Trường THCS Ea Phê - Ảnh: TRUNG TÂN
Người bị cách chức là ông Phan Xuân Hạnh, hiệu trưởng Trường THCS Ea Phê, người đã nhận 210 triệu đồng từ một giáo viên.
"Ông Hạnh nhận 210 triệu đồng của cô Bùi Thị Thùy Lê để lo cho người này vào dạy tại Trường THCS Ea Phê. Tuy nhiên, ông Hạnh đã không thực hiện và chiếm đoạt luôn số tiền trên nên cô Lê làm đơn gửi cơ quan chức năng.
Sau khi bị tố cáo, ông Hạnh đã trả lại số tiền trên. Cô Lê được hợp đồng giảng dạy từ đầu năm học 2015-2016, hiện đang là giáo viên hợp đồng tại Trường THCS Ea Phê", bà Trinh khẳng định.
Theo bà Trinh, hành vi của ông Hạnh có biểu hiện lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhũng nhiễu nhằm nhận tiền chạy việc trái với quy định của pháp luật. Sau khi bị cách chức, ông Hạnh là giáo viên bình thường và hết năm nay sẽ nghỉ hưu.
Một lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắk cho biết thêm trước đó Huyện ủy đã xác minh và kết luận sai phạm. Hiện vụ việc đang được củng cố để chuyển cơ quan điều tra.
Hàng trăm giáo viên lo lắng trước thông tin mất việc - Ảnh: TRUNG TÂN
Trai đổi với phóng viên chiều 30-3, thượng tá Nguyễn Văn Dân - phó trưởng Công an huyện Krông Pắk - cho biết chưa tiếp nhận tin báo nhưng công an huyện có biết vụ việc. Nếu có sẽ điều tra theo đúng quy định.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, từ năm 2011 đến 2016, UBND huyện Krông Pắk tuyển dư hơn 600 giáo viên. Ngày 9-3, huyện thông tin sẽ cắt hợp đồng với các giáo viên không có chỉ tiêu biên chế năm 2017.
Sau đó rất nhiều giáo viên hoang mang, lo lắng và thông tin nhiều người phải "chạy" mới được đi dạy.
Hiện Công an huyện Krông Pắk đã bắt giam ông Huỳnh Bê, hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây, xã Vụ Bổn, Đắk Lắk.
Sáng 30-3, lãnh đạo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã có buổi làm việc với UBND huyện Krông Pắk và cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk và tình hình chấm dứt hợp đồng đối với 500 giáo viên dôi dư tại địa phương.
"Sau khi nghe địa phương báo cáo, lãnh đạo Cục đã ghi nhận và cho biết sẽ tổng hợp gửi lãnh đạo bộ", bà Trinh nói.
Về hướng xử lý đối với 500 giáo viên dôi dư tại địa phương, bà Trinh cho biết địa phương đã rà soát lại tất cả các hợp đồng, chế độ của 500 giáo viên nêu trên và đề xuất xin thêm vị trí xét tuyển nhưng chưa được cấp trên trả lời.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đang rà soát tất cả các huyện xem chỉ tiêu biên chế rồi sẽ cho các giáo viên này thi tuyển vào những vị trí còn thiếu.
Trong khi đó ông Miên Klơng - giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk - cho biết phương án giải quyết số giáo viên dôi dư đã được tổng hợp, gửi Bộ Nội vụ xem xét, ra quyết định.
Về thông tin tỉnh Đắk Lắk dự định tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục bậc mầm non đến THCS của nhiều huyện cùng một lúc, ông Miên Klơng nói UBND tỉnh cũng từng bàn.
Theo đó, việc tổ chức thi tuyển chung là để các giáo viên ở các địa phương, trong đó có số giáo viên dôi dư cùng thi tuyển.
"Tuy nhiên đó chỉ là một phương án đưa ra để bàn thảo, chưa có quyết định cuối cùng" - ông Miên Klơng thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận