Dấu chân của loài cá sấu tiền sử được cho di chuyển bằng 2 chân. Ảnh: cnn.co.jp
Kênh CNN (Mỹ) cho biết đây là lần đầu tiên các nhà cổ sinh vật học phát hiện dáng đi bằng hai chân đối với loài cá sấu tiền sử. Trước đó, giới khoa học chỉ ghi nhận cá sấu tiền sử di chuyển bằng 4 chân như cá sấu ngày nay.
Dấu chân hằn trên đá có chiều dài 18-24cm, điều này cho thấy con cá sấu có thể dài tới 3 m. Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Scientific Reports vào ngày 11/6, dấu chân trên đá là chân sau, còn có cả dấu vết của mảng da.
Những dấu chân bí ẩn tương tự được phát hiện ở nhiều địa điểm khác tại Hàn Quốc được cho thuộc về một loài thằn lằn khổng lồ đi bằng 2 chân.
Nhưng các nhà nghiên cứu Hàn Quốc và Mỹ nhận định rằng nhiều khả năng dấu chân này là của loài cá sấu tiền sử được họ đặt tên là Batrachopus grandis.
Batrachopus grandis được cho sống từ hơn 100 triệu năm trước trong thời kỳ Cretaceous. Chúng sống trên cạn thay vì di chuyển dưới nước như cá sấu hiện đại. Có khả năng Batrachopus grandis di chuyển bằng 2 chân nhưng cũng đi lại được bằng 4 chân.
Chưa từng có cá sấu tiền sử 2 chân nào được phát hiện thuộc thời kỳ Cretaceous mặc dù nghiên cứu khẳng định rằng cá sấu đi bằng 2 chân đã 'tràn lan' khắp Trái Đất từ đầu thời kỳ Mesozoic cách đây 250 triệu năm.
Trước khi đi đến kết luận, các nhà cổ sinh vật học đã tranh luận liệu dấu chân trước của cá sấu tiền sử này không hằn sâu xuống đất như chân sau hoặc loài này đang bơi khi để lại những dấu chân này.
Giáo sư Martin Lockley tại Đại học Colorado (Mỹ) nhận định: 'Chúng tôi loại trừ khả năng cá sấu bơi bởi dấu vết để lại rất bình thường. Cá sấu hiện đại đôi khi sử dụng chân sau để đẩy thân mình di chuyển. Tuy nhiên, những dấu chân này lại không hoàn thiện bất thường'.
Các nhà khoa học đánh giá việc thiếu vắng dấu chân trước và phần đường di chuyển hẹp cho thấy đây là loài đi bằng 2 chân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận