
Trên lý thuyết, biện pháp “cắt giảm ngân sách tự động” ảnh hưởng đến cả chi tiêu kinh tế, xã hội, quân sự... của Chính phủ Mỹ lẽ ra không thể xảy ra. Năm 2011, chính Nhà Trắng và Đảng Cộng hòa đã đưa ra sáng kiến “ngày tận thế” này để buộc các nghị sĩ hai đảng phải đàm phán, tìm ra thỏa thuận về ngân sách nhằm giảm thâm hụt.
Thế nhưng những bất đồng quá sâu sắc đã khiến hai phe Cộng hòa và Dân chủ thậm chí không hề nỗ lực đàm phán một cách nghiêm túc trong nhiều tháng qua. Ông Obama muốn tăng thuế lên giới nhà giàu để giảm thâm hụt ngân sách, còn đảng Cộng hòa đòi
chính phủ giảm chi tiêu. Các nghị sĩ Cộng hòa không chấp nhận tăng thuế nữa đối với nhà giàu với lý do ông Obama đã tăng thuế đối với giới nhà giàu rồi khi thương lượng về “vách đá tài chính” hồi tháng 12-2012. Không bên nào chịu nhượng bộ bên nào, do đó cái gì phải đến cũng đã đến.
Bất đồng leo thang tới mức đối đầu căng thẳng ngay sau khi ông Obama thắng cử năm 2008. Kể từ đó đến trước cuộc bầu cử năm 2012, mục tiêu của các lãnh đạo Đảng Cộng hòa ở quốc hội chỉ là “làm sao để Obama chỉ là tổng thống một nhiệm kỳ”.
Những màn đấu đá liên tiếp nổ ra trên đồi Capitol, hai phe không tìm được bất cứ điểm chung nào mà chỉ phủ quyết hầu như tất cả các dự luật mà bên kia đưa ra. Cử tri Mỹ cũng bị cuốn vào cuộc phân tuyến này. Nhiều cử tri Cộng hòa gọi cử tri Dân chủ là “libtard” (thiểu năng), và không ít cử tri Dân chủ lại coi cử tri Cộng hòa là “republithug” (kẻ cướp).
Đáng chú ý là sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, khi ông Obama thắng lợi quá cách biệt trước đối thủ Mitt Romney, báo chí nước này dự báo Đảng Cộng hòa sẽ phải tư duy lại, xích về phía tả hơn một chút để lấy lại uy thế. Nhưng kết quả chênh lệch số lượng đại cử tri giữa ông Obama và ông Romney (332-206) đã gây ra sự hiểu lầm đó. Xét tỉ lệ phiếu phổ thông, sự chênh lệch chỉ là 51-47%, hoàn toàn không nhiều. Nghĩa là vẫn có gần 50% cử tri Mỹ tán thành đường lối của Đảng Cộng hòa, nên không thể có chuyện các nghị sĩ Cộng hòa ở Washington nhượng bộ.
Nếu đó chỉ là chuyện nội bộ của Mỹ thì có lẽ sẽ chẳng ai ngoài nước Mỹ quan tâm. Có điều bất cứ đảo lộn nào tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phần còn lại của thế giới. Cái hố mà người Mỹ tự đào đủ rộng để kéo theo không ít quốc gia khác rơi vào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận