Theo TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội TPHCM, Việt Nam muốn rất nhiều nhưng việc thể hiện ra bằng chính sách như thế nào thì lại không làm được. Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ cũng chỉ là ý muốn, nhưng làm sao, bằng phương tiện gì thì chưa rõ ràng.
TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng Việt Nam thuộc loại tham vọng khi muốn một lần thực hiện được cả bốn mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô; phục hồi dần sức tăng trưởng của nền kinh tế; sắp xếp, tái cấu trúc cả nền kinh tế, và hội nhập quốc tế một cách sâu rộng toàn diện trong bối cảnh nguồn lực hạn chế về cả tài lực, nhân lực, mức độ minh bạch, giải trình còn kém và đang trong quá trình vừa cải cách kinh tế vừa cải cách chính trị có khả năng tạo ra những sự bất định trong nền kinh tế.
Cũng theo các chuyên gia, nếu không sớm tháo gỡ những khó khăn hiện nay thì kinh tế sẽ giống như cỗ xe nhấn ga nhưng không chạy được.
Tại hội thảo, nhiều diễn giả bày tỏ e ngại về sức khỏe kinh tế của VN trong việc đối phó với các cú sốc từ bên ngoài sau khi Ấn Độ và Indonesia đã lâm vào tình cảnh khó khăn khi có dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy.
Ông Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường, giá cả - dẫn ra khảo sát mới đây do Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam cho thấy các doanh nghiệp châu Âu đang ngày càng thận trọng hơn trong việc đầu tư tại VN và một vài doanh nghiệp đã bắt đầu có kế hoạch chuyển hoạt động sang các nước khác trong ASEAN.
Một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp châu Âu được khảo sát đưa ra quyết định trên là vì họ lo ngại lạm phát tại Việt Nam. Có 43% doanh nghiệp cho rằng lạm phát đang có tác động xấu tới việc kinh doanh của họ, tăng 8% so với quý 2 đồng thời có đến 60% doanh nghiệp dự đoán môi trường kinh tế vĩ mô sẽ xấu đi. “Lo ngại này hoàn toàn có thể chia sẻ được”, ông Ánh nói.
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết Ấn Độ và Indonesia là hai nước có khả năng chống đỡ với các cú sốc tốt do các nền tảng vĩ mô vững vàng hơn Việt Nam nhưng chỉ cần nhà đầu tư nước ngoài rút tiền tháo chạy mà họ đã liêu xiêu như vậy. “Nếu tình trạng này diễn ra đối với Việt Nam thì sao? Vấn đề này đặt ra bài học cho VN trong vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Thành nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận