27/09/2014 14:20 GMT+7

​“Cá sấu không ăn thịt cá sấu”

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TT - Những ngày ở Panama, chúng tôi nghe người dân ở đây hay nhắc đến câu ngạn ngữ nổi tiếng “Caiman no come caiman” (Cá sấu không ăn thịt cá sấu).

Một góc phố cổ kính ở khu Casco Viejo - Ảnh: tr.n.
Một góc phố cổ kính ở khu Casco Viejo - Ảnh: Tr.N.

Quy hoạch “cá sấu”

Theo một số người bạn bản xứ, tùy tình huống áp dụng trong dân gian, văn hóa và nếp sống mà ý nghĩa câu ngạn ngữ Panama trên được hiểu theo nhiều cách khác nhau.

Như nếu quan sát và muốn miêu tả sự quy hoạch đô thị tuyệt vời ở thủ đô Panama thì câu ngạn ngữ “cá sấu không ăn thịt cá sấu” hợp lẽ hợp tình.

Thật vậy, diện tích thủ đô Panama City chỉ vỏn vẹn gần 12km2 (chưa bằng 1/10 diện tích nội đô TP.HCM là 140 km2) nhưng sẽ gây từ ngạc nhiên này đến lý thú khác cho khách nước ngoài về sự phân chia “cá sấu”.

“Cá sấu già” là thành cổ trung tâm một thời Casco Viejo, còn “cá sấu sinh sau đẻ muộn” chính là các khu phố tài chính, giải trí và mua sắm Punta Paitilla, Punta Pacifica cực kỳ hiện đại ven bờ biển.

Không ngạc nhiên khi những người như cô giáo Marta Delgado Marzo đến Panama gần ba tuần đã chọn ở trọ tại Casco Viejo - nơi được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1997. Di sản này nằm ở khu bất động sản “vàng” nhưng không hề bị chìm lẫn hay đè bẹp bởi vô số tòa cao ốc tráng lệ mọc lên như nấm ở Panama City.

Cách bảo vệ những di sản kiến trúc cổ xưa tách biệt với các khu vực hiện đại một cách hài hòa ở thủ đô Panama khiến chúng tôi không khỏi thán phục. Casco Viejo trở thành “cổ vật” quý giá của người Panama khiến khách thập phương yêu thích được hòa mình vào.

Đi dạo ở đây cũng giống như bạn được lên cỗ xe du hành ngược thời gian trở về quá khứ. Những dãy phố hai tầng lầu đều tăm tắp đặc trưng kiến trúc Tây Ban Nha cổ kính được chia bằng các ngõ nền gạch dài hun hút mang đậm “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo” vốn có từ thế kỷ 16 được giữ nguyên hiện trạng hoặc chỉ sửa chữa, gia cố sao cho không bị sụp đổ.

Ban ngày, nét duyên của Casco Viejo toát lên từ vẻ trầm mặc cổ kính, đời sống thị dân sinh động với những bác thợ may chăm chỉ, những người đẩy xe bán nước dạo mời khách loại thức uống địa phương tên seco (nước chưng cất từ mía đường trộn sữa và đá bào).

Đêm xuống, từng dãy phố phủ ánh đèn vàng quyến rũ khiến bạn quên đi thời gian trong những nhà hàng có món xúp sancocho truyền thống (hầm thịt gà chung với các loại rau, cà rốt, bắp..., được nêm rất nhiều gia vị hỗn hợp) được ưa chuộng nhất Panama.

Những người bạn thủ đô thổ lộ rằng sự bùng nổ xây dựng và nhu cầu thương mại hóa đã biến phân nửa Panama thành đô thị xanh sạch, hiện đại như “Singapore ở Mỹ Latin”. Tuy nhiên họ nhấn mạnh chính khu “cá sấu già” Casco Viejo mới là linh hồn phố thị của Panama City làm say lòng người đến, lưu luyến kẻ đi!

Nghe thế, chúng tôi bâng khuâng ngẫm nghĩ về nhiều đô thị khác đã đi qua trên thế giới, về chính thành phố quê hương mình và chợt nhớ hoài kiểu ví von “quy hoạch cá sấu”.

Và một Panama City yên bình và hiện đại - Ảnh: Tr.N.
Và một Panama City yên bình và hiện đại - Ảnh: Tr.N.

“Qué xopa?”

Mỗi khi gặp chúng tôi đứng cầm bản đồ tìm đường đi ở góc ngã tư đường, người dân Panama thường hay chào “Qué xopa?” (Khỏe không, có gì mới?) và ân cần hỏi để chỉ hướng đi.

Làm sao lý giải sự thân thiện này? Chúng tôi đi đến thành phố Colón (cách thủ đô Panama City 110km và khoảng một giờ xe đường cao tốc về hướng bắc) để tìm câu trả lời thỏa đáng vì Colón là thành phố tập trung rất nhiều người nước ngoài đến đầu tư làm ăn và quan hệ với người bản xứ.

Tiếp xúc với Tuổi Trẻ tại Colón thông qua phiên dịch từ một người Việt thông thạo tiếng Tây Ban Nha, chị Rina Routree - nhân viên kế toán một cửa hàng - tươi cười chia sẻ: “Vì chúng tôi là một đất nước cởi mở, hiếu khách”.

Chị Rina nói thêm sở dĩ người Panama có tính cách như vậy vì “Panama là nơi cửa ngõ châu Mỹ Latin, quen thuộc việc tiếp khách thập phương, cung cấp dịch vụ tài chính, trung chuyển hàng hóa cho toàn cầu”.

Là nước có vị trí địa lý đắc địa nằm giữa eo biển Trung Mỹ nên ngay từ thời thuộc địa Tây Ban Nha (1538-1821) Panama đã thông thương tấp nập, tiếp xúc đủ các sắc dân khác nhau.

Với biểu đồ sắc dân rất đa dạng (6% người châu Mỹ bản địa, 10% người da trắng, 14% người lai giữa Mỹ bản địa và gốc Ấn và 70% người lai Mỹ bản địa và da trắng), tỉ lệ cứ 1.000 dân Panama thì có 0,32 người nhập cư, các chính sách ưu đãi giao dịch thương mại quốc tế, mời gọi người nước ngoài đến làm ăn nên không lạ khi “dân Panama yêu chuộng cuộc sống hòa bình, hòa hợp”.

Ông Molina Manuel, một công nhân gốc Nicaragua tuổi ngoài 50 làm ở thành phố Colón, tâm sự: “Tôi là người nhập cư sang Panama từ năm 1978. Panama có cuộc sống “dễ thở” hơn so với quê nhà tôi. Gần 40 năm sống ở đây tôi không gặp nạn kỳ thị chủng tộc hay phân biệt đối xử với người nước ngoài”.

Với Luisana Ortega, làm nghề thư ký giao dịch ở Colón, mục đích cuộc sống của cô bắt đầu từ niềm tự hào về đất nước: “Tôi tự hào Panama tuy là một quốc gia rất nhỏ bé nhưng có dòng kênh đào phục vụ cả thế giới giao thương. Nơi tôi sinh sống Colón là một thành phố thông thoáng thương mại đã và luôn cần nhiều người nước ngoài đầu tư làm ăn”.

Luisana cho biết cô có một đứa con 10 tuổi đang học lớp 6 ở trường tư (học phí 50 USD/tháng) và bày tỏ: “Từ niềm tự hào đó, tôi ráng sức làm việc để có tiền nuôi con ăn học thành tài bởi tôi muốn con mình trở thành người có công ăn việc làm tốt, có ích cho xã hội, xứng đáng là một công dân Panama”.

Có thể dùng câu ngạn ngữ Panama “Dos lagartos no pueden vivir juntos” (Hai con thằn lằn không thể sống cùng nhau) để so sánh cuộc đua tranh phát triển đầy nóng bỏng giữa thủ đô Panama City và thành phố quan trọng thứ nhì của đất nước Colón.

Với diện tích gần 5km2, dân số gần 300.000 người, Colón sở hữu trạm khóa nước Gatun Locks phía bắc của kênh đào Panama hướng ra biển Caribbean.

Nói Colón “không thể sống cùng” Panama City bởi sự khác biệt từ quy chế Khu thương mại tự do đặc biệt với thuế nhập khẩu là 0%. Colón là trung tâm phân phối, xuất hàng hóa lớn thứ nhì thế giới (sau Hong Kong, Trung Quốc).

Người dân ở đây trở thành lực lượng lao động địa phương đắc lực cho hàng ngàn công ty nước ngoài nên không lạ họ có tính cách hướng ngoại, thân thiện, chăm chỉ làm việc của người Panama.

(Theo Colón Free Trade Zone)

Kỳ tới: Sinh viên Việt ở Panama

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên