Dự thảo thông tư mới không quy định số lượng hòm công đức tối đa được phép đặt ở một di tích - Ảnh: T.ĐIỂU
Đây là một số điểm đáng lưu ý trong Dự thảo thông tư hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội mà Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến góp ý của nhân dân để hoàn thiện, trình lên Chính phủ.
Dự thảo thông tư này hướng dẫn việc quản lý thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho các di tích thuộc sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng.
Dự thảo thông tư quy định nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch; không quy định mức bình quân, không quy định mức tối thiểu trong dâng cúng, công đức, tài trợ; không lợi dụng việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm.
Về việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội được tổ chức gắn với di tích, dự thảo thông tư quy định đơn vị tổ chức lễ hội và cơ quan, đơn vị quản lý di tích cần có văn bản thỏa thuận rõ về việc phân chia các khoản thu, chi có gắn với di tích trong thời gian tổ chức lễ hội.
Dự thảo thông tư cũng quy định cụ thể những khoản được chi trong tổ chức lễ hội như: hoạt động của ban tổ chức lễ hội; bồi dưỡng cho những người được trưng tập, ban tổ chức lễ hội, phục vụ trực tiếp các hoạt động của di tích vào các dịp lễ hội; công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá lễ hội, di tích; trang trí khánh tiết; chương trình nghệ thuật…
Về quản lý tiền, tài sản dâng cúng, công đức, tài trợ cho di tích, dự thảo thông tư quy định tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích phải thành lập tổ tiếp nhận dâng cúng, công đức, tài trợ.
Để bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, tổ tiếp nhận có trách nhiệm định kỳ hằng năm công bố thông tin công khai về việc tiếp nhận các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ; cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.
Một điểm đáng chú ý trong thông tư là trước đấy một số ý kiến nêu ra cần quy định về số hòm công đức tối đa được phép đặt ở một di tích, nhưng dự thảo thông tư này chỉ quy định tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích có trách nhiệm bố trí đặt hòm công đức hợp lý trong các di tích, thuận tiện cho việc công đức mà không quy định số lượng giới hạn cụ thể.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích phải có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi tại kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để tiếp nhận, quản lý tiền dâng cúng, công đức, tài trợ; mở sổ theo dõi thu, nộp tiền và tài sản công đức; quản lý, sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ theo đúng quy định; thực hiện quyết toán hàng năm; công bố công khai, minh bạch việc thu, quản lý, sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ; cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.
Về dự thảo thông tư này, viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam Bùi Hoài Sơn đánh giá trong bối cảnh hiện thời, việc ban hành thông tư hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội là hết sức cần thiết.
Lý do là những năm gần đây xảy ra tình trạng khá lộn xộn trong việc thu chi tiền công đức tại các di tích và lễ hội. Những lộn xộn này dẫn đến nhiều mâu thuẫn, thậm chí là tranh chấp ở các địa phương, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của di tích và tổ chức lễ hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận