25/09/2006 06:30 GMT+7

Buồn cho những "chung cư" văn chương

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

TT - Với 16 năm trong nghề, thầy giáo Nguyễn Đức Thạch (Trường THPT Chu Văn An, Ninh Thuận) bộc bạch những trăn trở với cách thức giảng dạy “đúc khuôn” ra những “căn hộ chung cư” trong sự nghiệp trồng người.

7lsuXSTO.jpgPhóng to
Thầy Nguyễn Đức Thạch trong “Vườn đại học” ở nhà mình - Ảnh: Lê Trường

- Tiết học đầu tiên trong năm học này, tôi hỏi học sinh: “Các em có bao giờ nghe đến tên người này: Đỗ Việt Khoa?” và thất vọng khi toàn bộ học sinh khối 10 không em nào biết đó là thầy giáo đã tạo nên sự kiện lớn cho ngành giáo dục trong năm nay, đưa đến một cuộc vận động lớn: Nói không với tiêu cực trong thi cử. Tôi không thích học sinh mình bàng quan với ngay chính câu chuyện học hành của chúng... Đáng buồn là nhiều sự kiện lớn liên quan tới giới trẻ, trường học... thường thì học sinh không biết bởi nhiều khi do chính sự bàng quan của người lớn. Trong lớp dạy thêm của mình, tôi cho học sinh đi photocopy các bài báo “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi hai mươi”, “Cuộc vận động xin chữ ký cho nạn nhân chất độc da cam”... rồi bảo các em hãy đọc và có thể làm được điều gì không. Sau đó, tôi thấy học sinh tự động mở những chiến dịch đi quyên góp, vận động chữ ký trên trang web ký tên ủng hộ nạn nhân chất độc da cam...

Tôi hay bắt đầu một giờ văn bằng những câu chuyện bên ngoài xã hội để dẫn vào chứ không phải bắt đầu bằng câu văn cực đẹp “Ngoài vườn hoa nở trắng xóa”. Đẹp nhưng vô thưởng vô phạt, không mang một tí hơi thở cuộc sống nào... trong sách vở của mình.

* Có lần trên báo thầy đã bộc bạch đầy trăn trở: “Có những điều tôi dạy một cách khác, nhưng khi học sinh đi thi đừng có dại dột bảo HS làm theo những điều thầy dạy”. Có vẻ như một “bi kịch” của người dạy văn chương?

- Nói bi kịch thì hơi quá nhưng trăn trở thì nhiều. Tôi và đồng nghiệp nhiều khi lâm vào thế phải dạy theo, nói theo... những gì người ta nói trước. Đơn cử thế này, trong bài Đây mùa thu tới có một quyển sách hướng dẫn bảo rằng “Đó là tiếng reo vui”, tôi thì cho rằng không phải tiếng reo vui. Tiếc là sách hướng dẫn in ra với ý kiến của một giáo sư nổi tiếng, sau đó mọi người đưa ba rem tiếng reo vui vào đáp án đề thi đại học. Tôi cứ một mình phân tích theo kiểu của mình và nói với học sinh rằng thầy dạy vậy, nhưng khi thi các em cứ “reo vui” cho chắc ăn (!). Mãi đến năm 1997, có một bài viết trên báo Văn Nghệ, tác giả Đỗ Minh Tuấn bảo đó không phải là tiếng reo vui. Tôi thấy sướng vì mình có đồng minh và những quyển sách hướng dẫn của vị giáo sư kia sau đó cũng mất đi “tiếng reo vui”, nhưng theo quán tính, cho tới giờ đáp án đề thi này vẫn phải là “tiếng reo vui” đầy trớ trêu như vậy.

Thầy giáo Nguyễn Đức Thạch (sinh năm 1966) là giáo viên môn văn đầu tiên ở Ninh Thuận mở những lớp dạy thêm văn cho học trò từ những năm 1994 bởi một sự tự ái: “Vì các môn khác có thể dạy thêm hết, trừ môn văn. Tại sao giáo viên dạy văn không thể dạy thêm môn văn và tạo cho học trò mình một đẳng cấp khác khi học môn văn chương chứ?”. Thầy Thạch có một khu vườn đặc biệt trên sân thượng nhà mình mang tên “Vườn đại học” với gần 100 cây cảnh do học trò thi đỗ mang đến góp vào. Một học trò lập ra trang web Thạch gia trang (www.thachgiatrang.com) làm nơi hội tụ và giúp đỡ lẫn nhau của những học sinh Ninh Thuận. Lớp trước vào đại học phải có trách nhiệm giúp lứa đi sau.

Tôi từng có những bài học “thương đau” khi dạy học trò làm theo những cách thức không khuôn mẫu và kết quả là khá thảm hại... Ví dụ tôi chán ghét phần mở đầu của một bài văn nói về một tác giả đó sinh năm nào, quê quán ở đâu... và luôn dạy học sinh không được làm thế, nhưng khi đi thi chúng bị mất điểm ngay từ phần mở đề như vậy... Người ta làm ra văn mẫu và dựng thành những ba rem điểm số để tất cả học sinh rủ nhau chui vào “rọ”. Đó là một câu chuyện có thật.

Năm 2001, một học trò của tôi đạt 9,5 điểm văn vào Trường KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), tôi nói với em: thầy vừa chia vui với em vừa chia buồn với đời. Em hỏi tại sao thầy nói vậy, tôi nói: Chia vui vì em được điểm cao, chia buồn với đời bởi bài văn của em hơn được những bài văn khác vì một giọng điệu riêng mà may mắn gặp giám khảo là người đồng cảm. Trong khi tất cả các bài văn khác đang xếp hàng giống nhau như những căn hộ chung cư thì học trò tôi lẻ loi nổi lên như một kẻ lãng tử ngang tàng một tí, không giống học sinh.

Đề văn năm đó có hai câu: Bình giảng 10 câu đầu trong bài thơ Bên kia sông Đuống và phân tích cái đẹp của nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù. Đó là một bài thi văn với giọng điệu “thẩm bình” của một tài tử chỉ xoáy vào những điều tâm đắc nhất mà em cảm thấy, chứ không phải một bài văn mẫu bình thường. Tôi cảm thấy hài lòng vì điều đó và dĩ nhiên buồn vì cuộc đời này không có nhiều em học sinh có giọng điệu riêng như thế - bởi chúng ta, cả xã hội, đang tìm cách “đóng khung” những sản phẩm giáo dục của mình. Văn chương của học sinh không có một tí cá tính nào.

* Nghĩa là nhiều trường hiện nay đang đeo đuổi những giá trị quá thực dụng?

- Đúng là nhiều nơi hiện nay học để thi và đạt kết quả điểm thi cao nhất chứ không phải học để đáp ứng nhu cầu xã hội. Sự sáng tạo sẽ được gieo mầm từ trong trường học. Nhưng chúng ta lại đi “công thức hóa” mọi việc dạy và học. Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại ngày xưa đưa ra triết lý giáo dục của mình: “Đến trường là một niềm vui!”, tôi thì nghĩ rằng: “Đến trường là một niềm vui” khi và chỉ khi ta khai phá được năng lượng sáng tạo trong học sinh của mình.

* Có một câu chuyện về đề thi vỏn vẹn có một câu: “Cuộc sống có điều kỳ diệu” (trong một cuộc thi vào lớp 10 ở Ninh Thuận) mà báo chí gọi là “cuộc sống có điều kỳ diệu chấm hết”. Thầy có cho rằng đó là một sự thể nghiệm sáng tạo?

- Đó là đề thi do chính thạc sĩ Nguyễn Hồng Liêu, phó giám đốc Sở GD-ĐT, trong một cố gắng thể nghiệm cái mới để phát hiện sự sáng tạo của học sinh nhưng chưa kịp gặt hái gì đã thấy dư luận phản ứng. Người ta nói đề thi đánh đố học sinh, rằng học sinh làm bài không được và bị rớt vì đề thi này; nhưng không phải, đó là một dạng đề nghị luận mang tính mặc định mà học sinh đã học từ lớp 9. Nghiễm nhiên khi đọc một đề thi như thế, học sinh phải biết đó là dạng văn nghị luận và có thể thoải mái trình bày sự sáng tạo của mình. Sở đã ra hai đề để học sinh lựa chọn và mỗi đề có hai câu rõ ràng. Nhưng sự phản ứng của xã hội ngay lập tức chỉ chĩa mũi dùi vào đề thi lạ. Tôi cho đó là một quán tính mang sức ỳ của tâm lý xã hội “quen với cách làm cũ và dị ứng khi thấy cái lạ xuất hiện”. Tôi nhớ tới câu chuyện vợ chồng chú chuột bạch: nhốt trong lồng quen, đến một ngày người chủ quên đóng cửa lồng, mừng quá, chạy ra đến cửa thì lại giật mình nghĩ lại và tiếc nuối chốn lồng son - câu chuyện sáng tạo trong việc dạy và học văn này cũng vậy.

* Ý thầy nói tức là chúng ta đang tự mâu thuẫn. Bảo rằng tại sao không sáng tạo, sáng tạo đi rồi sau đó người ta lại sợ hãi?

- Đúng, có cái nhìn cởi mở hơn, tập làm quen với cái mới nhiều hơn, người ta sẽ thoáng hơn. Dạy văn chương là nói chuyện học làm người, hướng con người về tính nhân bản hơn nhưng chúng ta lại nhiều khi để những cái vụn vặt chi phối.

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên