01/06/2015 00:10 GMT+7

​Cách phòng tránh khi bị say nắng, say nóng

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Say nắng, say nóng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè. Thời tiết nắng nóng gay gắt dễ khiến cơ thể con người mệt mỏi, mất nước, đặc biệt rất dễ bị say nắng, say nóng.

Các biểu hiện của say nắng, say nóng có thể gặp như: mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu... ngoài ra có thể gây đột quỵ, nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục, thậm chí dẫn tới tử vong.

Say nắng là tình trạng thường gặp khi phải lao động hoặc đi bộ lâu ngoài nắng, nhất là buổi trưa khi trời nắng gay gắt, có nhiều tia tử ngoại. Các biểu hiện thường gặp của say nắng là tình trạng mất nước cấp, kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt nặng và thường có diễn biến nặng ngay từ đầu; với các dấu hiệu như sốt rất cao 43 - 44 độ C, biểu hiện rối loạn thần kinh (mất phương hướng, ảo giác, lẫn lộn, co giật, hôn mê...). Đặc biệt, không nên để đầu trần đi ngoài trời nắng to quá lâu.

Để phòng say nắng, say nóng, vào mùa hè cần uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, các loại rau củ quả chứa nhiều kali như: rau má, cà chua, rau đay, mồng tơi... Mặc áo rộng, thoáng mát, thoát mồ hôi. Đồng thời, không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức.

hinh-2-1433131568.jpg

Trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính... Bên cạnh đó, cần làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt là các công xưởng, hầm lò, rất có ý nghĩa trong việc phòng chống say nắng, say nóng.

Việc rèn luyện, nâng cao sức khỏe thường xuyên cũng giúp cho cơ thể có sức chống chọi với sự thay đổi bất thường của thời tiết.

Khi đã bị say nắng cần tìm cách hạ thân nhiệt xuống dần từng bước, càng sớm càng tốt. Để người bệnh nằm chỗ mát, thoáng gió, cởi bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối.

Chườm lạnh bằng nước đá lạnh khắp người, đặc biệt ở những vùng có  động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ. Có thể phun nước lạnh vào người bệnh nhân (tránh phun vào mũi miệng). Đồng thời, theo dõi cho đến khi nhiệt độ trực tràng hoặc miệng xuống dưới 38 độ C.

Nếu bệnh không thuyên giảm cần đưa đến các cơ sở y tế nơi gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời để hạ sốt, chống co giật, truyền dịch bù nước và điện giải...

Đối với say nóng, cũng cần được điều trị sớm và tích cực. Ở thể nhẹ, các biện pháp xử trí là cởi bớt quần áo, nằm nghỉ ở nơi mát mẻ, thoáng gió, uống nước lạnh có muối, chườm lạnh. Đối với thể nặng, cần điều trị như say nắng.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên