27/05/2005 06:04 GMT+7

Cả phố núi ngồi lên xe đạp

NGUYỄN HÀNG TÌNH
NGUYỄN HÀNG TÌNH

TT - Mấy tuần nay chẳng hiểu từ đâu ra mà cả Đà Lạt tràn ngập xe đạp, thiên hạ cong lưng đạp mà nụ cười cứ tươi rói giữa gió mây trên những con đường mà nhiều khi đọc “chưa hết câu thơ... đã đụng phải dốc”.

FBO30BRw.jpgPhóng to

Các bạn trẻ đi dạo bên bờ hồ

TT - Mấy tuần nay chẳng hiểu từ đâu ra mà cả Đà Lạt tràn ngập xe đạp, thiên hạ cong lưng đạp mà nụ cười cứ tươi rói giữa gió mây trên những con đường mà nhiều khi đọc “chưa hết câu thơ... đã đụng phải dốc”.

Dân Đà Lạt vốn nổi tiếng “sợ” xe đạp, thế mà giờ đây nhiều người bỗng dưng đâm... ghiền xe đạp.

Cận cảnh… đạp xe ở phố núi

Vì ghiền cho nên cứ mở mắt ra là thấy thiên hạ kháo nhau đi... đạp xe. Nhiều người không ngồi lên xe được thì kéo nhau đi coi bà con đạp xe. Và khu vực đông người đạp lẫn người coi là quanh hồ Xuân Hương. Thường thấy người ta chạy xe máy từ nhà, rồi bỏ chiếc xe này tại điểm cho thuê xe đạp mà nhảy lên xe đạp và chấp nhận trả 10.000 đồng/giờ để... được đạp.

Để thuê được chiếc xe đạp, người đi ôtô dĩ nhiên phải thế chân lại chiếc ôtô, xe máy thì thế lại xe máy, sinh viên thì lấy thẻ sinh viên, học sinh thì lấy chứng minh nhân dân, ai chưa có mấy thứ đó thì “cho xin số nhà” (chủ điểm cho thuê xe tự đi xác minh)...

Hình ảnh xe đạp xuất hiện nhiều, cho dù ở Đà Lạt, sẽ làm dịu đi, đẹp hơn phố phường giữa thời buổi đô thị ngập ngụa, chúa chát bởi xe máy.

Nhưng “sự kiện xe đạp” ở Đà Lạt càng quí giá hơn thế: những người trẻ thay vì kéo nhau vào “gào” ở các quán karaoke, đốt thời gian ở quán cà phê, tiệm bida, quán nhậu, tiệm “chat” (Đà Lạt không còn chỗ nào hơn cho giới trẻ!) thì đưa nhau lên cùng đạp trên chiếc xe đạp dài 3,5m, nặng chừng 15-20kg được gọi phổ biến bằng cái tên “xe đạp đôi” - chả thế mà có tiệm cho thuê xe đạp đôi lấy luôn slogan cho loại xe đạp này: “xe đạp tình yêu!”.

Học sinh thì coi như trò chơi mới của học trò phố núi - chấp nhận dành tiền ăn quà để thuê xe chạy. Có lớp học, cao hứng cuối giờ trưa học trò kéo cả lớp đi đạp, nữ sinh “chơi” luôn áo dài như thế! Các đôi vợ chồng thì coi đó là phương tiện của buổi “xe đạp ơi những vất vả ngày xưa!”.

Và đặc biệt, rất nhiều phụ nữ tuổi 40-45 béo tròn thì coi đấy là công cụ hữu hiệu để “giải phóng” khối mỡ ngoài ý muốn. Có chị nói: “Mỗi ngày chỉ cần mất 5.000 đồng - tức nửa giờ thuê xe đạp - đủ cảm thấy con người... lạc quan!”. Cứ thế người ta đạp mãi, có khi đến 1g sáng vẫn còn thấy người vi vu trên chiếc xe đạp giữa mù sương ven hồ...

XeSjXhyO.jpgPhóng to
Điểm cho thuê xe Phụng Hoàng của cô học sinh Đỗ Thị Thu Hằng - người khởi xướng phong trào xe đạp ở Đà Lạt - nằm kề khu giải trí Đà Lạt bên bờ hồ Xuân Hương
“Nhân vật” của chiếc xe đạp tình yêu

Địa chỉ ra đời của chiếc xe đạp đôi là căn nhà của ông nông dân Đỗ Hữu Khương, ở trong một con hẻm nghèo thuộc đường Bùi Thị Xuân, bên hồ Đội Có, gần con dốc xuống hồ Xuân Hương.

Tuy nhiên, người đưa mô hình thể thao trên du nhập thành phố cao nguyên lại là một cô học sinh: Đỗ Thị Thu Hằng - học sinh lớp 11A Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP Đà Lạt. Khi biết ngôi nhà mình ở vào năm tới sẽ bị giải tỏa, cuộc sống gia đình nghèo sẽ gặp khó khăn, thế là Hằng tìm cách “cứu” kinh tế gia đình.

Lang thang trên mạng, cô học trò nhìn thấy mấy chiếc xe đạp đôi ở... bên Mỹ. Download hình dáng chiếc xe đạp về đưa mẹ: làm mấy chiếc xe như thế này để cho du khách Tây thuê (nhà cô ở gần một khách sạn thuộc hãng lữ hành “chuyên trị” du khách Tây ở Đà Lạt: Sinh Cafe).

Giấu người cha (một nông dân chất phác, rất “sợ” kinh tế thị trường, làm gì dám kinh doanh bằng hình thức chưa ai dám làm ở Đà Lạt), hai mẹ con cô học trò quyết định thế chấp sạp vải của mẹ ở chợ Đà Lạt cho ngân hàng để vay vốn (30 triệu đồng) sắm xe đạp.

Cô học trò mang kiểu dáng xe đạp lấy từ mạng về Sài Gòn tìm nơi sản xuất, cùng với một người anh họ đang làm việc ở thành phố này. Không ai chịu hàn đóng thứ xe đạp “bất thường” đó.

Chỉ trong vòng chưa đầy ba tuần xuất hiện - từ đầu tháng 5-2005, từ vài chiếc xe đạp đôi đầu tiên giờ đã có không dưới 30 điểm cho thuê xe đạp kể trên, với số lượng lên đến chừng 500 chiếc, cho dù giá một chiếc phải 2,1-2,8 triệu đồng.

Nhiều khách sạn theo đó mà đua nhau “tậu” về 5-7 chiếc dựng trước cửa khách sạn để... kiếm thêm, ngoài nguồn thu từ phòng trọ.

Và rồi có một chỗ đồng ý đóng nhưng phải với số lượng nhiều, ít nhất 15 chiếc (giá 2,1 triệu đồng/chiếc). Sau đó không lâu, những chiếc xe đó được đưa ngược về cao nguyên... Hằng thuê in bằng đề can điểm cho thuê xe “Phụng Hoàng” của gia đình mình lên mỗi chiếc xe.

Suốt 10 ngày chiếc xe đạp “quái lạ” đó xuất hiện chẳng ai để ý, cho cưỡi không cũng không ai dám ngồi lên. Hằng chụp hình chiếc xe rồi mang ảnh đi in catalogue để nhờ bạn học trong lớp... quảng cáo giùm.

Ngoài đi phát tờ rơi quảng cáo mời đi xe đạp, các bạn còn tình nguyện đến nhà Hằng lấy chiếc xe đạp... dài lê thê mà đạp đi khắp phố phường cho người dân phố núi quen mắt. Và bây giờ thì thiên hạ ở cao nguyên rối rít đạp xe, ùn ùn sắm xe...

Tuy nhiên, xe người “ra sau” (sắm) thường lộng lẫy hơn nhiều lần so với xe của Hằng, bởi xe họ được hãng xe đạp nổi tiếng Martin (TP.HCM) thiết kế lại, lắp ráp...

Giờ đây xe tràn ngập Đà Lạt là của Martin. Không xinh đẹp, tiện nghi, hấp dẫn bằng nhưng xe của Hằng (điểm Phụng Hoàng) vẫn là... của Hằng, là ý tưởng khởi đầu cho... xe đạp Đà Lạt.

NGUYỄN HÀNG TÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên