Một góc chung cư Nguyễn Thiện Thuật, P.1, Q.3 (TP.HCM) đang chờ kêu gọi đầu tư - Ảnh: D.N.Hà |
Đến năm 2013, người dân được thông báo toàn bộ diện tích P.1 là khu dân cư chỉnh trang, trong đó có khu cư xá Đường sắt.
Tại khu phố 5, P.1 thuộc khu cư xá Đường sắt, nhiều con hẻm ngoằn ngoèo chỉ đủ một chiếc xe máy qua lọt, hai xe ngược chiều phải lựa nơi để tránh nhau.
Không dám xây nhà
Ông Viên, một người dân ở khu phố 5, cho biết sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài “Dự án “treo” 12 năm giữa thành phố” (ngày 29-12-2011), một thời gian sau thì UBND P.1 thông báo TP đã xóa dự án “treo”. Người dân được xét cấp giấy chủ quyền, sửa chữa nhà, mua bán chuyển nhượng nhưng không được xây dựng mới.
Chính quyền cho biết tuy xóa dự án “treo” nhưng khu vực này đang được kêu gọi đầu tư, nếu cho dân xây dựng mới khi di dời, giải tỏa rất uổng phí. Gia đình ông Viên chỉ dám sửa chữa lại nhà, cải tạo gác gỗ để có đủ chỗ ở cho tám người của hai gia đình.
Ông Viên kể: “Tôi lên phường hỏi thì được biết Nhà nước cho xây nhà mới nhưng không cấp giấy chủ quyền nhà mới. Giấy phép xây dựng chỉ là giấy phép tạm và chủ nhà phải cam kết không đòi bồi thường phần nhà mới khi giải tỏa. Nghe vậy nên tôi cũng không dám xây nhà”.
Đại diện UBND P.1 cho biết mặc dù đã xóa dự án “treo”, trả lại quyền về nhà đất cho người dân, nhưng do khu vực này Nhà nước đang kêu gọi đầu tư để chỉnh trang nên không cho xây dựng tự do như những khu dân cư hiện hữu khác. UBND phường cũng vận động để người dân tự phòng cháy vì hẻm nhỏ, đường chật.
Mong sớm được di dời
Theo quy hoạch phân khu 1/2.000 được cơ quan duyệt năm 2013, toàn bộ diện tích gần 15ha với khoảng 18.000 dân thuộc P.1, Q.3 là khu dân cư chỉnh trang. Trong đó, bao gồm khu cư xá Đường sắt cũ gần 20.000m² và hai lô chung cư Lý Thái Tổ (xây dựng từ năm 1991) và 11 lô chung cư cũ Nguyễn Thiện Thuật đã kêu gọi đầu tư nhiều năm nhưng chưa có chủ đầu tư.
Đại diện UBND P.1 cho biết toàn phường chỉ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, sau năm năm kể từ ngày công bố quy hoạch nếu chưa có chủ đầu tư hoặc Nhà nước chưa giải phóng mặt bằng thì người dân được cấp giấy chủ quyền nhà và được bồi thường phần kiến trúc mới xây dựng.
Ông Võ Khắc Thái, phó chủ tịch UBND Q.3, cho biết hiện cơ quan chức năng đang kêu gọi đầu tư cho toàn bộ diện tích của P.1. Mong muốn của lãnh đạo TP là ưu tiên cho một nhà đầu tư đủ mạnh, có khả năng đầu tư toàn bộ diện tích gần 15ha của toàn phường để hạ tầng đồng bộ, kết nối và có một cụm công trình đẹp cho khu vực này.
Tuy nhiên, với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, cơ quan chức năng cũng để mở phương án đầu tư từng phần theo khả năng của chủ đầu tư. Việc đầu tư diện tích nào tùy thuộc vào năng lực và phương án xử lý kết nối hạ tầng của chủ đầu tư.
Nhiều người dân cho biết thông tin quy hoạch trên đã được UBND phường thông báo đến người dân từ lâu nhưng không biết đến khi nào Nhà nước mới triển khai. Người dân mong muốn cơ quan chức năng sớm thực hiện quy hoạch.
Ông Tư, một hộ dân sống tại tầng trệt lô A, chung cư Lý Thái Tổ, than phiền chung cư không có chỗ để xe. Những nhà ở gần chung cư phải lập bãi xe tự phát, giữ xe cho dân chung cư thì ít, giữ xe cho bên ngoài thì nhiều và để xe kín cả lối đi.
Còn ở các tầng trên của chung cư cũ thoát nước xuống đất bằng đường ống “lộ thiên” gây ảnh hưởng đến các hộ ở phía dưới, khiến cuộc sống của người dân rất khó khăn...
Trong khi đó nhà của bà Hà Thị Lài (nhà số 44 tầng trệt của lô A, chung cư Nguyễn Thiện Thuật) đã xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm nay.
Trong căn hộ của bà Lài, vôi vữa ở trần nhà rớt ra từng mảng, có khi rớt cả gạch. Toàn bộ trần nhà bị thấm nước, thợ chống thấm cho biết không thể chống thấm từ phía dưới mà phải cải tạo toàn bộ hệ thống thoát nước phía trên mới hết thấm. “Mong Nhà nước di dời sớm chứ ở nhà này hồi hộp lắm” - bà Lài nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Tùng (Ban pháp chế, HĐND TP.HCM): Thay đổi cách kêu gọi đầu tư Tôi thấy cách kêu gọi đầu tư của các cơ quan chức năng hiện nay còn thụ động, kiểu như thông tin rồi chờ nhà đầu tư đến đăng ký. Cách làm thụ động này khiến nhiều dự án rơi vào cảnh kêu gọi đầu tư nhiều năm mà không có nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Theo tôi, các cơ quan chức năng nên năng động hơn trong cách giới thiệu, tiếp cận nhà đầu tư để mời gọi họ đến với địa phương mình. UBND các quận có thể tổ chức hội nghị giới thiệu dự án đang kêu gọi đầu tư, gửi công văn đến các công ty giới thiệu vị trí, quỹ đất, quy hoạch, tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng, chính sách ưu đãi... Tôi biết nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm quỹ đất để đầu tư nhưng họ chưa có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu tường tận những vị trí, chỉ tiêu quy hoạch, chính sách ưu đãi nên còn ngại ngần. Trường hợp chưa thể triển khai dự án ngay thì có thể xây trước quỹ nhà tái định cư để người dân có nhu cầu di dời trước đến đó ở, hạn chế tình trạng người dân phải ở trong những khu vực xuống cấp, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận