10/02/2012 07:46 GMT+7

Các nghị sĩ Mỹ: "Ích nước thì ít, tiện mình lại nhiều"

HẠNH NGUYÊN
HẠNH NGUYÊN

TT - Kết quả điều tra của báo Washington Post cho thấy các ông nghị Mỹ thường lợi dụng những dự án công dùng tiền ngân sách liên bang ở địa phương để đem lại lợi ích không nhỏ cho mình.

P7LitpvA.jpgPhóng to

Nghị sĩ Đảng Dân chủ Jackson Lee đã có 5,25 triệu USD khoản duyệt chi dành cho ĐH Houston năm 2009 và 2010, nơi chồng bà là lãnh đạo - Ảnh: Washington Post

Theo báo này, các hồ sơ cho thấy từ năm 2008, 33 nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã trình và vận động duyệt hơn 300 triệu USD từ ngân sách liên bang để thực hiện hàng chục dự án công tại địa phương họ đại diện. Điều đáng nói là hầu hết dự án như cải tạo đường sá, hạ tầng được thực hiện đều ở địa điểm gần các khu vực thương mại hay dân cư mà các ông nghị bà nghị này hay thành viên gia đình họ sinh sống hoặc sở hữu bất động sản!

Lợi riêng, tiền công?

Ông nghị Benni Thompson ở Mississippi vận động quốc hội duyệt chi 900.000 USD để cải tạo 20 con đường trong bang năm 2010. Một trong những con đường đó là nơi ông và con gái sở hữu hai ngôi nhà. Từ năm 2005, ông nghị Roscoe G.Barlett ở bang Maryland đã dùng 4,5 triệu USD để cải tạo khu vực giao lộ giúp đường sá đi lại thuận tiện và dễ dàng hơn, nhờ đó lợi nhuận mà ông thu được từ việc kinh doanh trang trại tăng lên 150.000 USD/năm. Những chỗ cải tạo tưởng như “vô tình” này lại chỉ cách trang trại của ông 3km!

Một ông nghị ở bang Alabama cũng vận động quốc hội thông qua 100 triệu USD cho dự án cải tạo khu vực gần văn phòng làm việc của cá nhân ông. Ông nghị khác ở bang Georgia dùng 6,3 triệu USD để cải tạo bờ biển chỉ cách tòa nhà nghỉ dưỡng của ông 300m. Bà nghị ở Michigan duyệt chi 486.000 USD làm thêm một con đường dành cho người đi xe đạp trên cây cầu... cách nhà bà vài bước chân.

Điều tra cho thấy 16 ông nghị bà nghị vận động quốc hội chi nhiều khoản vào trường học, chương trình phát triển cộng đồng mà con cái, vợ chồng hay cha mẹ họ đang làm ở đó. Một ông nghị ở Nam Dakota đã giúp bơm thêm hàng triệu USD vào chương trình đào tạo ở Bộ Quốc phòng mà vợ ông là chuyên viên. Một ông nghị ở Washington giúp bơm tiền cho một tổ chức bảo vệ môi trường mà con trai là giám đốc điều hành. Một bà nghị ở Texas đưa hàng triệu USD về trường học mà chồng là phó hiệu trưởng.

Các khoản đầu tư này lấy từ tiền thuế của dân, dành cho các dự án đặc biệt mà các nghị sĩ đề xuất ưu tiên ở địa phương mình. Từ lâu các khoản tiền này đã gây tranh cãi do thiếu minh bạch và hiệu quả kém. Cách hành xử của các nghị sĩ ở cả hai đảng đang cho thấy không phải ngẫu nhiên mà niềm tin của dân chúng vào Đồi Capitol đang ở mức thấp nhất trong lịch sử Mỹ.

Xung đột lợi ích?

Luật pháp Mỹ hiện không yêu cầu các nghị sĩ tiết lộ địa chỉ nhà riêng, nơi vợ chồng con cái hay cha mẹ sinh sống, học tập, làm việc. Luật cũng xác định nếu những thành viên gia đình thân cận nhất của các nghị sĩ (cha mẹ, vợ chồng, con cái) không phải là người hưởng lợi duy nhất từ dự án thì hiện tượng xung đột lợi ích không xảy ra.

Washington Post dẫn lời ông Tom Schatz, chủ tịch Tổ chức Công dân chống lại sự lãng phí của chính phủ (CCAGW) - chuyên giám sát các khoản chi tiêu của quốc hội, nhận định 33 thành viên quốc hội đã dùng ngân sách liên bang vào những dự án có lợi cho gia đình, bản thân họ. Rõ ràng các khoản đầu tư đặc biệt này là tham nhũng. CCAGW tuyên bố ủng hộ thượng nghị sĩ Pat Toomey và Claire McCaskill khi đề nghị cho dừng các khoản chi tiêu đáng ngờ này.

Một số nghị sĩ Mỹ thừa nhận công chúng Mỹ ngày càng tỏ ra bất bình với việc các thành viên quốc hội đang lạm dụng quyền lực để tích góp cho cá nhân. Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật yêu cầu các nghị sĩ phải công khai các khoản vay thế chấp để mua nhà. Ngoài ra, Thượng viện cũng thông qua dự luật cấm các nghị sĩ sử dụng thông tin có được từ quốc hội để buôn bán cổ phiếu. Theo đó, cứ 30 ngày một lần, các nghị sĩ phải công bố những khoản mua bán cổ phiếu giá trị hơn 1.000 USD. Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu dự luật này vào ngày 10-2.

bO3q7qoW.jpgPhóng to
Eric Woerth - Ảnh: AFP

Cựu bộ trưởng Pháp bị cáo buộc tham nhũng

Cựu bộ trưởng lao động Pháp Eric Woerth, người nắm tay hòm chìa khóa của Đảng cầm quyền UMP của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, vừa bị các thẩm phán Pháp cáo buộc tội tham nhũng. Theo AFP, ông bị buộc tội nhận nhiều phong bì chứa đầy tiền mặt từ tỉ phú Liliane Bettencourt, người thừa kế của Hãng mỹ phẩm L’Oréal, để có tiền tranh cử cách nay bốn năm. Nếu bị kết án, ông Woerth có thể bị 10 năm tù và bị phạt nặng. Ông Woerth hiện là cố vấn trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Nicolas Sarkozy.

HẠNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên