15/06/2015 05:00 GMT+7

Buồn hơn một trận thua

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Chắc chắn chơi thể thao nói chung, chứ không riêng gì bóng đá, đã thi đấu là phải hết mình, nên còn một trận tranh HCĐ với Indonesia thì cũng phải chơi cho đàng hoàng.

Nhưng nói gì thì nói, SEA Games 2015 vẫn cứ là một thất bại của bóng đá Việt. Ắt không ít quan chức quản lý bóng đá không chịu thế, vì vào bán kết được xem là hoàn thành chỉ tiêu đặt ra từ trước giải!

Chọn HLV không có chiến lược

Tuy nhiên, đánh giá sự thành bại không thể chỉ dựa vào chỉ tiêu, mà hãy dựa vào thực lực để nói. Và dựa vào thực lực, tại SEA Games 28 U-23 Việt Nam nếu có thua thì chỉ có trước người Thái.

Một anh bạn đồng nghiệp đã rất chí lý khi viết status trên Facebook của mình như thế này: 20 năm trước, chúng ta yếu hơn Myanmar nhưng đã thi đấu cảm tử để thắng 2-1 và vào chung kết. 20 năm sau, chúng ta mạnh hơn hẳn nhưng Myanmar đã chiến đấu cảm tử để thắng 2-1. Sau 20 năm, bóng đá nước ta tiến bộ từ thắng đến... thua Myanmar. Ghê thật!

Vâng, câu chuyện đáng bàn là bước tiến “ghê thật” đấy.

Tôi không muốn bàn về sự sai lầm trong trận thua Myanmar, vì suy cho cùng nó chỉ là phần ngọn. Ở đây tôi chỉ muốn bàn về cái gốc của vấn đề, đó là cách chọn HLV cho đội tuyển.

Đã mấy chục năm nay, VFF toàn chọn người theo kiểu may nhờ rủi chịu mà không có một chiến lược để dựa vào đó tìm người cho phù hợp. Xin ví dụ: ông Miura là người tỏ ra ưa thích sức mạnh khi ưu tiên mẫu cầu thủ vạm vỡ, khỏe mạnh (chúng ta vượt trội Myanmar về yếu tố này), không ngại va chạm (hay nói thẳng ra là sẵn sàng càn quét để đạt hiệu quả như trong trận gặp Thái Lan ở vòng loại World Cup)... Về lối chơi, ông thầy người Nhật do được đào tạo ở Đức nên thiên về lối chơi bóng dài (Đức trước đây, chứ bây giờ đã khác).

Tôi chẳng phải là chuyên gia bóng đá nên chẳng dám lạm bàn quan điểm của ông Miura đúng hay sai. Nhưng quan điểm và định hướng chiến lược của VFF là gì thì tôi không thấy. Khi thì VFF chọn HLV Brazil, Bồ Đào Nha vì bảo rằng tố chất người Việt không to lớn, lực lưỡng nên phải chọn lối chơi thiên về kỹ thuật. Khi thì chúng ta chọn HLV châu Âu và bảo rằng phải mạnh mẽ, hiện đại! Thật ra ta muốn gì?

Có lẽ VFF cũng chẳng biết mình muốn gì (ngoài chuyện muốn vô địch) khi nhiệm kỳ này nói một phách, nhiệm kỳ khác nói một phách. Chẳng hề có một chiến lược xuyên suốt hàng vài chục năm cho bóng đá Việt. Ở đây, lại cũng là tác hại của tư duy nhiệm kỳ.

Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, Hội đồng HLV quốc gia lại là con số không khi người đứng đầu là ông phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn chưa hề có một ngày đá bóng hay huấn luyện bóng đá. Vì vậy làm gì có chuyện thảo ra một bản vẽ kiến trúc cho ngôi nhà bóng đá Việt rồi sau đó đi tìm kiến trúc sư phù hợp. Tất cả chỉ là may nhờ rủi chịu... Tôi nghĩ đây là một chuyện đáng bàn sắp tới vì với quan điểm ưa sức mạnh của ông Miura, không khéo lứa cầu thủ của bầu Đức mà rất nhiều người yêu thích rồi đây sẽ bị xếp xó ở đội tuyển.

Thua cả phong cách

Chuyện thứ hai cần tiếp tục phải nói là hình ảnh xấu xí thể hiện qua phong cách nhiều tuyển thủ mà thời gian gần đây dư luận đã nói khá nhiều. Chẳng nói đâu xa, trong trận thua Myanmar, cú khuỳnh tay cản bóng của Ngọc Thắng là quá rõ, vậy mà cầu thủ này sấn sổ, hùng hổ gây với trọng tài như thể mình vô tội. Văn hóa truyền thống của người Việt không chấp nhận kiểu thể thao đại diện quốc gia mà như thế.

Sau trận bán kết đáng buồn của U-23 VN, chúng ta đã được xem một Thái Lan rất đàn anh, rất bản lĩnh, điềm đạm trong việc giải quyết Indonesia (thắng đến 5-0). Chúng ta cũng từng được xem người Thái bản lĩnh thế nào khi chơi chung kết ở những “chảo lửa” như Senayan (Indonesia năm 1997), Mỹ Đình (năm 2003). Tại sao chúng ta không được như người Thái?

Trả lời câu hỏi này, xin kể một câu chuyện từ ông anh làm ở Trường quốc tế Việt - Úc: Năm rồi, trong trường này có một học sinh người Thái Lan theo cha sang Việt Nam làm việc. Giữa năm, cậu này về Thái thi vào một học viện đào tạo cầu thủ trẻ. Cậu khoe mình đã được chọn về chuyên môn, nhưng học viện yêu cầu phải quay lại Việt Nam học cho xong lớp 10 với kết quả tốt, sau đó chuyển hồ sơ về học viện để tiếp tục học chữ cùng với học đá bóng. Bên cạnh đó, cậu cũng cho biết mỗi năm phải vào chùa ở mấy tháng hè để rèn luyện (câu chuyện vào chùa thì chính Kiatisak cũng từng kể).

Có lẽ nhờ vậy mà phần lớn cầu thủ Thái rất bản lĩnh, điềm đạm.

Tôi kể chuyện này không có ý đề xuất bóng đá mình làm y như thế. Nhưng rõ ràng chuyện chăm lo phần “xác” và phần “hồn” của bóng đá Thái thật đáng để chúng ta suy ngẫm.

Từ hình ảnh của bóng đá Thái Lan, mới thấy nỗi buồn về một trận thua chiều 13-6 chẳng là gì khi nhìn về tương lai.

"Tôi không quá buồn khi chứng kiến đội U-23 Việt Nam bị loại ở bán kết trước Myanmar. Nhưng tôi quá đau lòng khi chứng kiến lối chơi bóng thiếu fair-play của đội trong nhiều trận"

Bạn đọc Tuổi Trẻ bình luận

 

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên