20/01/2011 18:38 GMT+7

Cái đánh đòn đáng nhớ!

LÊ THỊ THANH HÀ
LÊ THỊ THANH HÀ

TTO - Nếu như với tôi mẹ là làn suối mát, là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn thì cha như ngọn núi Thái sơn cao ngất trời mang niềm tin soi sáng cuộc đời tôi. Tuổi thơ tôi gắn với kỷ niệm của bố khá nhiều. Hình bóng bố luôn theo tôi suốt cuộc đời này.

(Xin gửi những dòng tri ân tới người bố kính yêu của tôi - Lê Xuân Lộc - Vĩnh Lại - Lâm Thao - Phú Thọ)

“Công cha như núi Thái sơnNghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

gFTjoFE7.jpgPhóng to
Ảnh minh họa: Internet

Giờ tôi cũng không hiểu, ngày xưa mình lại hay quấn quýt bên bố đến vậy. Là chị cả trong nhà nhưng tôi luôn được bố cưng chiều, nhiều lúc làm mấy đứa em tôi phát “ghen” với chị. Bố tôi liền lại bên mấy đứa em tôi âu yếm nói: “Ai bố cũng thương cả!” rùi bố ôm mấy đứa con vào lòng.

Giờ thỉnh thoảng ngồi buồn trong ký túc tôi mường tượng lại cảm giác của những cái “ôm” của bố dành cho tôi và các em tôi. Một hơi ấm tỏa ra trong trái tim tôi. Mỗi lần như vậy, tôi thấy nhớ bố vô cùng.

Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác. Các bạn của bố ai cũng có cuộc sống sung túc, làm ông này bà nó nhưng bố tôi đến tận 40 tuổi rùi mà vẫn phải tần tảo nuôi mấy chị em tôi ăn học. Bố chỉ là ông “ nông dân” quanh năm “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng bố tôi có một nghị lực phi thường để chiến đấu với căn bệnh đau dạ giày đang giầy vò bố tôi hằng ngày.

Lúc chưa bị bệnh đau dạ giày, tôi còn nhớ vào những vụ mùa bố tôi gánh lúa nhanh thoăn thoắt không kém gì mấy anh thanh niên trong làng, làm cả mấy chị em tôi càng tự hào về bố hơn. Thế mà, thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ là một dáng hình gầy gò, mấy chị em thường trêu bố “ mảnh khảnh như mẹ vậy”. Bố không hề mắng mấy chị em, bố mỉm cười với ánh mắt đầy yêu thương. Tuy bệnh tật ngày đêm tra tấn bố, khiến bố đau đớn nhưng tôi thấy trong bố là cả một bầu trời nghị lực, niềm lạc quan và tình yêu dành cho gia đình.

Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trông vào mấy sào ruộng và tiền bố mẹ tôi đi làm thêm. Nhà tôi lại đông chị em, bố mẹ tôi nuôi bốn chị em tôi khôn lớn thật vất vả nhường nào. Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ đầu hàng số phận. Bố cố gắng vượt qua những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong nhà. Tôi nhớ, có lần chính tôi vô tình thấy bố nằm ở giường vật vã với từng cơn đau bụng, lúc đó nước mắt tôi cứ thế rơi, tôi cố nén từng tiếng nấc…

Hôm đó, tôi đi học về sớm, bố không hề biết tôi đã nhìn thấy tất cả. Giờ tôi mới thấu hiểu, bố đã chịu đựng và cố gắng như thế nào để vượt qua nhưng cơn đau làm bố tê tái cả người. Bố gầy đến mức chỉ bằng cân đứa em thứ ba, nhìn bố tôi không khỏi suy nghĩ. Lúc đó, trong đầu một đứa con mới 12 tuổi là một quyết tâm học thật giỏi để kiếm tiền chữa bệnh cho bố và vực gia đình vượt qua cơn khó khăn.

Bố chính là động lực thôi thúc tôi cố gắng và bố luôn tạo niềm tin nơi tôi. Bố động viên tôi cố gắng học để không phải khổ như bố, bố nói với tôi rằng “đời bố đã bần cùng, bố mong mấy chị em phải cố gắng học để đổi đời”. Những lời bố cứ văng vẳng bên tai tôi, thúc giục tôi học thật giỏi.

Để mấy chị em tôi được cắp sách tới trường, bố tôi đã đi làm thợ xây, mặc cho bênh tật hoành hành. Hàng ngày, bố phải đi từ lúc mờ sáng tới tận chiều tối mới về. Mái tóc bố dần bạc đi trong sương sớm. Đôi vai gầy guộc ấy là gánh nặng gia đình nhưng bố không cho là vậy. Bố thường nói với mấy chị em tôi, bố vui khi những đồng tiền bố làm ra là để đổi lấy những điểm 9, điểm 10 của các con đó. Nghe những lời đó của bố, trong lòng tôi lúc đó đầy tự tin nhưng thương bố vô cùng.

Tôi nhớ, hồi lớp 9 tôi bị điểm 2 môn văn vì làm lạc đề, lúc đó tôi sợ khi về nhà và nói với bố. Suốt buổi học, tôi lo lắng và không tập trung vào bài học, để cô giáo nhắc nhở mấy lần. Tan học về nhà, lúc đó bố đang ở nhà.

Hôm nay, bố đi làm về sớm. Bố thấy tôi vẻ mặt lo sợ, làm gì cũng luống cuống, bố liền hỏi và tôi lấy dũng cảm nói ra. Bố đi vào trong nhà, lấy ra một cái roi và bố bắt tôi nằm lên giường và đánh tôi một roi thật đau. Tôi òa lên khóc và chạy sang nhà bà ngoại. Đây là lần đầu tiên bố tức giận đến mức ấy và đã đánh tôi.

Lúc đó, tôi còn thấy bố không yêu thương tôi, tôi còn thấy “ghét” bố. Tôi ở bên bà ngoại mấy ngày liền không về nhà. Nhưng tôi hiểu ra mình đã sai, khi mẹ sang đón tôi về. Mẹ bảo, khi đánh con xong, bố đã “khóc” vì hôm ấy bố không kiềm chế được, cũng vì bố muốn các con mình không được phụ công bố làm việc vất vả mà học cho tốt. Lúc đó, trong suy nghĩ của một cố bé lớp chín là sự ân hận và nợ bố một lời “ xin lỗi’.

Và sự quyết tâm học đã tăng lên gắp bội. Bố tôi thường nói rằng, bố sẽ chiến đấu với bệnh tật để nhìn thấy các con thành đạt. Đặc biệt, bố rất quan tâm tới việc học của mấy chị em tôi. Ngày xưa, bố học rất giỏi nhưng vì nhà nghèo, ông bà không thể nuôi bố ăn học nên bố đã nghỉ học. Tôi còn nhớ, hồi tôi còn học tiểu học, vào mỗi tối, dù đi làm về mệt nhưng bố vẫn bày cho tôi học.

Sau đợt bị bố đánh đòn, tôi với bố có một khoảng cách làm tôi ít nói chuyện với bố hơn, không hay đùa với bố nữa. Tôi lao vào học và mang trong mình là động lực từ người bố đáng kính và cũng thật đáng thương. Tôi cảm nhận thấy, từng giây bố luôn quan tâm tới tôi.

Lúc biết tin, mình đỗ trường chuyên Hùng Vương - Phú Thọ - một ngôi trường là niềm mơ ước của biết bao cô cậu học sinh, trong đó có tôi. Tôi nhớ lại lần bố đi xem điểm cho tôi, một mình bố trên con ngựa sắt, đạp xe từ nhà 20km lên thành phố. Trời thì mưa tầm tã, bố nghỉ đi xây để xem điểm cho tôi. Khi biết có điểm là bố đã đi liền, bố không phải để tôi chờ đợi và tự đạp xe đi như những đứa bạn khác.

Báo tin cho tôi, trong tiếng điện thoại tôi thấy bố vui lắm, lần đầu tiên tôi thấy bố nở một nụ cười thật mãn nguyện đến vậy. Tôi biết bố vui biết nhường nào nhưng bên trong lại là nỗi lo, vì vào học trường chuyên rất tốn kém, trong khi bố còn phải lo cho cả gia đình nữa. Tôi nói với bố, hay con học trường huyện nhé! Bố đã bảo tôi rằng “Con hãy cố gắng học không phải lo tiền đóng học, cứ học cho tốt là được”. Lúc đó tôi càng quyết tâm hơn.

Gánh nặng lại càng nặng hơn đặt trên đôi vai gầy của bố. Nhưng bố chưa bao giờ cau có, mắng mỏ mà luôn lạc quan và vui vẻ, trừ có lần duy nhất bố đánh tôi. Kỷ niệm đó, tôi không bao giờ quên! Chính cái đánh đòn đó mà tôi đã có thêm sức mạnh để học tập và đỗ được vào một ngôi trường danh tiếng của tỉnh mà biết bao đứa bạn tôi thèm muốn đó. Tôi là trở thành niềm tự hào của cả dòng họ. Tôi thấy bố tôi vui và càng đặt nhiều niềm tin vào tôi.

Trong suốt thời gian học cấp ba, tôi đã phấn đấu không mệt mỏi và đem về cho mình rất nhiều danh hiệu, năm nào tôi cũng được giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Đây là món quá lớn nhất mà tôi dành tặng cho bố. Tôi là niềm tin của bố, từ đó, bố càng vượt qua sự đau đớn của bệnh tật để đi làm kiếm tiền nuôi tôi cũng như mấy đứa em tôi ăn học.

Giờ tôi đã là một cô sinh viên năm cuối, tôi đang chuẩn bị hành trang cho mình để thực hiện ước mơ và một trong những hành trang đó là động lực của bố. Bố mãi là tấm gương cho tôi phấn đấu, tôi sẽ ra trường đi làm và ước muốn thật nhỏ nhoi của tôi, đó là luôn giữ nụ cười trên khuôn mặt của bố. Hơn thế, là tôi sẽ kiếm tiền để chữa căn bệnh dạ giày đã hành hạ bố mấy chục năm nay.

Nhiều lúc ngồi nghĩ về bố và những vất vả bố đã trải qua để chị em tôi có cuộc sống tốt đẹp, tôi lại rơm rớm nước mắt. Tôi nợ bố một lời “xin lỗi”! Tôi muốn nói cho cả thể giới biết rằng: Tôi yêu bố biết nhường nào! Bố ơi! Con gái xin lỗi bố vì đã từng ghét bố! Nhưng con cũng cám ơn bố vì cái đành đòn của bố mà con có được như ngày hôm nay!

LÊ THỊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên