14/08/2023 08:10 GMT+7

Các huyện, xã nào thuộc diện sáp nhập?

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với đại biểu NGUYỄN PHƯƠNG THỦY - phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - xung quanh việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thời gian vừa qua và giai đoạn 2023 - 2030.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Thủy cho biết theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sắp xếp sẽ được tiến hành theo hai giai đoạn gồm 2023 - 2025 và 2026 - 2030.

Giai đoạn 2023 - 2025 sẽ sắp xếp các huyện, xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Cùng với đó là các huyện, xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% (cấp huyện), dưới 300% (cấp xã) tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng cũng được xem xét thực hiện sắp xếp.

Giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục sắp xếp các huyện, xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định.

Các huyện, xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% (với cấp huyện), dưới 300% (cấp xã) so với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng cũng thuộc diện sắp xếp.

Qua quá trình sắp xếp các huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021 cho thấy việc thông hay không là do đội ngũ cán bộ. Cán bộ không thông, không đồng thuận sẽ dẫn tới người dân không đồng thuận.

Bà NGUYỄN PHƯƠNG THỦY (phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội)
Bà NGUYỄN PHƯƠNG THỦY

Bà NGUYỄN PHƯƠNG THỦY

* Những huyện, xã nào sẽ không phải sáp nhập dù không đủ các tiêu chí như trong nghị quyết?

- Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định rõ các đơn vị có yếu tố đặc thù không bắt buộc thực hiện sắp xếp.

Cụ thể như đơn vị hành chính có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề. Có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào. Có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội...

Trong giai đoạn 2023 - 2030 cũng không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các huyện, xã đã được sắp xếp trong giai đoạn trước đó. Việc này để đảm bảo tính ổn định, tránh xáo trộn quá thường xuyên về địa giới hành chính, tên gọi và bộ máy quản lý.

* Vừa qua, dư luận quan tâm nhiều đến thông tin quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) hay sáu quận tại TP.HCM thuộc diện phải sáp nhập. Đối chiếu với các quy định hiện hành, việc này có đúng?

- Để chuẩn bị thực hiện sắp xếp giai đoạn tới, Chính phủ, Bộ Nội vụ đã yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá bước đầu để thống kê sơ bộ số lượng các đơn vị có thể thuộc diện cần xem xét, sắp xếp theo tiêu chí về diện tích tự nhiên, dân số.

Qua rà soát cho thấy với Hà Nội có quận Hoàn Kiếm (5,29km2) và TP.HCM có sáu quận: quận 3 (4,92km2), quận 4 (4,18km2), quận 5 (4,27km2), quận 10 (5,72km2), quận 11 (5,14km2) và Phú Nhuận (4,6km2) chưa đạt đủ các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, dân số.

Tuy nhiên, phải hiểu rõ đây mới chỉ là các thông tin rà soát bước đầu theo các tiêu chí cơ bản về diện tích và dân số.

Còn cụ thể thế nào thì cần phải chờ Hà Nội, TP.HCM tiến hành đánh giá, xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng về tất cả các yếu tố, khía cạnh có liên quan, trên cơ sở đó xác định phương án tổng thể, xây dựng các đề án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Việc có sắp xếp hay không hoặc theo phương án nào còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác như vị trí địa lý, truyền thống lịch sử, văn hóa, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội...

Đồ họa: N.KH.

Đồ họa: N.KH.

* Việc sáp nhập không dễ dàng, bởi trực tiếp tác động đến từng cá nhân cụ thể?

- Bên cạnh mặt tích cực, do tinh giản biên chế khiến một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không còn vị trí việc làm, phải nghỉ việc hoặc phải thay đổi nơi công tác, làm việc.

Trong khi đó, khối lượng công việc tăng lên, nếp làm việc cũ buộc phải thay đổi, điều chỉnh... Do đó cán bộ tại các đơn vị phải thực hiện sắp xếp sẽ tâm tư, suy nghĩ. Thêm vào đó với số cán bộ dôi dư qua lần sắp xếp vừa qua thì chế độ, chính sách hỗ trợ còn hạn chế. Dẫn đến động viên, khuyến khích chưa cao.

Với người dân, doanh nghiệp khi thay đổi tên gọi đơn vị hành chính hay các cơ quan, đơn vị có thay đổi, điều chỉnh về vị trí, trụ sở làm việc sẽ gây khó trong việc tiếp cận với chính quyền. Do thay đổi tên gọi nên phải thay đổi thông tin trên giấy tờ cá nhân, đăng ký doanh nghiệp... Đây là những khó khăn không tránh được.

Các quận, huyện nào thuộc diện sáp nhập?Các quận, huyện nào thuộc diện sáp nhập?

Theo bộ tiêu chí đã được ban hành thì không chỉ có quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) hay Phú Nhuận (TP.HCM) sẽ thuộc diện sáp nhập. Tuy nhiên, còn phải xét đến các tiêu chí đặc thù.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên