12/06/2013 11:19 GMT+7

Cái giá "vô bổ" cho kỳ thi tú tài Pháp: 1,5 tỉ euro

HÀ AN
HÀ AN

TT - 1,5 tỉ euro (1,9 tỉ USD) là chi phí hằng năm của Pháp cho một kỳ thi tốt nghiệp THPT (tú tài), theo một khảo sát được công bố ngày 10-6 của Nghiệp đoàn Quản lý giáo dục quốc gia Pháp (SNPDEN)!

fzqK6Uys.jpgPhóng to
Kỳ thi tú tài (tốt nghiệp THPT) của Pháp sẽ bắt đầu từ ngày 17-6 với môn triết học - Ảnh: AFP

Hằng năm, ngân sách này nhanh chóng “bay hơi” ở mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Pháp, kéo dài đúng một tuần. Năm nay, kỳ thi sẽ bắt đầu từ ngày 17-6 với môn triết học.

AFP cho biết số tiền khổng lồ này bao gồm những chi phí cho việc tổ chức các kỳ thi và ba tuần nghỉ học. Nó đã ngốn hết phần lớn ngân sách giáo dục hằng năm của nước Pháp.

Ba tuần nghỉ học

Thông tin này thật sự gây sốc khi nó tăng cao gấp 15 lần so với báo cáo thanh tra cách đây một năm, khi mà ngân sách thường kỳ dành cho những năm trước đó chỉ dao động ở mức 50-100 triệu euro (63-126 triệu USD), theo báo Libération.

“Chúng tôi đã thu thập các số liệu rải rác trong cơ sở dữ liệu của các bộ” - Philippe Tournier, tổng thư ký SNPDEN, giải thích. Chi phí cho các kỳ thi chỉ chiếm “một phần khiêm tốn”: 74,5 triệu euro! Lý do khiến chi phí tăng vọt là việc bãi bỏ việc học suốt ba tuần vào tháng 6 trước khi các kỳ thi diễn ra. “Mọi người, nhất là các phụ huynh, đều phàn nàn về cắt giảm chương trình học của học sinh, nhưng ít ai biết được rằng chi phí điều hành trên thực tế vẫn phải chi trả - Philippe Tournier cho biết và lưu ý: Các giờ làm phụ thêm hằng năm vẫn phải được chi trả”.

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, thường diễn ra vào tháng 6, tất cả học sinh THPT đều “phải” nghỉ học ba tuần để nhà trường huy động lực lượng chuyên môn cũng như các cơ sở tổ chức nhằm phục vụ kỳ thi. Năm nay, Pháp có khoảng 650.000 học sinh đăng ký thi tốt nghiệp nên cần huy động 175.000 giám thị coi thi và chấm thi.

Năm nay, Bộ Giáo dục Pháp lại tăng cường hai kỳ thi ngoại ngữ, trưng dụng thêm 200.000 giờ của giáo viên, tương đương với khoản chi 6,5 triệu euro, theo báo Libération. Các khoản tiền trả công chấm bài cho giáo viên cũng phải tăng từ 1,32 euro/bài lên 5 euro/bài, và với hơn 4 triệu bài thi thì số tiền này không phải ít.

Việc “giành lại tháng 6” của học sinh vào năm 2009 như phụ huynh yêu cầu cũng chỉ có thể bù được một tuần học. Bài tính mà SNPDEN nêu ra không có gì khó hiểu: chi phí cho một học sinh trung học là 11.500 euro/năm, với 1,5 triệu học sinh trung học trên toàn nước Pháp, năm học có 52 tuần. Vậy chi phí cho ba tuần nghỉ học là...1,5 tỉ euro.

Báo La Dépêche cho biết việc bị mất ba tuần học tương đương với 8% tổng số thời gian học của chương trình THPT, tính luôn năm học của lớp 10 và 11, tại Pháp. “Ở một số nơi, các kỳ thi ngoại ngữ có thể diễn ra từ tháng 2 hoặc tháng 3-4, buộc các trường học phải làm công tác chuẩn bị. Vì vậy, không chỉ riêng học sinh lớp 12 mà học sinh lớp 10 và 11 đều bị mất một khoảng thời gian học” - Philippe Tournier giải thích vì sao học sinh trung học bị mất gần một học kỳ suốt ba năm đèn sách.

Bỏ kỳ thi tốt nghiệp?

“Lợi ích” của kỳ thi tốt nghiệp lại chỉ có thể là “phát hiện khoảng 55.000-60.000 thí sinh không lấy được bằng tốt nghiệp”, đồng nghĩa với việc họ không thể hợp thức hóa nguyện vọng để vào các trường đại học, trường nghề. Vậy có cần tiếp tục hoang phí ngân sách công cho một kỳ thi mà cứ 10 thí sinh thì có đến tám thí sinh có thể đậu?

Nhiều chuyên gia cho rằng nên loại bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì ngân sách này có thể được tận dụng cho những chuyện có ích khác. Nhà xã hội học Michel Fize, tác giả cuốn sách Thi tú tài là vô ích (2012), không do dự kêu gọi hủy bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT: “Mối quan hệ giữa chất lượng và lợi nhuận, giữa giá trị bằng cấp và đầu tư ngày càng trở nên tầm phào. Theo một số nhà kinh tế học, việc loại bỏ kỳ thi cho phép tuyển dụng thêm 5.000 giáo viên, 8.000 điều dưỡng và cấp hơn 250.000 suất học bổng”.

SNPDEN cùng nhiều tác giả khác trong ngành giáo dục cũng kêu gọi tổ chức một kỳ thi “đơn giản hơn và khả thi hơn”. Nhưng đây rõ ràng là một đề tài “nhạy cảm”, bởi như báo Le Monde nhận xét: khó có thể “đụng” đến chuyện thi tú tài mà lại không gây nên những sóng gió. Hai đời bộ trưởng giáo dục là François Filon vào năm 2005 và Luc Chatel năm 2012 đều đã phải “đầu hàng”. Còn đối với Bộ trưởng giáo dục Vicent Peillon hiện nay, việc cải cách kỳ thi tú tài không được đưa vào chương trình nghị sự của ông. Việc thảo luận về tương lai của kỳ thi tú tài sẽ được dời lại...

HÀ AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên