11/07/2017 16:17 GMT+7

Cá da trơn vào Mỹ bị kiểm tra sớm hơn một tháng

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Kết quả kiểm tra ngẫu nhiên phát hiện nhiều vi phạm khiến Mỹ quyết định kiểm tra 100% các lô hàng cá da trơn nhập khẩu sớm một tháng, bắt đầu từ 2-8 thay vì 1-9 như dự kiến.

Trước đây, chương trình thanh tra cá da trơn do Cơ quan Y tế cộng đồng an toàn thực phẩm và kiểm tra dịch vụ (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ quy định áp dụng một giai đoạn chuyển tiếp 18 tháng, bắt đầu từ 1-3-2016 đến 31-8-2017.

Điều đó có nghĩa là phải đến ngày 1-9 thì quy định kiểm tra 100% các lô hàng cá da trơn nhập khẩu vào Mỹ mới được thực hiện. 

Tuy nhiên, với thông báo trên, thời điểm áp dụng đầy đủ chương trình FSIS đã sớm hơn một tháng, bắt đầu từ ngày từ ngày 2-8-2017.

Điều đó có nghĩa là từ 2-8 tới đây, tất cả các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam trước khi đưa ra thị trường nội địa Mỹ phải được kiểm tra tại các i-house do Bộ Nông nghiệp Mỹ hay FSIS ủy quyền thanh tra về chất lượng sản phẩm, tiêu chí an toàn thực phẩm….  

"I-house" được hiểu là "trạm kiểm tra chính thức" được điều hành bởi các công ty kho lạnh tư nhân và do Bộ Nông nghiệp Mỹ chỉ định.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, lý do triển khai sớm hơn một tháng so với lịch trình xuất phát từ khoảng 250.000kg (547.928 pounds) cá da trơn nhập khẩu vào Hoa Kỳ không vượt qua các đợt kiểm tra ngẫu nhiên một số lô hàng nhập khẩu thời gian qua.

Thực tế, theo lộ trình trong giai đoạn chuyển tiếp cá và sản phẩm cá nhập khẩu sẽ được tái kiểm tra dư lượng ít nhất mỗi quý một lần áp dụng với các nhà nhập khẩu vào Mỹ.

Vào cuối giai đoạn chuyển tiếp khoảng 18 tháng, tất cả các lô hàng cá da trơn mới bị kiểm tái kiểm tra giống như đang áp dụng cho thịt và thịt gia cầm.

Từ 15-4, FSIS bắt đầu thực hiện công việc này, nhưng dù chỉ mới kiểm tra ngẫu nhiên, số lô hàng không vượt qua được bước kiểm tra của USDA và FSIS là khá lớn.

Tuy không phải tất cả các lô hàng vi phạm đều xuất xứ từ Việt Nam, nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc diện phải tuân thủ quy định mới.

Chỉ trong cuối tháng 6-2017, đã có hai trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu cá ba sa bị trả hàng về.

Cụ thể, một lô hàng khoảng 38.000kg (84.000 pounds) phi lê cá ba sa của Công ty Vĩnh Hoàn của Việt Nam đã bị trả lại.

Một nhà xuất khẩu khác có tên Cado Holdings cũng phải thu hồi hơn 11.600kg (25.760 pounds) phi lê swai đông lạnh nhập khẩu được phân phối ở các trung tâm thương mại ở Mỹ.

Theo FSIS, nếu muốn tiếp tục xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ, ngoài việc doanh nghiệp Việt Nam phải chịu kiểm tra 100% lô hàng cá da trơn, cơ quan chức năng Việt Nam cũng phải nộp “Công cụ báo cáo tự thực hiện - STR” hoàn chỉnh và các chứng từ bổ sung trước ngày 1-9.  

SRT là công cụ giải thích chi tiết về cách hoạt động của hệ thống an toàn thực phẩm mà doanh nghiệp phải tuân thủ để đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ.

Hiện nay có 62 doanh nghiệp trong nước được cấp phép xuất khẩu cá tra vào Mỹ theo chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ. 

Theo ông Herb Cochran - trưởng ban hải quan và thuận lợi hóa thương mại (thuộc AmCham), việc thiếu thông tin về các quy định mới về an toàn thực phẩm của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến 3,5 tỉ USD xuất khẩu nông sản, thủy hải sản và thực phẩm của Việt Nam sang thị trường này vốn đã đạt được năm 2016.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên