Người Mỹ biểu tình ở Washington phản đối quyết định hủy DACA của chính phủ - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, hồi tháng 9-2017, Nhà Trắng thông báo sẽ hủy bỏ DACA, tuy nhiên sau đó đã trì hoãn việc thực thi quyết định này và cho Quốc hội có thời gian 6 tháng (tới hết tháng 3-2018) để đưa ra quyết định cuối cùng.
Vào thời điểm đó quyết định của chính quyền Donald Trump ngay lập tức đối mặt với thách thức pháp lý ở nhiều tòa án liên bang.
Đến ngày 9-1, ông William Alsup - thẩm phán khu vực San Francisco, ra phán quyết rằng chương trình DACA phải được tiếp tục duy trì trong khi chờ giải quyết các khiếu nại.
Diễn biến mới được đánh giá sẽ làm phức tạp thêm cuộc thương lượng giữa ông Trump và các thủ lĩnh đảng phái trong Quốc hội về cải cách di trú.
Cùng ngày 9-1, phát biểu trong cuộc họp giữa các nghị sĩ lưỡng đảng để thảo luận về vấn đề này, Tổng thống Donald Trump đã hối thúc quốc hội nhanh chóng đưa ra quyết định cuối cùng để những người chịu ảnh hưởng sớm xác định được tương lai của mình.
Theo ông, dự luật này nên thể hiện tính nhân đạo nhưng cũng phải đảm bảo khả năng nước Mỹ có thể bảo vệ biên giới trong bối cảnh hoạt động buôn bán ma túy trái phép tràn lan với nhịp độ chưa từng thấy trong lịch sử trong khi lượng người đổ về quốc gia này cũng đang vượt mức mà Mỹ có thể chấp nhận.
Tổng thống Trump cũng thể hiện quan điểm "linh hoạt" với một dự luật nhập cư cải cách toàn diện để giải quyết vấn đề tồn đọng liên quan tới hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp.
Trong khi đó, ông Devin M. O’Malley - người phát ngôn của bộ Tư pháp Mỹ, nhấn mạnh: "Lệnh của tòa không thay đổi quan điểm của Bộ Tư pháp. Chúng tôi sẽ tiếp tục cật lực bảo vệ quan điểm (hủy DACA)".
Quyết định của thẩm phán Alsup tiếp nối một loạt phán quyết của các thẩm phán khác trong việc "ghìm cương" chính sách di trú của ông Trump, bao gồm sắc lệnh cấm di lại đối với công dân một số nước Hồi giáo.
Tính đến tháng 9-2017, gần 700.000 người trẻ ở Mỹ (còn gọi là Dreamer) được bảo vệ khỏi bị trục xuất và được phép làm việc hợp pháp theo chương trình DACA.
Theo lệnh của thẩm phán Alsup, chính phủ liên bang không cần phải xử lý đơn xin chế độ DACA mới, tuy nhiên, họ phải tiếp tục giải quyết đơn gia hạn của những người đã thuộc diện bảo vệ của chương trình.
"DACA trao cho họ những lựa chọn dễ chấp nhận hơn, bao gồm tham gia lực lượng lao động chính thống. Bây giờ, nếu không có một sắc lệnh, họ sẽ quay trở lại thời kỳ tiền DACA cùng với những khó khăn đi kèm" - thẩm phán Alsup viết.
Ông nhận định các nguyên đơn có nhiều khả năng thành công trong việc thuyết phục tòa ra phán quyết rằng quyết định chấm dứt DACA của chính phủ là "tùy tiện".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận