Báo cáo tổng hợp số liệu từ các khảo sát được tiến hành tại sáu thành phố dọc Việt Nam vào năm 2012 và 2016.
Bản báo cáo của TRAFIFC chỉ ra rằng tại Việt Nam, hoạt động buôn bán trái phép gấu còn sống cũng như các bộ phận và dẫn xuất của chúng vẫn diễn ra mạnh mẽ và chỉ sụt giảm đôi chút sau lệnh cấm buôn bán các sản phẩm này đã được ban hành từ năm 2006.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, kể từ năm 2006, săn bắt, vận chuyển, tàng trữ, quảng cáo, mua bán, sử dụng gấu, các bộ phận và dẫn xuất của chúng là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của TRAFFIC, 40% trong số 70 hiệu thuốc y học cổ truyền được khảo sát tại sáu thành phố dọc Việt Nam vào năm 2016 có bán mật gấu.
Tỉ lệ này đã giảm nhẹ so với 56% hiệu thuốc y học cổ truyền có bán mật gấu theo khảo sát năm 2012. Sản phẩm được bán nhiều nhất là mật gấu tươi, đa số được quảng cáo có nguồn gốc từ các trang trại gấu trong nước.
Cuộc khảo sát năm 2016 ghi nhận có nhiều người bán lẻ hơn biết rằng buôn bán mật gấu là vi phạm pháp luật. Theo nhận định của các tác giả báo cáo, có thể điều này đang khiến hoạt động buôn bán mật gấu trở nên kín đáo.
Sản phẩm có giá cao nhất là túi mật gấu. Các hiệu thuốc y học cổ truyền đều quảng cáo túi mật gấu có nguồn gốc từ gấu trong tự nhiên ở Việt Nam, Lào, Nga và Thái Lan. Người tiêu dùng được cho là sẵn sàng trả nhiều tiền hơn, thậm chí gấp đôi giá, cho các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc vừa mới được khai thác.
Bà Lalita Gomez, cán bộ dự án của TRAFFIC và cũng là một tác giả của báo cáo, cho biết: “Theo nghiên cứu của chúng tôi, có khả năng hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật không sinh lời và đang giảm sút tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc buôn bán các sản phẩm từ gấu trong tự nhiên rất đáng lo ngại và là mối đe dọa tiếp diễn tới các quần thể gấu tại châu Á”.
Các tác giả báo cáo đề xuất việc áp dụng một lộ trình chống buôn bán trái phép gấu và đóng cửa tất cả trang trại gấu tại Việt Nam để phòng tránh gấu bị tráo đổi từ tự nhiên vào các trang trại.
TRAFFIC là liên minh chiến lược giữa WWF và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Hoạt động của TRAFFIC tập trung vào các lĩnh vực chính bao gồm việc triển khai và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và các luật pháp liên quan. Mạng lưới TRAFFIC (https://www.facebook.com/trafficnetwork) bao gồm tám văn phòng khu vực hoạt động trên khắp thế giới, được điều phối bởi trụ sở chính đặt tại thành phố Cambridge, Vương quốc Anh. TRAFFIC Đông Nam Á - chương trình tiểu vùng Mekong mở rộng (TSEA-GMP) hoạt động tại Việt Nam theo giấy phép do Chính phủ Việt Nam cấp từ năm 2000. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận