16/09/2012 08:10 GMT+7

Cà Mau: lốc làm hơn 10km đê biển sạt lở

ĐÔNG TRIỀU - TẤN VŨ - ALĂNG NGƯỚC
ĐÔNG TRIỀU - TẤN VŨ - ALĂNG NGƯỚC

TT - Chiều 15-9, ông Tô Quốc Nam - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau - cho biết ảnh hưởng của vùng áp thấp trên biển nhiều ngày qua gây sóng to, dông lốc làm sạt lở nghiêm trọng nhiều đoạn đê biển ở Cà Mau.

zYvR52kT.jpgPhóng to

Nhà cửa tan hoang sau một vụ sạt lở đất ở huyện Năm Căn (Cà Mau) - Ảnh: ĐÔNG TRIỀU

Kiểm tra thực tế tại các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân..., cơ quan chức năng phát hiện đoạn đê tại Rạch Dinh bị sóng biển đánh lở mất toàn bộ rừng phòng hộ ngoài đê dài khoảng 380m, sóng tràn qua thân đê, nguy cơ vỡ đê. Hai đoạn kè thi công năm 2008 dài khoảng 70m khu vực Cái Cám bị nước cuốn trôi và lở thêm một đoạn khoảng 40m. Đoạn kè Nam Đá Bạc, đoạn từ cống Bảy Ghe - cống Kinh Tư - cống Đá Bạc và đoạn đê từ vàm Sào Lưới - cống Ba Tỉnh - vàm Giáo Bảy... bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài gần 10km.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, vùng ven biển Cà Mau hiện có trên 100 điểm nóng nguy cơ sạt lở cao, đe dọa đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của trên 26.000 hộ dân và gần 129.000ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Trước dó, ngày 13-9 tại huyện ven biển Năm Căn, dông lốc mạnh bất ngờ đã làm sập hoàn toàn, tốc mái 71 nhà hộ dân và trụ sở một số ban ngành của huyện. Tháp ăngten cao 60m của Đài truyền thanh huyện cũng bị dông giật ngã làm sập nhà để xe, hư hỏng ba xe máy và hư hại gần như hoàn toàn nóc mái che phòng hậu kỳ của đài.

* Ngày 15-9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang đã thông qua phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du thủy điện A Vương. Đây là thủy điện lớn duy nhất trên địa bàn lên phương án cho người dân hạ du.

Theo đó, một bản đồ báo mức ngập lụt để có thể giúp cộng đồng nhận biết được mức độ ngập, tốc độ ngập, so sánh với mức lụt của các năm để dân chủ động di dời khi có lũ lớn. Đến nay thủy điện này đã dựng được 72 cột mốc báo mức ngập lụt tại các khu vực đông dân cư dọc sông Vu Gia thuộc 12 xã trong huyện Đại Lộc. Trong năm 2012 sẽ xây dựng bảy hệ thống báo mức nước lụt tự động có tính năng ghi nhận và truyền thông tin tự động về mức nước ngập tại mỗi vị trí qua sóng điện thoại di động GSM về trung tâm điều hành. Các thông số về lũ sẽ hiển thị trực tiếp trên màn hình máy tính, có thể truy cập từ xa qua Internet hoặc tin nhắn trên điện thoại di động cho người dân.

* Sáng 15-9, ông Bríu Quân - chánh văn phòng UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) - cho biết đang khẩn trương triển khai công tác phòng chống lụt bão, tích trữ lương thực tại các “kho thóc tình thương” của làng, xã.

Theo đó, cùng với nguồn lương thực được huyện rót về, mỗi xã phải hoàn thành kho thóc dự trữ tập trung với số lượng 3-5 tấn, phục vụ đủ ăn trong thời gian mười ngày cho nhân dân, phòng trường hợp mưa lũ chia cắt. Riêng tại mỗi làng bản, huyện cũng chỉ đạo các địa phương vận động mỗi hộ dân tình nguyện đóng góp dự trữ 1 ang (30 lon) thóc vào “kho thóc tình thương” chung của làng giúp phục vụ tại chỗ khi cần thiết.

ĐÔNG TRIỀU - TẤN VŨ - ALĂNG NGƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên