11/03/2018 10:53 GMT+7

“Các tay vợt VN nên tập đa dạng hơn”

H.ĐĂNG - T.PHÚC
H.ĐĂNG - T.PHÚC

TT - Đó là lời khuyên thẳng thắn dành cho bóng bàn VN của ông Makoto Ito - HLV CLB bóng bàn Citizen nổi tiếng ở Nhật - trong chương trình giao lưu bóng bàn được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật từ hôm 5 đến 7-3 mới đây.

Các tay vợt Nhật Bản giao lưu tại VN. Ảnh: T.P
Các tay vợt Nhật Bản giao lưu tại VN. Ảnh: T.P

Ông Tomioka Takeyoshi - doanh nhân người Nhật sinh sống tại VN, cũng là nhà tài trợ quen thuộc cho các giải bóng bàn ở TP.HCM - đã đứng ra mời đội bóng bàn Citizen sang giao lưu. Ngoài HLV Ito, sang VN còn có nhiều tay vợt trong tuyển bóng bàn Nhật như Hiromitsu Kasahara, Tomoki Hirano...

Đối trọng của Trung Quốc

Với đà phát triển thần tốc những năm gần đây, bóng bàn Nhật hiện được xem là 1 trong 3 quyền lực đứng đầu làng banh nhựa thế giới (cùng với Đức và Trung Quốc). Trong top 10 tay vợt đơn nam thế giới, Nhật sở hữu 2 người là Koki Niwa (hạng 8) và Kenta Matsudaira (hạng 10). Còn ở top 10 đơn nữ, họ có đến 3 người gồm Kasumi Ishikawa (hạng 3), Mima Ito (hạng 5) và Miu Hirano (hạng 6).

Điều gì đứng sau thành công của bóng bàn Nhật Bản? “Đó là nền tảng thể thao học đường. Một trung tâm mang tên Trung tâm Huấn luyện bóng bàn quốc gia Nhật ra đời cách đây vài năm. Tất nhiên, các thành viên của đội tuyển Nhật sẽ tập luyện tại đó. Ngoài ra, mỗi năm trung tâm lại đón thêm 5 tay vợt nam, 5 tay vợt nữ trong độ tuổi học sinh cấp 2 đến đây tập luyện. Những chuyến “du học” này là phần thưởng cho các tay vợt học sinh có thành tích xuất sắc trong năm, đồng thời giúp các tay vợt trẻ tích lũy kinh nghiệm rất tốt” - ông Ito chia sẻ.

Nền tảng thể thao học đường ở Nhật rất phát triển. Với riêng bóng bàn, học đường càng đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của giới VĐV chuyên nghiệp. Bởi bóng bàn được ngành giáo dục Nhật xác định là một môn thể thao dễ chơi, tốt cho trẻ em, hầu như các trường học ở Nhật đều có đặt bàn bóng bàn. Hệ thống giáo dục Nhật Bản cũng chia làm 3 cấp, nhưng cấp tiểu học gồm 6 năm, trung học cơ sở 3 năm và trung học phổ thông 3 năm. “Ở Nhật có những trường chuyên đặc biệt dành cho học sinh có năng khiếu bóng bàn. Các trường này có cả cấp 2 và cấp 3 để các tay vợt trẻ có một hệ thống đào tạo, rèn luyện xuyên suốt, không bị ngắt quãng khi chuyển cấp. Các giải vô địch dành cho học sinh diễn ra quanh năm” - ông Ito nói.

HLV Ito của CLB bóng bàn Citizen. Ảnh: T.P
HLV Ito của CLB bóng bàn Citizen. Ảnh: T.P

Một ví dụ điển hình cho sự hùng mạnh của bóng bàn trẻ Nhật Bản là tay vợt 14 tuổi Tomokazu Harimoto - người đã tạo ra cơn địa chấn khi quật ngã tượng đài Jun Mizutani để lên ngôi vô địch quốc gia hồi tháng 1. Ở tuổi 14, Harimoto hứa hẹn còn phát triển nhiều hơn nữa và được kỳ vọng sẽ so kè với những đối thủ từ Trung Quốc cho ngôi vị số một thế giới. “Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cậu ấy sẽ có một suất chắc chắn ở Trung tâm Huấn luyện bóng bàn quốc gia. Harimoto hiện là tay vợt học sinh mạnh nhất ở đây và cậu ấy phải chiến đấu để đảm bảo được suất của mình” - ông Ito nói.

Lời khuyên

cho các tay vợt VN

Sau 3 ngày giao lưu cùng các tay vợt trên tuyển VN cũng như TP.HCM, ông Ito đưa ra nhiều lời khuyên rất thẳng thắn. Ông nói: “Ban đầu khi xem họ tập luyện, dượt với nhau, tôi nghĩ rằng các tay vợt VN cũng chẳng kém gì các học trò của tôi đâu, họ có kỹ thuật rất tốt. Nhưng khi thi đấu, họ dần lộ ra sự thua sút so với các tay vợt Nhật. Các tay vợt VN còn kém về những chi tiết nhỏ trong kỹ thuật đánh như quả giao bóng, hay cú lắc tay để chuyển từ thủ sang công...”.

Thiếu chuyên nghiệp cũng là một khuyết điểm quan trọng của các tay vợt VN được ông Ito chỉ ra. “Tôi có cảm giác như các tay vợt VN chỉ tập luyện và thi đấu theo bản năng, theo những gì mà họ thích. Điều đó là không hợp lý, tập luyện và thi đấu cần có sự toàn diện, chứ không thể chỉ đánh cho thỏa mãn được. Hơn nữa, họ cũng có vẻ dễ nản lòng, có tâm lý buông xuôi. Đó là những khuyết điểm cần phải khắc phục để vươn lên đẳng cấp thế giới” - ông Ito nói thêm.

Ông Từ Nhân Luân, trưởng bộ môn bóng bàn TP.HCM, cho biết hiện đang xem xét con đường hợp tác lâu dài với bóng bàn Nhật Bản thông qua việc mời về các chuyên gia. Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn luôn là nơi tập huấn và mô hình quen thuộc để bóng bàn VN học hỏi.

Các tay vợt nhập tịch không chiếm ưu thế ở Nhật

Có một thực tế không thể phủ nhận trong làng bóng bàn: các tay vợt Trung Quốc hiện diện khắp nơi, khoác áo từ những đội tuyển châu Á tới cả châu Âu dưới hình thức nhập tịch. Có thể kể ra Kou Lei (Ukraine, hạng 35 đơn nam), Li Jie (Hà Lan, hạng 18 đơn nữ), Liu Jia (Áo, hạng 35), Yu Fu (Bồ Đào Nha, hạng 36), Shan Xiaonna (Đức, hạng 38)... Nhưng Nhật Bản có thể xem là một ngoại lệ hiếm hoi.

“Cách đây nhiều năm, chúng tôi cũng từng nghĩ đến việc nhập tịch các tay vợt Trung Quốc. Không thể phủ nhận sức mạnh của họ, tập luyện với những tay vợt Trung Quốc sẽ giúp cải thiện rất nhiều. Nhưng tôi không nghĩ việc nhập tịch sẽ giúp phát triển nền bóng bàn, người Nhật muốn tạo ra một thương hiệu riêng biệt và đánh bại Trung Quốc. Hiện tại, những tay vợt nhập tịch rất khó để chen chân vào đội tuyển Nhật” - ông Ito nói.

H.ĐĂNG - T.PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên