"Lần đầu tiên đi trên quốc lộ 1 mà tưởng mình đang ở giữa biển, sóng to gió lớn và mưa dông. Lạnh cóng tay chân, đến nơi người dân kêu cứu và run cầm cập vì lạnh" - Thủy Tiên cho biết khi ngồi trên chiếc thuyền đi cứu trợ ở Quảng Bình - Ảnh: FBNV
Đây là thông tin thu hút nhiều sự quan tâm của người dân trong việc quyên góp, hỗ trợ trong tình hình mới.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội):
Khuyến khích tinh thần thiện nguyện, giúp đỡ nhau
Nghị định 64 ra đời hướng tới mục tiêu rất nhân văn nhưng thực tiễn hiện nay có những vướng mắc, bất cập có thể dẫn đến hiểu sai, áp dụng sai quy định này, thậm chí có thể biến một người có công thành có tội.
Hiện đã có cả một hệ thống pháp luật để phòng chống những hành vi phạm tội, người lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm đã có những quy định pháp luật cụ thể để chế tài, xử phạt, các hành vi cố ý làm trái cũng có quy định xử lý rồi.
Vì thế, nghị định thay thế nghị định 64 phải tạo ra cơ chế để khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, các thành viên trong xã hội đều có thể tham gia thiện nguyện, huy động nguồn lực xã hội để xử lý các vấn đề mang tính cấp bách như lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn.
Ví dụ trường hợp ca sĩ Thủy Tiên và nhiều trường hợp khác cũng quyên góp, chia sẻ với đồng bào lũ lụt khó có thể quy kết đây là thành lập quỹ. Trong những tình huống khẩn cấp không nên đòi hỏi người ta phải trình người nọ, người kia vì người dân gặp thiên tai cần sự giúp đỡ nhanh chóng, từng giây, từng phút.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh (phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam):
Không bó hẹp quyền làm từ thiện của tổ chức, cá nhân
Việc hướng mọi người đến với việc làm từ thiện thì không có văn bản nào có thể hạn chế được và mặt trận luôn khuyến khích vì đó là truyền thống của dân tộc. Việc điều chỉnh chỉ quy định rõ hơn trách nhiệm, bảo đảm nguồn lực sau vận động được phân bổ hiệu quả, thiết thực.
Theo nghị định 64 thì từ khi ra lời kêu gọi tới khi kết thúc cuộc vận động là 60 ngày, sau đó 20 ngày phải quyết toán, công khai toàn bộ nguồn lực cứu trợ ở cấp trung ương. Nếu không quy định rõ ràng thì rất khó giám sát được hoạt động vận động, cứu trợ hoặc trục lợi từ các cuộc vận động.
Trong quá trình sửa đổi nghị định, chúng tôi (cùng Bộ Tài chính và Trung ương Hội Chữ thập đỏ VN - PV) sẽ nghiên cứu việc cá nhân thực hiện việc kêu gọi vận động cứu trợ để tạo nguồn lực cùng với Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp tới nhân dân.
Mọi nguồn lực phải được hỗ trợ hiệu quả cho dân, tránh tình trạng chồng chéo khi các cá nhân thực hiện các hoạt động hỗ trợ tự phát.
Trong hoạt động cứu trợ các cơ quan, tổ chức nhà nước có độ trễ hơn các cá nhân vì các tổ chức nhà nước phải họp, bàn bạc trước khi quyết định.
Sau đợt ủng hộ lũ bão miền Trung lần này, chúng tôi sẽ suy nghĩ, tính tới khả năng phối hợp với các văn nghệ sĩ nổi tiếng, có ảnh hưởng trong xã hội và bất cứ cá nhân nào có hoạt động hỗ trợ nhân dân khi bị thiên tai, dịch bệnh.
Thời gian qua, mặt trận từng phối hợp với VinID, Zalo để triển khai hoạt động hỗ trợ nhân dân trong đại dịch COVID-19.
Ông Trần Quốc Hùng (phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam):
Xây dựng cơ chế phối hợp
Chủ trương của Đảng, Nhà nước khuyến khích động viên, tôn vinh cá nhân, tập thể tham gia cứu trợ đồng bào khi có thiên tai, thảm họa. Nhưng cơ quan được ra lời kêu gọi hỗ trợ bị giới hạn bởi các tổ chức như Mặt trân Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, các cơ quan báo chí truyền thông.
Việc ban hành nghị định sửa đổi nghị định 64 phải hướng tới xã hội hóa công tác cứu trợ trong tình huống khẩn cấp.
Công tác nhân đạo, từ thiện khuyến khích mọi người tham gia nhưng nên giao cho các cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ có trách nhiệm điều phối, giám sát, tôn vinh, khen thưởng các cá nhân điển hình trong công tác thiện nguyện.
Các tổ chức, cá nhân đứng ra kêu gọi nên hưởng ứng lời kêu gọi của một tổ chức chính thống, nguồn lực huy động được cần phối hợp triển khai.
Các cá nhân huy động nguồn lực xã hội rất nhanh cho cứu trợ vì vậy nên khuyến khích họ làm thiện nguyện trên tinh thần phối hợp với các tổ chức được Nhà nước giao.
Trong cơ chế phối hợp này, các cá nhân, tổ chức có thể tự tay trao tiền huy động được cho người dân nhưng theo sự điều phối của các tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ để phát huy tối đa hiệu quả hỗ trợ.
Các tổ chức được Nhà nước giao có trách nhiệm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động thiện nguyện lập danh sách có chữ ký của người nhận hỗ trợ để nâng cao tính giải trình, minh bạch.
Như vậy, sẽ không làm chậm hoạt động hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nhưng hoạt động cứu trợ được tổ chức bài bản, có tính giải trình cao.
Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM):
Cần hành lang pháp lý để hoạt động được quy củ
Theo tôi, cần xây dựng quy định mới tạo ra hành lang pháp lý để hoạt động cứu trợ, thiện nguyện được tổ chức, diễn ra quy củ hơn.
Trước hết, với hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố bão lũ..., trách nhiệm của Nhà nước là quan trọng nhất trong việc bảo vệ không chỉ cho người dân sở tại đang đối mặt với thiên tai, bão lũ mà còn bảo vệ cho cả những người tham gia cứu trợ khác.
Những người có tấm lòng nhân ái, sốt sắng tham gia cứu trợ nhưng nếu họ không đủ kỹ năng, phương tiện, công cụ, thông tin, kinh nghiệm để tiếp cận, cứu trợ cho những trường hợp bị ngập sâu, vùng bị cô lập, vùng khó tiếp cận..., lỡ xảy ra tai nạn thì tăng thêm gánh nặng cho lực lượng cứu hộ.
Các nhóm, cá nhân cứu trợ đồng loạt hoạt động trong hoàn cảnh này có thể chỉ cứu trợ cho những nơi rất dễ tiếp cận. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng nơi được quá nhiều hàng cứu trợ, nơi cần lại thiếu. Thậm chí là hỗ trợ không đúng thứ người dân đang cần nhất.
Bên cạnh đó, việc cứu trợ đồng loạt của các cá nhân, tổ chức mà thiếu tổ chức, thiếu thông tin, mạnh ai nấy thuê thuyền tại địa phương sẽ làm giảm cơ hội để cơ quan chức năng huy động, trưng dụng thuyền cứu nạn, cứu trợ cho nhiều người ở vùng xa xôi, hiểm trở.
Trường hợp thứ hai là hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện trong điều kiện bình thường (từ thiện, phát quà, học bổng...).
Trường hợp này cần có cơ chế phối hợp, ràng buộc trách nhiệm của các bên trong việc phân phối nguồn tài trợ để tránh rủi ro, tranh chấp về sau, cũng như làm suy giảm niềm tin của công tác từ thiện. Thực tế cũng đã có những ồn ào với những hạn chế nêu trên.
Ở nhiều nước thường kiểm soát chặt chẽ số lượng, nguồn tiền (từ thiện) được chuyển vào tài khoản của cá nhân, tổ chức và việc phân phối, sử dụng nguồn tiền lớn thường thông qua các pháp nhân (quỹ từ thiện, quỹ xã hội...) có chức năng, kinh nghiệm, nhân lực.
Cuối cùng, cần có cơ chế giám sát hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện nói chung để bảo đảm hoạt động trên được hiệu quả và minh bạch.
PGS.TS Đỗ Hạnh Nga (giảng viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Nâng chất các tổ chức có chức năng từ thiện
Nghị định 64 ra đời sau sự cố tai nạn khiến 12/13 cán bộ lãnh đạo và nhân viên của phường 13, quận Phú Nhuận (TP.HCM) tử nạn khi đang trên đường ra Đà Nẵng cứu trợ (tháng 10-2006). Đến nay nghị định trên đã bộc lộ một số hạn chế và sự điều chỉnh, thay thế là cần thiết.
Quy định mới thay thế cần xây dựng để tạo ra hành lang pháp lý bảo đảm cho hoạt động cứu trợ, thiện nguyện đạt được các yêu cầu sau đây:
Thứ nhất là huy động được nhiều nhất nguồn lực của xã hội. Quy định phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi tổ chức, cá nhân có tấm lòng chia sẻ vật chất, tài lực cho các trường hợp cần trợ giúp thông qua các đầu mối (cá nhân, tổ chức) vận động, tiếp nhận.
Thứ hai là tạo ra cơ chế để nâng chất hoạt động của các tổ chức đoàn thể (như Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc...) trong việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện. Các tổ chức này khi được nâng chất, hoạt động hiệu quả sẽ tạo ra niềm tin, thu hút được nguồn lực từ xã hội ủy thác cho các tổ chức này.
Thứ ba là tạo ra cơ chế phối hợp thuận lợi, hiệu quả giữa các tổ chức, cá nhân tự nguyện trong hoạt động cứu trợ, làm từ thiện, nhất là chính quyền địa phương diễn ra các hoạt động cứu trợ, thiện nguyện.
Thứ tư là tạo ra cơ chế kiểm soát, bảo đảm việc phân phối, sử dụng nguồn lực đóng góp tự nguyện được đúng và đủ đến địa chỉ cần giúp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận