04/04/2015 08:14 GMT+7

​Các con không đơn độc

LÊ NGUYÊN MINH
LÊ NGUYÊN MINH

TT - Một ngày, mấy người cha có con bị hội chứng tự kỷ gặp nhau. Buồn, lo. Tâm trạng chung là vậy khi bàn chuyện tương lai cho các con.

Hãy giúp cho ước mơ các con được bay cao - Ảnh: Dũng Trần

Lo là phải bởi mỗi chuyện học hành cha mẹ đã tự xoay trở đến quá sức, huống chi là chuyện hướng nghiệp cho các con.

Thoắt một cái giờ nhiều đứa đã 16, 17 tuổi, đâu thể ngồi mãi ghế của trường “mầm non chuyên biệt”... Kiếm đâu ra một ngôi trường phù hợp với độ tuổi, có giáo viên được đào tạo chuyên sâu, hiểu và tận tụy với các con? Ai mà không lo.

Xã hội vẫn còn không ít người chưa chấp nhận sự khác biệt của các con, thậm chí đem chứng tự kỷ ra làm trò giễu cợt kiểu như: “Mày bị sao thế, có tự kỷ không vậy?”.

Một phụ huynh kể ám ảnh mãi hình ảnh ông hàng xóm của trường con mình dùng vòi nước xịt xối xả vào các con vì không chịu nổi cảnh các con tập đạp xe gây huyên náo con đường hẻm trước nhà ông.

Ngày 18 và 19-4, một chuỗi hội thảo chuyên đề sẽ được tổ chức tại Hà Nội, hoạt động của dự án Vòng tay tự kỷ, do nhóm cha mẹ có con tự kỷ phối hợp cùng các nhà chuyên môn thực hiện. 

Đăng ký tham gia: http://goo.gl/forms/43XnLHwoyl.

Các con, mặt không biểu lộ cảm xúc gì, vẫn cứ đạp xe, có đứa còn cười, còn các cô và phụ huynh nước mắt chảy dài, nghẹn lời... Chuyện các con đi siêu thị và làm phiền đến mọi người xung quanh khiến cha mẹ phải xin lỗi... mỏi miệng không phải là hiếm.

“Một lần tôi cùng gia đình dẫn con đi siêu thị, đang chọn một món đồ thì nghe tiếng cười của con phía sau, đoán có chuyện không hay tôi quay lại thì thấy mặt con đầy máu, đối diện là một cậu con trai vẻ mặt tức giận, thậm chí vẫn trong tư thế “ăn thua đủ”...

Biết con mình gây chuyện, tôi xin lỗi mong được tha thứ và giải thích rằng cháu bị bệnh nên không kiểm soát được hành vi”... “Khùng thì để ở nhà đưa chi ra đây?”, câu nói cứ theo tôi mãi, len cả vào những giấc mơ kinh hoàng.

Các con không thể ở mãi trong nhà được. Nhiều người không hiểu rằng “nhốt” các con trong nhà là làm nặng thêm tình trạng của con. Các con cần hòa nhập, cần được hít thở bầu không khí nóng, lạnh của xã hội, cùng hòa với nhịp đập cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.

Cũng tựa như cuộc vật lộn kéo con mình về lại cuộc sống bình thường, các phụ huynh có con tự kỷ ở TP.HCM và Hà Nội âm thầm làm công việc truyền thông với niềm mong mỏi xã hội sẽ bao dung hơn với các con. Thật mừng là đã có những chuyển động tích cực.

Như Ngày thế giới nâng cao nhận thức về tự kỷ (ngày 2-4) do Liên Hiệp Quốc đề xướng năm nay, những ngọn đèn xanh dương đã được thắp sáng ở nhiều nơi như Đại sứ quán Thụy Điển, Đại sứ quán Úc, Bệnh viện Nhi trung ương, Trường ĐH RMIT TP.HCM, các trường chuyên biệt trẻ tự kỷ... với thông điệp “Để khác biệt tỏa sáng, hãy mở rộng vòng tay”.

Ở TP.HCM sáng kiến của dự án Vòng tay tự kỷ, do nhóm cha mẹ có con tự kỷ cùng các nhà chuyên môn và Trường chuyên biệt Tuổi Ngọc (Bình Thạnh) đã khởi động hưởng ứng chiến dịch Thắp đèn xanh dương vì tự kỷ do Tổ chức Autism Speaks kêu gọi tại hơn 100 quốc gia trên toàn cầu. Các em có hẳn một ngày hội rộn ràng ở Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật TP.HCM...

Cùng với sự lan tỏa của cái gam màu hi vọng ấy là cảm giác ấm lòng của những người cha người mẹ suốt đời phải học làm quen với những ánh mắt “là lạ” nhìn con mình khi cho con đi chơi ở những nơi công cộng, bởi các con của họ dường như không còn đơn độc.

LÊ NGUYÊN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên