25/09/2014 14:05 GMT+7

Thăm xứ sở “cá, cây và bướm”

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TT - Nằm vắt vẻo giữa dải đất hẹp nối Bắc Mỹ và Nam Mỹ, đất nước Panama rất nhỏ bé nhưng lại nức tiếng toàn cầu nhờ dòng kênh đào giúp tàu thuyền thế giới lưu thông hàng hải.

Một gia đình dạo phố trên xe đạp bốn bánh ở khu Amador - Ảnh: TR.N.
Một gia đình dạo phố trên xe đạp bốn bánh ở khu Amador - Ảnh: TR.N.

Chúng tôi đến Panama vào đúng dịp nước này kỷ niệm 100 năm kênh đào hoạt động (1914-2014). Nhưng dĩ nhiên Panama không chỉ có kênh đào. Đất nước chỉ hơn 75.517 km2 đất liền, nhỏ hàng thứ 118 thế giới này phong phú ngay từ ý nghĩa tên gọi “Panama” để những ai đến lần đầu phải tìm hiểu.

Không chỉ là kênh đào

Theo tài liệu của Chính phủ Panama ban hành, tính đến năm 2013 nước này đơn phương miễn visa du lịch cho 117 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có VN.

Chính sách visa du lịch thông thoáng trên là chi tiết quan trọng chứng tỏ Panama chú trọng phát triển du lịch như ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm gần đây. Panama có 3,6 triệu dân (số liệu năm 2014) nhưng năm 2013 nước này đã đón trên 2,2 triệu lượt khách quốc tế (theo Cơ quan Du lịch Panama).

Doanh thu từ dịch vụ du lịch ở nước này trị giá gần 3 tỉ USD/năm. Nếu năm 1990 Panama City chỉ có 2.000 phòng khách sạn thì năm 2014 thủ đô này đã có 18.000 phòng.

Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của cái tên “Panama” - danh xưng vốn có nguồn gốc từ trước thời kỳ nhà thám hiểm Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ. Người thì nói đây là tên một loài cây rừng phổ biến thời xưa, người tin rằng trong tiếng thổ dân bản địa panama có nghĩa là nơi “cá nhiều vô số” hoặc “rất nhiều bướm”.

Trộn tất cả dữ liệu với nhau, người Panama tin rằng từ panama có nghĩa là “sự phong phú của cá, cây và bướm”. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, định nghĩa trên chính thức in trong sách giáo khoa xã hội học được phê duyệt bởi Bộ Giáo dục Panama.

Trên thực tế, Panama là xứ sở nhiệt đới cận xích đạo giống VN. Những người nước ngoài đến đây như chúng tôi nhanh chóng cảm nhận rõ ràng về cảnh quan xanh đặc trưng nhiều cây cối nơi thủ đô Panama City, cửa ngõ quan trọng nhất và cũng là thành phố lớn nhất quốc gia với trên 1,4 triệu dân.

Khu Amador (tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “người yêu”) ở thủ đô liên kết bốn hòn đảo với con đường đắp cao dẫn vào kênh đào và đất liền là một trong những nơi có mật độ cây xanh phủ rất kín, đặc biệt là những hàng dừa dọc bờ biển.

Khi chúng tôi đến đây tầm 16g chiều, ánh nắng không còn gay gắt, rất đông người dân địa phương tận hưởng không gian xanh này bằng cách đi bộ, chạy bộ dọc bờ biển hít thở không khí trong lành và gió biển. Rất nhiều người đi xe đạp cá nhân hoặc nếu cả gia đình trẻ nhỏ khoảng 4, 5 người thì dùng loại xe đạp bốn bánh có mui che đặc trưng đi dạo quanh khu vực.

Dùng bữa với món cá corvina tại một trong nhiều nhà hàng và quán bar ngoài trời trên các đảo ở khu Amador là cách mà nhiều người nước ngoài không thể bỏ qua để thêm cảm nhận ý nghĩa “cá nhiều vô số” của Panama.

Món cá corvina ăn kèm với củ mì chiên giòn chính là đặc sản ở nước này. Cá có độ tươi, cách chế biến đặc biệt khi chiên nguyên con sao cho độ giòn phủ ngoài và thịt cá ở trong ngon ngọt, có độ nóng vừa phải lúc thực khách dùng.

Người bạn ở Panama đi cùng chúng tôi ở Amador nói rằng “cuối tuần có chuyến dạo chơi ở Amador là cảm thấy như ở thiên đường vậy, mọi mệt mỏi tan biến. Người Panama rất biết cách tự hài lòng với cuộc sống của mình với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, phát triển kinh tế nhanh, điều kiện dịch vụ, cơ sở hạ tầng đảm bảo...”.

Theo Happy Planet Index (Chỉ số hạnh phúc toàn cầu), Panama xếp hạng 6 trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất hành tinh.

Kênh đào Panama - Ảnh: TR.N.
Kênh đào Panama - Ảnh: TR.N.

Người Panama làm du lịch

Chúng tôi đến Panama với thiện cảm đầu tiên nơi cửa ngõ sân bay quốc tế Tocumen (cách thủ đô 24km) là không cần visa nhập cảnh cho mục đích du lịch 30 ngày.

Phương tiện đi lại ở Panama khá thuận tiện với xe buýt, taxi và hai đường tàu điện ngầm với 15 nhà ga trị giá 3,6 tỉ USD vừa đưa vào sử dụng tháng 4-2014 rất mới và hiện đại.

Chúng tôi được bạn địa phương khuyến cáo đi taxi mà nói tiếng Anh rất dễ bị “chặt chém” và đã chứng kiến các bác tài taxi lại rất “chảnh”: thích thì đón khách, không thích thì buông câu cửa miệng nổi tiếng của họ: “No voy, no voy” (Không chở) rồi phóng xe chạy thẳng, mặc kệ khách đứng bơ vơ trên lề phố!

Tuy xe hơi chạy đầy đường song Panama vẫn còn gìn giữ truyền thống xe Diablo Rojo (nghĩa là “quỷ đỏ”) - loại xe đò xuất hiện đã hơn nửa thế kỷ và hiện còn khoảng 1.200 chiếc ở Panama. Đây là một “biểu tượng” văn hóa địa phương, tương đồng với loại xe jeepney ở Philippines cũng là một quốc gia có quá khứ chịu ảnh hưởng bởi Tây Ban Nha.

“Quỷ đỏ” luôn nổi bật trên phố vì được sơn phết sặc sỡ đủ mọi câu chữ khẩu hiệu, hình thù sống động từ đầu đến suốt hai bên hông thành xe. Bên trong “quỷ đỏ” được thiết kế hai băng ghế dài đối diện, chứa khoảng 20 người.

Mua vé bằng 25 xu tiền lẻ (5.000 đồng VN) để đi trên “quỷ đỏ” từ bến xe khách ở Panama, chúng tôi hòa vào cảnh chật chội, nóng nực, ồn ào và đôi khi tài xế phóng nhanh khá nguy hiểm. Nhưng chính vì vậy mà “quỷ đỏ” là nơi để bạn trải nghiệm thật sự cuộc sống của người dân nghèo địa phương (chiếm 1/4 dân số Panama) bởi đây là phương tiện di chuyển thường ngày của họ.

Điều phát hiện của chúng tôi trong những ngày đi lại ở Panama là quốc gia này không chỉ chào đón du khách với “đặc sản kênh đào” mà còn ra sức quảng bá nơi đây hết sức lý tưởng cho các du khách có nhu cầu khác nhau, từ phiêu lưu mạo hiểm đến... nghỉ hưu!

Nhà báo Marijulia Lloyd của tuần báo The Visitor cho biết du lịch mạo hiểm “băng rừng lội suối” đang tăng cao ở Panama với ưu thế có nhiều núi đồi, cao nguyên, rừng mưa nhiệt đới để trải nghiệm du lịch sinh thái. Đồng thời các hải đảo tuyệt đẹp ở cả hai bờ biển Thái Bình Dương và Đại Tây Dương dành cho người câu cá, lặn biển...

Trong khi đó, Cơ quan Du lịch Panama quảng bá rằng chính phủ nước này trải thảm chào đón người về hưu trên thế giới (đặc biệt là Mỹ) đến an dưỡng tuổi già với những ưu điểm: chi phí thấp, dùng đồng USD, trợ cấp rất tốt, dịch vụ y tế hàng đầu, Internet tốc độ cao và WiFi phủ sóng rộng rãi... Tổ chức International Living chọn Panama đứng đầu danh sách nơi nghỉ hưu tốt nhất thế giới 2014.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Carlos Caballero (45 tuổi, chủ Công ty Pavexplore ở thủ đô) nói rằng “vũ khí” làm du lịch của Panama ngoài các yếu tố thiên nhiên ưu đãi thì cái chính là ở con người: “Khách nước ngoài khi rời Panama thường phản hồi rằng họ yêu thích sự thân thiện, hiền hòa, dễ tính và hiếu khách của chúng tôi”.

“Và dĩ nhiên không ai quên kỷ niệm tham quan kênh đào nổi tiếng và ngắm những tàu thuyền quốc tế chở container khổng lồ qua kênh đào. Nếu chưa đến kênh đào nghĩa là bạn chưa đến Panama đâu”, ông Caballero nheo mắt cười tự tin.

______________

Kỳ tới: Chiêm bái kênh đào

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên