Mỗi khi khó ngủ tôi thường nghe nhạc hòa tấu và tôi ví lối chơi tiqui-taca của tuyển TBN như thể loại nhạc hòa tấu. Đặc trưng của nhạc hòa tấu là có tiết tấu nhẹ nhàng, giai điệu êm dịu, khiến người ta dễ lim dim, mơ màng và nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ. Lối chơi tiqui-taca của tuyển TBN cũng có “tiết tấu” tương tự và gây nên hiệu ứng “dễ ngủ” như nghe nhạc hòa tấu. Nó nhuần nhuyễn, mượt mà nhưng nhịp điệu cứ đều đều, có khi đến đơn điệu, nhàm chán. Thứ “tiết tấu” mà tuyển TBN trình diễn tại Euro 2012 đã chậm hơn và kém hấp dẫn hẳn so với tại Euro 2008 hay World Cup 2010.
Lối đá đó dễ ru ngủ đối phương nhưng cũng khiến người hâm mộ buồn ngủ! Như trong trận bán kết gặp Bồ Đào Nha, tôi đã mấy lần “chập chờn” vì bị lối đá tiqui-taca của TBN “chuốc ngủ” nên cứ mong Bồ Đào Nha ghi bàn và chiến thắng để được đi ngủ. Nhưng cuối cùng, tôi cũng ráng rướn mắt 120 phút để theo dõi trận đấu trong tình trạng... gật gù!
Xem TBN đá hiếm khi có cao trào, khiến người hâm mộ bất chợt hét lên sung sướng hay bật dậy vỗ tay khoan khoái. Cung bậc cảm xúc tự nhiên và sảng khoái đó, với tôi, được dành cho tuyển Đức với những màn trình diễn sôi động, bốc lửa đầy cuốn hút.
Thức khuya xem bóng đá mà mắt ráo hoảnh, mặt tỉnh bơ mới đã! Nó chứng tỏ chúng ta vừa được thưởng thức trận cầu nảy lửa, sôi động, hấp dẫn đến mức thấy tiếc vì trận đấu kết thúc quá nhanh! Với tôi, tuyển TBN không đem lại tâm trạng đó.
ĐÀO ĐỨC HÙNG (TP.HCM)
Euro đường phố
VCK Euro 2012 đang diễn ra, giới mộ điệu đổ dồn sự chú ý về những sân cỏ đẹp như mơ trên đất Ba Lan và Ukraine, nơi chứng kiến màn trình diễn đẳng cấp của các ngôi sao hàng đầu thế giới. Tranh thủ giờ nghỉ giữa hai hiệp đấu, tôi tản bộ dọc đường phố Sài Gòn, không khí Euro cũng nhộn nhịp chẳng kém Warsaw hay Kiev.
“Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ, ba ngàn một ổ”, không khó để bắt gặp tiếng rao đậm chất Sài thành, dù mới chỉ 2-3 giờ sáng. Cái hương thơm bình dị mà ban ngày hòa lẫn vào đủ thứ mùi trên phố, giờ đơn độc thơm phức một góc đường. Với dân Euro, bánh mì hay gói xôi là thức ăn “chống đói”, là nguồn năng lượng để cháy hết mình cùng trái bóng tròn. Với cô bán hàng, Euro là dịp kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống, cho bữa ăn có thêm miếng thịt, con tôm.
Bên vệ đường, hai anh lao công đang “ôm” chiếc radio cũ “nghe” bóng đá, ngồi giữa màn đêm mà như hòa vào bầu không khí cuồng nhiệt trên sân Olympic. Giọng anh bình luận viên xé tan bóng tối, mang Euro đến với những người hâm mộ không có điều kiện theo dõi trực tiếp trên truyền hình.
Quay lại quán cà phê với màn hình “bự chảng”, tôi thấy mình vẫn may mắn chán! Đứa bạn than thở: “Sáng mai tao thi mà giờ này còn ngồi đây xem bóng đá, lo quá mày ơi!”. Đứa khác tinh quái chen vào: “Có gì phải lo! Euro bốn năm mới đá một lần, không xem phí lắm. Còn thi cử là chuyện phù du, kỳ này không đậu thì... kỳ sau thi tiếp, đúng chưa?”. Nói xong, nó nhoẻn miệng cười khì. Ôi, tình yêu bóng đá mãnh liệt quá!
Trên đường về nhà sau trận đấu, gặp một cụ già đang tập dưỡng sinh. Ông chép miệng: “Banh với chả bóng, đêm nào cũng tụ tập hò hét, hết quách đi cho rồi”. Tôi cười thầm: “Vâng, cuối tuần này là bóng Tango ngừng lăn rồi ông ạ!”.
PHAN HỮU THỜI (Bình Định)
Nốt trầm trong bài ca chiến thắng
Trận bán kết được xem là derby bán đảo Iberia giữa hai đội Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã kết thúc. Đội Tây Ban Nha giành chiến thắng để góp mặt tại trận chung kết.
Dường như đó là sự sắp đặt của số mệnh với việc “con vua thì lại làm vua” dành cho đội Tây Ban Nha. Ngược lại Bồ Đào Nha vẫn phải mang phận “con sãi”, dù cho màn trình diễn của đội bóng này là rất ấn tượng trước lối chơi tiqui-taca của đội Tây Ban Nha.
Được đánh giá mạnh hơn đội Bồ Đào Nha nhưng những gì đội Tây Ban Nha đã trình diễn khiến cho người hâm mộ phải thất vọng. Thực tế cho thấy đội Tây Ban Nha chỉ mạnh hơn đối thủ ở khả năng cầm bóng. Họ không hề tạo được nhiều cơ hội trước đội Bồ Đào Nha. Chỉ có một sự khác biệt duy nhất, đó là Bruno Alves (Bồ Đào Nha) đá phạt đền hỏng khi bóng chạm xà ngang ra ngoài. Còn Fabregas (Tây Ban Nha) đá chạm cột nhưng bóng vào lưới.
Và việc đội Tây Ban Nha có mặt tại trận chung kết xem như đang bắt người hâm mộ phải lắng nghe một điệu nhạc không mấy cảm xúc ấy. Bởi người hâm mộ không muốn mình phải nghe đi nghe hoài giai điệu này. Khi những gì đội Tây Ban Nha trình diễn đến lúc này chẳng khác gì nốt trầm trong tiếng đàn ghita gảy lên từ bài ca chiến thắng của họ. Thứ âm nhạc đã vang lên với giai điệu trầm lắng nhưng không cảm xúc như chính lối chơi họ đã trình diễn với đội Bồ Đào Nha và ở những trận cầu đã qua. Nó giống như bộ mặt cũ của đội bóng này tại World Cup 2010 mà mọi người đã được chứng kiến.
Có lẽ sau khi trận bán kết giữa đội Đức và đội Ý kết thúc, người hâm mộ sẽ rất mong được “lắng nghe” một bản nhạc hùng hồn hoành tráng tại trận chung kết để đúng với sự kỳ vọng cho đội bóng này. Bởi không ai muốn nghe giai điệu trầm lắng nhưng không cảm xúc như thế này được tấu lên một lần nữa, nếu như đội bóng này có thể tiếp tục bài ca chiến thắng để vô địch.
NAM NGỌC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận