Kế hoạch 383 được trông chờ ở Trung QuốcTrung Quốc trước loạt cải cách "chưa từng có tiền lệ"Mũi tên cải cách đã lên dây cung
Phóng to |
An ninh được thắt chặt ở phía ngoài khách sạn Kinh Tây nơi diễn ra hội nghị trung ương 3 - Ảnh: AFP |
Hôm qua, lại một hội nghị trung ương 3 được khai mạc ở đây với những kỳ vọng về thay đổi mà Trung Nam Hải nói là “chưa từng có tiền lệ”. Khách sạn Kinh Tây, do quân đội quản lý, với khuôn viên cũ và kiến trúc Liên Xô không có nét hào nhoáng hiện đại nhưng là nơi được canh phòng cẩn mật và được coi là đảm bảo tối ưu về mặt an ninh cho các hội nghị quan trọng.
Lực lượng an ninh hôm qua được bố trí dày đặc và chặn tất cả xe ngoại tỉnh vào đại lộ chính dẫn đến khách sạn. Trong bốn ngày, gần 400 ủy viên trung ương cả chính thức và dự khuyết sẽ bàn thảo một loạt chương trình đổi mới, theo lời Tân Hoa xã, là “sâu sắc và toàn diện”.
Chủ trương cải cách có thể thấy rõ khi một loạt báo chí chính thống đều đưa đậm thông tin về các nội dung đổi mới. Trên Tân Hoa xã, “cải cách ruộng đất” với nội dung chính là về thay đổi sở hữu đất nông nghiệp được đưa đậm. Theo Tân Hoa xã, “đợt cải cách ruộng đất mới” phụ thuộc rất nhiều vào việc đảm bảo quyền và lợi ích cho người nông dân, bị cho là đối tượng thiệt thòi nhất trong xã hội hiện nay. Việc người nông dân có được trao nhiều quyền và tiền hơn trong việc bán đất là vấn đề quan trọng nhất để chấn hưng kinh tế nông thôn mà chính quyền thúc đẩy nhiều năm qua.
“Hệ thống đất đai là vấn đề trọng tâm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc” - giáo sư Trịnh Phong Điền, viện phó Viện phát triển nông thôn và nông nghiệp ĐH Nhân Dân, nhận định.
Nguyên nhân bất ổn xã hội
Pháp luật Trung Quốc quy định hai hình thức sở hữu đất. Đất thành thị thuộc sở hữu nhà nước, đất nông thôn thuộc sở hữu tập thể. Nông dân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền bán đất thuộc sở hữu tập thể. Chính quyền địa phương đóng vai trò trung gian trong việc trưng thu đất của nông dân, biến thành đất thuộc sở hữu nhà nước và bán lại cho chủ đầu tư. Mọi mâu thuẫn giữa chính quyền và nông dân bắt nguồn từ khoản chênh lệch từ việc trưng thu đất với giá rẻ mạt và bán lại đất với giá cao gấp nhiều lần.
Một bài bình luận trên Tân Hoa xã hôm 9-11 nói chế độ đất đai này giờ lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp. Thời hạn giao đất không rõ ràng và chính quyền địa phương đổ xô vơ vét đất khiến nông dân có thể mất đất, mất nhà bất cứ khi nào.
“Trưng thu đất nông dân không chỉ ảnh hưởng đến an ninh lương thực mà là nguyên nhân của nhiều vụ kiện cáo, là nguyên do gây bất ổn xã hội” - giáo sư Trịnh Phong Điền nhận định. Tân Hoa xã dẫn chứng vụ tự thiêu của nông dân Đường Phúc Trân ở thôn Kim Hoa, thành phố Thành Đô (Tứ Xuyên) hoặc vụ biểu tình tại Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông do tranh chấp đất đai là những giọt nước tràn ly vì bất ổn xã hội. Theo tạp chí kinh tế Tài Tân, mỗi năm có khoảng 4 triệu vụ tranh chấp liên quan đến việc di dời nhà cửa và trưng thu đất đai.
Nguồn thu chủ yếu của địa phương
Tạp chí kinh tế Tài Tân nói nhiều địa phương đang dùng việc bán đất để phát triển kinh tế và đô thị hóa. Điều này là yếu tố trở ngại lớn nhất cho việc cải cách ruộng đất ở Trung Quốc.
Từ lâu, việc chuyển nhượng, cho thuê đất đai đã trở thành nguồn thu chủ yếu của Chính phủ Trung Quốc. Với quỹ đất nông thôn khổng lồ, nhiều năm qua chính quyền địa phương đã không ngừng trưng thu đất để trả núi nợ công khổng lồ. Theo ước tính, mức tổng nợ này đã lên đến 2.800 tỉ USD, chiếm hơn 1/3 GDP. Việc cho dân quyền mua bán đất có thể khiến nhiều chính quyền địa phương rơi vào khó khăn, thậm chí vỡ nợ.
Chính quyền địa phương cũng sẽ mất cả lợi thế dùng đất để thế chấp ngân hàng - nơi cung tiền giúp họ trả nợ. Theo Tài Tân, năm 2010, gần 80% số tiền trả nợ là do chính quyền địa phương vay mượn từ ngân hàng (thế chấp đất). Từ 2007-2012, diện tích đất mà 84 thành phố trọng điểm thế chấp để vay nợ tăng từ 128.400ha lên đến 349.000ha.
Khó khăn lớn nhất của việc cải cách đất đai lần này chính là việc đánh đổ thế độc quyền của chính quyền địa phương về cung ứng đất nông thôn - điều sẽ khiến cải cách gặp cản trở nhiều từ địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận