06/12/2014 10:49 GMT+7

Chuyện bản quyền, các trang mạng không thể từ chối trách nhiệm

TUẤN KHANH
TUẤN KHANH

TT - Vụ kiện của nhạc sĩ Trần Lập là một trong những sự kiện tiếp nối, nhắc nhớ tình trạng chiếm dụng bản quyền âm nhạc lâu nay từ cá nhân và các tổ chức gần như rơi vào bế tắc.

Nhạc sĩ - ca sĩ Trần Lập cho biết anh đang chờ phán quyết từ tòa án trong vụ khởi kiện ra tòa và yêu cầu VNG bồi thường tổng cộng 155 triệu đồng khi chia sẻ bài hát Đường đến vinh quang - Ảnh: Gia Tiến

Bế tắc vì đôi khi chính đương đơn không đủ kiên nhẫn đeo đuổi cho đến khi có kết quả, và bế tắc vì sự luồn lách của các nhà quản trị mạng.

Ngày 3-12, trang âm nhạc Zing MP3 đối diện với lời cáo buộc mới nhất vì đã cho lưu hành trên trang mạng của mình ca khúc Đường đến vinh quang của nhạc sĩ Trần Lập mà không có sự đồng ý của anh.

Phía Công ty VNG, tức công ty cổ phần quản lý trang Zing, nói rằng nhạc sĩ Trần Lập đã kiện sai đối tượng vì người đưa lên là một thành viên của trang mạng chứ không phải họ.

Thoạt nhìn, vấn đề này có vẻ như VNG là nạn nhân, nhưng thực tế đó là cách dựa lưng vào những nhân vật ẩn danh để né tránh trách nhiệm của mình. Với cách thức này, nhiều năm nay VNG vẫn vượt thoát nhiều cáo buộc của các ca sĩ, nhạc sĩ.

Cái sai đầu tiên của VNG là cho phép bất kỳ thành viên nào ghi danh cũng có thể upload (tải lên) các ca khúc ở định dạng mp3. Đây là một chủ trương rõ ngay từ đầu, nhằm sử dụng hình thức nguồn tài sản miễn phí để tạo điểm đến.

Chính vì hình thức này mà hãng chia sẻ âm nhạc Napster từ thập niên 1990 đã vướng vào vô số lời kiện tụng, bao gồm từ đại gia Sony Music, khiến phải thay đổi. Nếu không chủ động, mã nguồn thiết kế cho trang web sẽ không thể upload được, ví dụ trang Facebook vì không muốn vướng vào điều này nên không cho phép upload các định dạng âm nhạc như wav hay mp3.

Kế đến, việc upload các ca khúc từ các thành viên bao giờ cũng phải đi qua chế độ kiểm soát và cho phép.

Nhiều thành viên upload nhạc đã chia sẻ trên các trang mạng rằng tình trạng duyệt cho hiển thị rất chậm, thậm chí có trường hợp 24 giờ sau mới có thể được hiển thị.

Điều đó có nghĩa ban quản trị mạng đều hoạt động và kiểm soát rất chặt chẽ, và việc đồng ý cho xuất hiện các tác phẩm chưa có ý kiến tác giả cũng là một chủ ý của trang mạng này.

Điểm mấu chốt trong luận cứ của VNG là họ không có trách nhiệm bồi thường vì đó là những sản phẩm chia sẻ miễn phí mà họ không thu tiền.

Nhưng đừng quên việc thu lợi thực tế (profit) đôi khi không lớn bằng lợi ích đa chiều (benefit).

Thu tiền các tác phẩm đó chỉ là con số nhỏ, so với việc lượng view của trang web tăng nhanh vì các sản phẩm không bản quyền, và nguồn lợi nằm ở các hướng như quảng cáo, hợp tác...

Nhiều năm nay, việc né tránh trách nhiệm cũng như không đủ dũng cảm để dùng các tác phẩm được ký nhận chia sẻ bản quyền đã khiến thị trường âm nhạc nói chung trở nên rối loạn, thậm chí bóp chết nền sản xuất âm nhạc trong nước.

Việc phân tích về vụ kiện của nhạc sĩ Trần Lập với trang Zing MP3 chỉ là một ví dụ nhằm làm rõ hiện trạng của thị trường âm nhạc hiện nay, mà hầu hết các trang kinh doanh âm nhạc đều có chung một cách từ chối trách nhiệm như vậy.

Cũng chính vì vậy, mới đây Bộ Thông tin - truyền thông đã ra thông tư 09/2014 nhằm xác định lại tính cách hoạt động của các trang mạng, hủy bỏ các giấy phép ban đầu mang dấu hiệu giấy xác nhận tạm thời (ví dụ, giấy phép của Zing là số 05-GXN-TTDT) để lập lại trật tự với giấy phép chính thức cho tư cách hợp pháp là mạng xã hội, với sự chịu trách nhiệm rõ ràng hơn.

Có rất nhiều cách để bào chữa rằng các trang mạng bị oan ức vì các thành viên vô danh đang làm hại họ.

Tuy nhiên, với mảnh vườn của mình đang gieo trồng để kinh doanh, một kẻ lạ xuất hiện và trồng ở đó một loại cây giống tùy tiện lấy ở vườn bên, dù không trực tiếp tham gia, chủ đất cũng không thể chối bỏ trách nhiệm.

Và như thế, tất yếu cũng phải có biện pháp để chấm dứt việc dung dưỡng đồ bất hợp pháp.

 

TUẤN KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên