Hội thảo do UBND tỉnh Gia Lai tổ chức sáng nay tại thị xã An Khê. GS Phan Huy Lê - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam được mời làm chủ trì, hội thảo đặt mục tiêu đánh giá nâng tầm di tích Tây Sơn thượng đạo, định hướng bảo tồn trùng tu đưa vào phục vụ du lịch.
Theo TS Nguyễn Văn Chiến – phó giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai thì số phận của cụm di tích Tây Sơn thượng đạo - "thủ đô" đầu tiên của triều đại Tây Sơn đến nay đang rất cấp bách, nếu không mạnh mẽ di tu, bảo tồn và có hướng đầu tu bền vững thì di tích này sẽ trở thành... phế tích.
"Một di sản vô giá"
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ông Võ Ngọc Thành cho biết vùng An Khê, Kon Chro, Đắk Pơ và K’Bang với đô thị An Khê đóng vai trò trung tâm cũng là nơi đang lưu giữ một loạt các chứng tích của nhà Tây Sơn thời kì khai sinh phong trào nông dân áo vải.
Phong trào Tây Sơn nổi lên trong một giai đoạn lịch sử. Sau khi bị dập tắt, nhà Tây Sơn để lại cho hai tỉnh Gia Lai, Bình Định một hệ thống các công trình có giá trị còn lưu giữ được tới ngày nay.
Vùng Gia Lai hiện còn 16 điểm di tích trải dài trên 4 huyện - được gọi là "Tây Sơn thượng đạo", khu vực Bình Định thuộc Tây Sơn hạ đạo.
Tây Sơn thượng đạo lâu nay được giới sử học rất quan tâm vì dù làm "kinh đô" ở vùng hạ đạo nhưng vùng thượng đạo lại là nơi khởi xuất, dựng những viên gạch đầu tiên của phong trào Tây Sơn.
Lâu nay nhiều người biết di tích nhà Tây Sơn ở tỉnh Bình Định nhưng thực ra ở Gia Lai cũng có rất nhiều. Nếu xét về giá trị thì ở An Khê vẫn chứa đựng những cái riêng, về đời sống bà con tại chỗ vẫn còn tôn thờ anh em Tây Sơn, cư dân vẫn lưu giữ nhiều nghi lễ cổ.
Nhà nghiên cứu văn hoá Chămpa Trần Kỳ Phương
"Cứu" Tây Sơn thượng đạo trước khi quá muộn
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - bí thư Thị uỷ An Khê cho biết hiện nay nhiều công trình có từ thời Tây Sơn cách đây trên 200 năm vẫn còn lưu giữ lại được, một phần là nhờ người dân.
"Chúng tôi rất xúc động khi thấy cả mấy trăm năm đi qua rồi nhưng những người dân sống ở quanh các di tích vẫn tự nguyện hương khói, sửa sang, cúng lễ cho anh em nhà Tây Sơn hàng năm. Trong lòng người dân, anh em nhà Tây Sơn là những vị tướng đặc biệt" bà Lịch nói.
Phía trong An Khê trường - một trong 16 di tích của Tây Sơn thượng đạo - Ảnh: B.D
"Việc trùng tu, tôn tạo các di tích này là rất cần thiết, nếu không nói là rất cấp bách. Bởi vì với tình trạng xuống cấp nhanh chóng như hiện nay, trong vài năm tới nhiều di tích chỉ còn trong truyền thuyết"
TS Nguyễn Văn Chiến
Theo các nhà khoa học, hiện nay một thực tế rất đáng buồn là dấu tích Tây Sơn thượng đạo ở An Khê đang mất dần.
Một thời gian việc quy hoạch, quản lý gần như không màng đến di tích, đưa cả vùng dân cư xây dựng trên nền di tích cũ tạo nên một sự xâm hại đau lòng, cụm di tích Tây Sơn thượng đạo đầy "thương tích", dị dạng. GS Phan Huy Lê - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN khi được hỏi nhìn nhận như thế nào trước hiện trạng hiện nay của cụm di tích Tây Sơn thượng đạo, GS Lê đã lắc đầu và nói rằng "rất có vấn đề".
Theo PGS.TS Lê Đình Sỹ - nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam thì nhiều di tích Tây Sơn thượng đạo ngày càng xuống cấp và đứng trước nguy cơ thành phế tích theo thời gian.
"Trước những giá trị phi vật thể đang mai một dần tất cả chúng ta ai cũng bồn chồn lo lắng. Cần gấp rút thực hiện các chương trình bảo tồn dài hạn mang tính bền vững để giữ lại di sản của cha ông, đem lại lợi ích vật chấtvà tinh thần cho các thế hệ hôm nay và mai sau" PGS Sỹ nêu trong tham luận.
Di tích Miếu Xà - nơi tương truyền vua Quang Trung chém rắn thần tế cờ xuất quân - Ảnh: B.D
"Di tích có nguy cơ thành… truyền thuyết"
TS Nguyễn Văn Chiến - PGĐ Sở GDĐT Gia Lai cho rằng thông tin "gần 20 di tích Tây Sơn thượng đạo đến nay hầu hết chỉ còn là phế tích hoặc đã xuống cấp nghiêm trọng" là rất đáng lo ngại.
"Việc trùng tu, tôn tạo các di tích này là rất cần thiết, nếu không nói là rất cấp bách. Bởi vì với tình trạng xuống cấp nhanh chóng như hiện nay, trong vài năm tới nhiều di tích chỉ còn trong truyền thuyết" TS Chiến đề cập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận