02/01/2014 08:42 GMT+7

Các xu thế định hình châu Á năm 2014

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Năm 2014 được dự báo sẽ là đầy biến động đối với châu Á, với các nguy cơ chính trị, căng thẳng an ninh và những thách thức kinh tế.

5yZc0sVC.jpgPhóng to
Người biểu tình ở Hàn Quốc (phải) phản ứng với cảnh sát bảo vệ trước đại sứ quán Nhật ở Seoul hôm 27-12-2013, chỉ một ngày sau chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe - Ảnh: Reuters

Mới đây, tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại quốc tế Carnegie Endowment for International Peace đã dự báo các xu hướng sẽ định hình châu Á trong năm 2014. Một số chuyên gia kinh tế - chính trị của các ngân hàng Citigroup, HSBC, ANZ... và nhà kinh tế Nouriel Roubini - người nổi tiếng với dự đoán chính xác về cuộc khủng hoảng tài chính 2008, cũng đưa ra những đánh giá tương tự cho khu vực.

Những khu vực tranh chấp, xung đột Nhật - Trung

Tin xấu đầu tiên là các tranh chấp lãnh thổ tại châu Á sẽ tiếp tục leo thang trong năm 2014. Một yếu tố có ảnh hưởng lớn chính là Trung Quốc. Giới chuyên gia khẳng định các chiến lược lâu dài của Bắc Kinh đã gây sự quan ngại lớn trong khu vực. Tháng 11-2013, Trung Quốc đã gây căng thẳng khi thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

Giới chuyên gia dự báo trong năm 2014 Bắc Kinh có thể sẽ lập ADIZ tương tự ở các vùng biển xung quanh, đặc biệt là biển Đông. Dự báo trong năm 2014, các nước khu vực sẽ tiếp tục tranh cãi về quyền di chuyển, tự do hàng hải, tự do hàng không. Xung đột Nhật - Trung sẽ là diễn biến đáng chú ý nhất. Không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ sớm có biện pháp trả đũa việc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến thăm đền Yasukuni.

Chia rẽ an ninh đe dọa hội nhập kinh tế

Hội nhập kinh tế tại châu Á đang ngày càng trở nên sâu rộng. Tuy nhiên thách thức lớn nhất của khu vực là sự đụng độ giữa kinh tế và an ninh. Thương mại giữa các nước châu Á hiện lên tới 20.000 tỉ USD, nhưng cũng chính các quốc gia này đang rơi vào vòng xoáy căng thẳng an ninh và quan hệ ngoại giao rối loạn. Các cường quốc châu Á không tin cậy lẫn nhau.

Sự lạnh nhạt càng gia tăng do các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và biển Hoa Đông. Sự đối nghịch giữa hợp tác kinh tế và chia rẽ an ninh càng trở nên rõ ràng trong năm 2014. Các tranh chấp an ninh sẽ đe dọa tiến trình hội nhập kinh tế châu Á.

Nhật “xoay trục” châu Á

Do quyết tâm cạnh tranh với Trung Quốc, Nhật sẽ tiếp tục tăng cường nỗ lực ngoại giao với các nước châu Á. Trong năm qua, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã liên tục đến thăm các nước khu vực, cam kết hỗ trợ Đông Nam Á 20 tỉ USD. Tokyo sẽ mở rộng các dự án đầu tư, thương mại, viện trợ, trao đổi an ninh, đặc biệt với các nước Đông Nam Á. Xu hướng đầu tư của Nhật cũng sẽ là một yếu tố đáng chú ý. Nếu có một làn sóng tẩy chay Nhật mới nổ ra ở Trung Quốc, đầu tư Nhật sẽ chuyển hướng từ Trung Quốc sang các địa chỉ khác ở châu Á.

Biến động ở CHDCND Triều Tiên

Giới quan sát quốc tế cảnh báo vụ xử tử ông Jang Song Thaek, dượng của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, cho thấy những chia rẽ nội bộ tại Bình Nhưỡng và nguy cơ bất ổn sẽ gia tăng trong năm 2014. Có khả năng CHDCND Triều Tiên sẽ tiếp tục những động thái tìm kiếm sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Bình Nhưỡng có đủ mọi sự lựa chọn, từ thử hạt nhân, thử tên lửa tầm xa cho đến các vụ căng thẳng ở biên giới.

Những biến động này sẽ gây khó khăn cho toàn thể Đông Bắc Á. Dù là đồng minh của CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc sẽ khó chấp nhận các hành động gây bất ổn trong khu vực hoặc đẩy Nhật, Hàn Quốc và Mỹ đến gần nhau hơn. Rất nhiều nhà quan sát từng đánh giá ông Jang Song Thaek là “nhân vật cầu nối” giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với CHDCND Triều Tiên là dấu chấm hỏi lớn sau vụ xử tử ông Jang.

Tương lai của chính sách “tái cân bằng”

Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama bỏ lỡ chuyến công du tới châu Á vào tháng 11-2013, các nước châu Á đã đặt câu hỏi về chiến lược “tái cân bằng” của Washington. Mỹ hiện vẫn đang giữ vai trò góp phần đảm bảo an ninh ở khu vực châu Á. Nhưng trong năm 2014, các nước đồng minh và đối tác trong khu vực sẽ theo dõi với ánh mắt lo ngại mọi cử động của Washington trong thời điểm ngân sách nước này, đặc biệt là ngân sách quốc phòng, bị cắt giảm đáng kể.

Về phương diện kinh tế, nhu cầu từ Mỹ đã giúp thúc đẩy tăng trưởng dựa trên xuất khẩu tại châu Á. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với vô số khó khăn, do vậy không dễ để Mỹ mở rộng vai trò kinh tế nhằm cân bằng với vị thế an ninh trong khu vực.

Ảnh hưởng của TPP

Một loạt thỏa thuận thương mại khu vực đang xuất hiện ở châu Á, bao gồm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP). Rất nhiều nhà quan sát đánh giá TPP và RCEP cạnh tranh lẫn nhau. Trong thời gian qua, Bắc Kinh coi TPP là một phần trong chiến dịch kiềm tỏa của Mỹ. Nhưng điều đó có thể thay đổi trong năm 2014 bởi Bắc Kinh đã bắt đầu tỏ ra quan tâm tới TPP. Nếu TPP hoàn thành trong năm 2014, nó sẽ thiết lập tiêu chuẩn cạnh tranh mới ở châu Á và các nền kinh tế lớn, kể cả Trung Quốc, sẽ phải tìm cách thích ứng.

Các cuộc cải tổ lớn

Ba nền kinh tế lớn nhất khu vực là Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật đều đang thực hiện các bước cải tổ quy mô lớn. Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc dựa trên thị trường bất động sản và xuất khẩu đang có dấu hiệu hụt hơi, và cuối năm 2013 Bắc Kinh đã công bố các bước cải tổ, trong đó có việc nâng cao vai trò của thị trường. Tuy nhiên Trung Quốc sẽ không thể trao cho thị trường vai trò quyết định nếu không hạn chế vai trò của nhà nước đối với nền kinh tế. Đây sẽ là thách thức lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2014.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên