17/04/2017 10:49 GMT+7

Ca khúc trước 1975: Để lời nói và việc làm đi đôi

LÂM MINH TRANG
LÂM MINH TRANG

TTO - Tuổi Trẻ đã có hẳn một loạt bài trong hơn một tuần với nhiều ý kiến đa dạng, “thấu tình đạt lý”.

Quang Lê và Lệ Quyên hát Con đường xưa em đi

Tựu trung, tuy đa chiều và nhiều góc cạnh, các ý kiến đều nhấn mạnh: các cơ quan quản lý văn hóa hãy có tầm nhìn và quan điểm đúng đắn hơn với những sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam.

Không chỉ có thế, cũng đến lúc cần có những nhận định, đánh giá công bằng với dòng văn nghệ được sáng tác sau năm 1975 trong cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở hải ngoại.

Một đứa bé sinh ra vào ngay thời điểm chiến tranh chấm dứt, đến nay cũng là người trung niên 42 tuổi, sẽ không hiểu vì sao những bài hát của thời cha mẹ, ông bà, thể hiện tâm trạng của bối cảnh xã hội lúc đó, không ủy mị, không khơi gợi phản kháng, không kích động hằn thù, lại bị cấm?

Và “bị cấm lại” khi đã được cho phép trước đó? Vì vậy, việc “gỡ bỏ” một “lệnh cấm” kỳ quặc của một cơ quan quản lý văn hóa - ở đây là Cục Nghệ thuật biểu diễn - đến từ một cơ quan, cũng quản lý văn hóa, cấp trên, là một việc làm tuy đã muộn nhưng cho thấy sự “biết lắng nghe”, đã nhận về sự hoan hỉ trong xã hội.

Đồng thời, bạn đọc cũng đồng tình với nhiều ý kiến đã đăng tải. Bởi tuy ý kiến đa chiều và nhiều góc cạnh nhưng có sự “thống nhất” cao về “5 bài hát xưa bị cấm”.

Những ý kiến không chỉ tập trung vào bức xúc trước một “lệnh cấm” được giải thích “vì ca từ không đúng bản gốc”, mà còn bức xúc trước một động thái rất không hay của một cơ quan quản lý văn hóa.

Vì lẽ đó, theo dõi bài viết “Ca khúc trước 1975 - cần ứng xử đúng đắn” của nhà báo Nguyễn Thế Thanh, bạn đọc vô cùng đồng tình.

Bài viết đã chỉ ra không có động thái kêu gọi hòa giải, hòa hợp dân tộc nào hay hơn là việc “...Âm nhạc tự thân nó là một phương cách để người ta nhớ nhung quá khứ của mình, cho dù quá khứ ấy không phải lúc nào cũng êm đềm...

Người ta có thể hát để thấy mình tốt đẹp hơn, yêu đời, yêu nhau hơn - đó là cái lâu dài. Còn những bài hát khiến người ta căm thù thì chỉ có thể, chỉ nên tồn tại một lúc nào đó trong cuộc đời, càng ngắn càng tốt.

Mong cho cách nghĩ ấy được chia sẻ trong những người làm quản lý và cả những đối tượng của quản lý. Như một phép ứng xử đúng đắn cần thiết cho các ca khúc trước 1975”.

Sẽ không thể chứng minh sự đúng đắn, tinh thần hiếu hòa, mong muốn hòa giải và hòa hợp, nếu như từ lời nói không dẫn đến những việc làm phù hợp.

LÂM MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên