09/04/2017 08:26 GMT+7

Cách nào thành công với ngành nghề đã chọn?

M.G. - N.HÀ - V.HÀ - V.V.TUÂN
M.G. - N.HÀ - V.HÀ - V.V.TUÂN

TTO - Chọn ngành theo sở thích hay ý kiến gia đình? Học để tìm việc hay tự tạo việc làm cho chính mình?... Đây là những băn khoăn lớn của thí sinh trong buổi tư vấn trực tuyến về tuyển sinh, do Tuổi Trẻ tổ chức sáng 8-4 tại tuoitre.vn.

Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân - hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn - trong buổi tư vấn trực tuyến về tuyển sinh tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 8-4 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân - hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn - trong buổi tư vấn trực tuyến về tuyển sinh tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 8-4 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Buổi tư vấn đăng ký nguyện vọng xét tuyển nhóm ngành kinh tế - luật - nhân văn có sự tham gia của các chuyên gia tư vấn và đại diện các trường: ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tài chính - marketing, ĐH Luật TP.HCM, ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM), ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Tài chính - ngân hàng Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Báo chí và tuyên truyền, ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), Học viện Cán bộ TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM, ĐH quốc tế Hồng Bàng và CĐ nghề Du lịch Sài Gòn.

“Em vẫn chưa biết chọn ngành nào...”

Đó là lo lắng chung của rất nhiều thí sinh thể hiện trong câu hỏi gửi đến chương trình tư vấn sáng 8-4. Một thí sinh bộc bạch: “Em rất thích học ngành hướng dẫn viên du lịch. Nhưng gia đình em phản đối, cho rằng con gái làm hướng dẫn viên rất cực. Em còn hay bị say xe...”.

Chia sẻ với bạn này, ThS Ngô Thị Quỳnh Xuân - hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn - tư vấn: “Ngoài đi những tour xa, em có thể tham gia các tour ngắn ngày như city tour, tour các tỉnh trong nước hoặc công tác tại các khu du lịch, trở thành thuyết minh viên tại điểm hoặc công tác ở các công ty lữ hành...”.

“Bản chất công việc của hướng dẫn viên du lịch là phải đi nhiều và phương tiện di chuyển phổ biến là xe du lịch, máy bay... Vậy nên nếu em bị say xe thì cũng là một phần hạn chế. Tuy vậy, cô đã thấy một số sinh viên ở trường theo ngành học này lúc đầu cũng say xe, nhưng có quá trình luyện tập qua các tour thực tập thực tế từ ngắn ngày đến dài ngày thì dần quen và vượt qua hạn chế này. Chúc em cố gắng hết sức để có thể theo đuổi đam mê của mình” - cô Xuân tư vấn thêm.

Cũng băn khoăn khi chọn ngành, một thí sinh cho biết mình học tốt môn tiếng Anh và muốn theo học ngành ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng không nên học ngôn ngữ như một ngành, mà nên học ngành khác, tiếng Anh có thể học thêm bên ngoài. Cơ hội việc làm sẽ tốt hơn khi vừa có ngoại ngữ vừa có chuyên môn của ngành. Đây là điều khiến bạn phân vân, không biết theo học ngành nào.

TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - tư vấn: “Nếu đã xác định em học tốt môn tiếng Anh và muốn theo học ngành này thì nên đăng ký theo học. Căn cứ vào kết quả khảo sát sinh viên tốt nghiệp tại trường, những sinh viên học giỏi, tốt nghiệp từ ngành ngôn ngữ Anh đều có việc làm tốt và thu nhập khá cao. Thầy mong em có một sự lựa chọn đúng cho tương lai của mình”.

Tìm việc hay tự tạo việc làm?

Tại buổi tư vấn, không ít thí sinh bày tỏ mong muốn tìm những ngành nhiều cơ hội có được việc làm sau khi ra trường. Nhiều thí sinh mạnh dạn đặt câu hỏi đến các thầy cô trong ban tư vấn về khởi nghiệp, về cách tự tạo việc làm khi tốt nghiệp, thậm chí khởi nghiệp ngay khi còn là sinh viên.

Đó là những câu hỏi rất thực tế như: chương trình đào tạo của trường ĐH có quan tâm và thiết kế nội dung để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp không? Phong trào khởi nghiệp trong sinh viên hiện nay ra sao?

Đáp lại những thắc mắc này, TS Lê Việt Thủy - phó phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân - cho biết: chương trình đào tạo của phần lớn các ngành đều có những kiến thức cơ bản để sinh viên khởi nghiệp như kinh tế vi mô, kế toán, tài chính căn bản, luật kinh doanh... Riêng với một số ngành, trong chương trình đào tạo có cả những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về khởi nghiệp. Ví dụ như quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp, cách tìm kiếm nguồn đầu tư, cách lập các dự án và kế hoạch kinh doanh... Do đó, sinh viên ra trường nếu không làm việc trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp thì đều có khả năng tự lập nghiệp.

“Mỗi năm có 50-60 dự án khởi nghiệp của sinh viên trường, trong đó có khoảng 20% dự án tự kinh doanh. Để hỗ trợ sinh viên, nhà trường đã thành lập trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo xã hội, giúp những sinh viên có các dự án khởi nghiệp mang lại lợi ích cộng đồng” - TS Thủy cho biết.

Còn theo PGS.TS Phạm Ngọc Ánh - hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - ngân hàng Hà Nội, một trong những nội dung trường ĐH có thể hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp là hướng dẫn và giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực hành nghề, vượt qua những hạn chế về ứng xử nghề nghiệp, thái độ làm việc...

“Nội dung về khởi nghiệp cho sinh viên, trong các ngành học quản trị kinh doanh và kinh doanh thương mại đều có. Đó là các học phần chuyên sâu của nhiều ngành học. Trong các hoạt động của Đoàn trường, hằng năm đều triển khai và hướng dẫn các bạn đoàn viên sinh viên tham gia chương trình khởi nghiệp do Thành đoàn Hà Nội tổ chức với rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, thực tế” - ông Ánh chia sẻ.

“Tố chất nào cần có để làm tốt được công việc của mình và thành công trong ngành nghề mình đã lựa chọn?” chính là câu hỏi được khá nhiều thí sinh đặt ra với các thầy cô trong buổi tư vấn về nhóm ngành kinh tế - luật - nhân văn.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Ánh, những câu hỏi như vậy rất cần thiết với cả người dạy và người học, bởi giờ đây sức hút nhiều hay ít của các trường đối với thí sinh lệ thuộc nhiều vào sản phẩm đào tạo của trường có đáp ứng nhu cầu việc làm hay không. Trong đó kiến thức chuyên ngành chưa đủ, mà còn rất cần kỹ năng thực hành, các kỹ năng mềm làm phương tiện thực hiện công việc và đặc biệt là thái độ làm việc.

Ít thực tập, sinh viên sư phạm sẽ dễ mắc sai lầm?

* Nếu học sư phạm, em sẽ có nhiều cơ hội thực tập ở các trường phổ thông? Có phải do điều kiện thực tập ít nên sinh viên sư phạm ra trường khó bắt nhịp công việc, dễ mắc sai lầm như những vụ việc đau lòng vừa qua?

- PGS.TS Nguyễn Văn Trào (phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội): Trường chúng tôi rất quan tâm tới đào tạo chuyên môn, đạo đức, nghề nghiệp và đặc biệt là thực hành nghề cho sinh viên. Nếu học các ngành sư phạm tại trường, nhà trường tổ chức cho các em thường xuyên được tiếp xúc với các trường phổ thông từ năm thứ hai.

Phần nghiệp vụ sư phạm chiếm 25% thời lượng của chương trình đào tạo. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các em sau khi ra trường có đầy đủ năng lực, kỹ năng về chuyên môn cũng như về nghiệp vụ sư phạm và đặc biệt là lòng yêu nghề.

Do đó, các em sẽ đáp ứng cao những đòi hỏi của ngành nghề cũng như của xã hội sau khi ra trường.

Không đăng ký được ngành xét tuyển vì sai mã ngành

* Em được biết thông tin mã ngành từ cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đại học chính quy, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2017 (tập 2) là không chính xác. Nhưng sáng nay khi em nhập thông tin theo mã ngành Trường ĐH Kinh tế - luật tại thituyensinh.vn thì phần mềm lại báo là không hợp lệ. Vậy em phải nhập mã ngành sao cho đúng?

- TS Lê Tuấn Lộc (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐHQG TP.HCM): Có một số nhầm lẫn trong quyển Những điều cần biết về tuyển sinh đại học chính quy, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2017 (tập 2). Do vậy, em cần thông tin đáng tin cậy hơn để không ảnh hưởng đến xét tuyển ĐH sau này của em. Em có thể tìm thông tin về mã ngành, mã trường và tổ hợp môn thi ở website của nhà trường hoặc cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT để ghi đúng mã ngành xét tuyển.

Sáng nay, tư vấn cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển đợt 1 chính xác nhất

Từ 9-11h ngày 9-4 tại tuoitre.vn, Tuổi Trẻ tổ chức buổi tư vấn trực tuyến cách chọn các nguyện vọng xét tuyển đợt 1 chính xác nhất. Trong đợt 1 xét tuyển, thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào các trường ĐH. Thế nhưng nên sắp xếp các nguyện vọng đó thế nào để cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích là cao nhất? Cùng một ngành nhưng nhiều trường đào tạo, sắp xếp thứ tự ưu tiên nguyện vọng ra sao để có thể trúng tuyển ngay từ đợt đầu tiên?

Những băn khoăn nói trên sẽ được ban tư vấn giải đáp chi tiết cho bạn đọc. Ban tư vấn gồm: PGS.TS Trần Anh Tuấn - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, TS Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Văn Long - chủ tịch hội đồng Trường ĐH Giao thông vận tải, TS Phạm Mạnh Hà - chuyên gia tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Minh Hà - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM, TS Tăng Hữu Tân - trưởng ban tuyển sinh Trường ĐH Tôn Đức Thắng, thạc sĩ Nguyễn Duy Hải - phó trưởng khoa khoa học xã hội và nhân văn Trường ĐH Văn Hiến, thạc sĩ Trần Hải Nam - phó phòng tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thạc sĩ Lê Thị Thùy Phương - trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Vạn Xuân và thạc sĩ Lâm Thị Bích Ngọc - hiệu trưởng Trường trung cấp Vạn Tường.

M.G.

M.G. - N.HÀ - V.HÀ - V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên