06/01/2006 05:07 GMT+7

Ca khúc nhạc trẻ: SOS?

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TT - Có phải yếu tố Việt, bản sắc Việt trong nhạc trẻ chưa đúng mức nên đã hạn chế con đường vươn ra thế giới của nhạc nhẹ VN?

03rCzM4z.jpgPhóng to
Đời sống âm nhạc sôi động hôm nay rất cần những ca khúc nhạc trẻ có chất lượng - Ảnh: TR.N.

GS.NS Thế Bảo, trưởng ban lý luận Hội Nhạc sĩ VN, đã khơi mào cho hội thảo "Ca khúc tác giả trẻ: thực trạng & giải pháp" do Hội Nhạc sĩ VN tổ chức sáng 5-1 tại TP.HCM.

“Ca khúc 8X”

NS Trần Xuân Tiến (trưởng ban văn nghệ Đài TNND TP.HCM) cho rằng lớp nhạc sĩ 8X (sinh những năm 1980) có trình độ nhạc lý, điều kiện tiếp xúc âm nhạc tốt hơn hẳn những lớp nhạc sĩ 7X, 6X... nhưng chất liệu, kinh nghiệm sống còn non nớt là điều dễ hiểu. Một số cây viết trẻ thuộc thế hệ 8X viết nhạc có cấu trúc, tiết tấu đơn giản, giai điệu dễ "lai" ca khúc nước ngoài, ca từ viết theo lối thực dụng, vừa cường điệu vừa nghèo nàn, phần đặt tựa thì "vui tai" đến mức choáng: Người ấy và tôi em phải chọn, Bạn tôi em cũng không chừa...

Có lẽ chính vì vậy mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên thừa nhận thực trạng một số ca khúc kém thẩm mỹ nghệ thuật đang ra rả trên thị trường đã khiến các bậc phụ huynh, những người quan tâm và thưởng ngoạn âm nhạc không thể không lo ngại. Thậm chí "không ít công chúng yêu nhạc Việt đã quay lưng với các sáng tác mới của tác giả trẻ. Họ phải tìm về các ca khúc xưa một thời vang bóng để lấp chỗ trống nhu cầu nghe nhạc".

Giải quyết đồng bộ

"Đã đến lúc không thể để nhạc trẻ VN tự phát, các nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ VN tự mò mẫm học mà cần phải giúp đỡ họ căn cơ, mở trường đào tạo nhạc nhẹ tại hai trung tâm lớn Hà Nội và TP.HCM" - khẳng định này của NS Thế Bảo được nhiều người đồng tình.

Nhà báo Hữu Trịnh (chuyên trang âm nhạc trực tuyến Giai điệu xanh) cho rằng hiện tại chúng ta vẫn có nhiều gương mặt hoạt động trong lĩnh vực nhạc trẻ có tài, có tâm và thạo nghề như: Đức Trí, Võ Thiện Thanh, Anh Quân, Đỗ Bảo, Lê Minh Sơn...

Trước sự bất cập hiện nay trong lực lượng sáng tác nhạc trẻ ("lớp nhạc sĩ lớn hoặc tương đối lớn tuổi không theo kịp sự phát triển của nhạc nhẹ nên không thể có ca khúc đáp ứng nhu cầu nghe nhạc của giới trẻ hôm nay, ngược lại lớp nhạc sĩ trẻ tuổi lại đa số chưa trang bị nền tảng âm nhạc cơ bản"), nhà báo Hữu Trịnh đề xuất giải pháp: "Cần nhân rộng những điển hình, khuyến khích những nhạc sĩ sáng tác ca khúc nhạc nhẹ và tạo ra những hoạt động trao đổi, học hỏi, cập nhật kiến thức nhạc nhẹ cho các nhạc sĩ".

Nhạc sĩ trẻ Hoài An cũng góp ý rằng các CLB sáng tác trẻ không thể phổ biến nhạc phẩm bằng cách hát cho nhau nghe nội bộ mà cần năng động hơn trong việc giới thiệu những tác phẩm hay, sáng tạo của mình ra thị trường. Chủ nhiệm CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn TP.HCM - nhạc sĩ trẻ Nguyễn Xuân Nghĩa - mong muốn các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa... đầu tư kinh phí dàn dựng, thực hiện các chương trình giới thiệu ca khúc mới của các nhạc sĩ trẻ hôm nay; hội chuyên ngành (Hội Âm nhạc) tiếp tục tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác có sự tham gia của lớp nhạc sĩ đi trước và nhạc sĩ trẻ để truyền đạt kinh nghiệm.

Tuy nhiên, cần có một sự đồng bộ để giải quyết tình trạng "ca khúc nhạc trẻ SOS" như nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên đề nghị: cơ quan quản lý nhà nước chặt chẽ trong việc xem xét nội dung ca khúc được phổ biến; các hội chuyên ngành (Hội Âm nhạc, Hội Nhạc sĩ) tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng sáng tác ca khúc cho các nhạc sĩ trẻ; các đoàn hội thanh niên quan tâm đến việc giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật cho SVHS;

Các đơn vị sản xuất kinh doanh băng đĩa nhạc thận trọng và nghiêm túc với trách nhiệm của mình khi sản xuất và phát hành băng đĩa; các cơ quan truyền thông đại chúng tránh sa đà trong việc khen chê vô tội vạ các tác phẩm âm nhạc; và cuối cùng là các cây viết trẻ đừng vì những lý do về vật chất hay sự nổi tiếng để sáng tác ra các nhạc phẩm kém chất lượng, lệch lạc.

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên