18/09/2012 03:26 GMT+7

Buồn chút thôi...

NGUYỄN THỊ HẢI PHƯỢNG
NGUYỄN THỊ HẢI PHƯỢNG

TT - Lắc bên phải! Bên trái! Tay trái nhấn dây! Cười lên!... Quản lý lũ trẻ con thiệt là mệt đứt hơi, còn hơn là độc tấu mấy bài! Tụi nó đàn mà mình mệt mới lạ chứ!

Hội ngộ đàn tranh lần 3Nhạc hội đàn tranh: 2 câu chuyện, 1 nỗi buồn

Nk0wTPDT.jpgPhóng to

Các nghệ sĩ VN tại Hội ngộ đàn tranh lần 1-2010 - Ảnh: Nguyễn Á

Vậy mà cũng xong, tiết mục của bọn trẻ vậy là tương đối ổn. Giờ chỉ có chúi mũi vào tập, tập và tập cho lần hội ngộ đàn tranh tại TP.HCM lần thứ ba (diễn ra vào 19g30 ngày 21-9 tại hội trường A Cung văn hóa Lao động TP.HCM).

Tối 18-9, gia đình nghệ sĩ Nhật qua, Hồng Nga (Học viện Âm nhạc Huế) và Hồng Hạnh (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) cũng sẽ bay vào, CLB Tiếng hát quê hương và Trường Đài Bắc thì sẵn sàng rồi, dây đàn đã được khảy lên, bây giờ thì để nó tự ngân thôi.

Vì lý do không tìm được tài trợ mà cuối cùng “nhạc hội đàn tranh châu Á” chỉ còn lại “hội ngộ đàn tranh”. Từ nhạc hội đàn tranh năm 2008 với năm đoàn tham dự (VN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan) bây giờ chỉ còn lại VN và Nhật Bản. Cơ hội để được giao lưu, giới thiệu cây đàn tranh các nước đến với công chúng VN đã không được trọn vẹn, “nhạc hội” đành lỗi hẹn. Tuy vậy vẫn tự an ủi rằng có còn hơn không. Có được một cuộc hội ngộ cũng là có thêm một cơ hội (dù rằng nhỏ hơn) để hâm nóng tình yêu đàn dân tộc trong những người yêu nhạc, khuyến khích được sự ham mê tìm hiểu của giới trẻ. Âu đó cũng là một sự cố gắng rất lớn của tất cả nghệ sĩ và sự nỗ lực của ban tổ chức - Cung văn hóa Lao động TP.HCM. Giữ gìn bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập, bảo tồn và phát triển vốn quý cổ truyền..., những lời kêu gọi nghe thật là dễ, thật là khẩn thiết, nhưng đến khi làm thì... chỉ muốn thở dài.

Mà nói vậy thôi, buồn chút thôi chứ vẫn còn đó rất nhiều người nặng tình với âm nhạc dân tộc, với cây đàn tranh. Mấy hôm nay nhiều khán giả liên lạc để lấy vé cho hai đêm diễn tại Cung văn hóa Lao động và tại nhà GS.TS Trần Văn Khê. Nhiều người “thắc mắc” rất dễ thương: Tại sao lần trước bán vé mà lần này lại không bán? Có phải tại ban tổ chức giàu rồi nên không cần nữa? Thiệt là câu hỏi khó trả lời.

Lần trước, Hải Phượng và Vân Ánh quyết định làm một chương trình bán vé để góp một chút gì đó cho Nhạc hội đàn tranh châu Á. Còn lần này, theo lệ như những chương trình hội ngộ trước đây không bán nên bây giờ cũng không. Không bán vé bởi vì nếu mình bán vé, tức có thu tiền, thì dĩ nhiên phải trả thù lao cho nghệ sĩ. Mà tiền bán vé thì được bao nhiêu so với tiền vé máy bay mọi người tự đóng góp để qua đây góp mặt! Lỡ nghèo rồi thì đành... xài sang, cứ mở rộng cửa mời mọi người cùng đến.

Năm nay Trường THCS Phan Đình Phùng tiếp tục mở lớp đàn tranh ngoại khóa, có thêm 40 em mới đăng ký học. Đợt tuyển sinh khoa âm nhạc dân tộc tại Nhạc viện TP.HCM cũng tăng lượng học viên hơn những năm trước. Ai có thể nói không có một mối liên hệ nào giữa những cuộc hội ngộ đàn tranh, nhạc hội đàn tranh châu Á với sự âm thầm lặng lẽ đi lên của số lượng người học đàn dân tộc?

Tiếng đàn của các em nhỏ vang lên trong chiều mưa Sài Gòn. Những khuôn mặt trẻ thơ háo hức cho một buổi diễn lớn. Mai này, bao nhiêu em đang ngồi đây sẽ trở thành nghệ sĩ? Bao nhiêu em chỉ là người yêu đàn tranh và chơi đàn tranh như một sở thích của mình? Điều đó có quan trọng gì đâu. Tình yêu đất nước của một con người bắt nguồn từ việc yêu người thân, yêu tiếng nói, yêu những vật xung quanh mình. Bố mẹ các em, những người đang chăm chú dõi theo điệu nhạc, cũng tin rằng các con mình hôm nay sẽ nuôi dưỡng tình yêu quê hương xứ sở qua đôi tay bé nhỏ đang dệt nên hai tiếng đàn tranh.

NGUYỄN THỊ HẢI PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên