Nhân viên Sacombank tư vấn các chương trình khuyến mãi và lãi suất cho khách hàng - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đây là sự nhìn nhận nghiêm túc của Moody’s với những nỗ lực cải thiện chất lượng tài sản, xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng theo lộ trình chiến lược tái cơ cấu của Sacombank.
Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm của Sacombank
Theo Moody’s, kể từ sau giai đoạn sáp nhập, cấu trúc sở hữu và quản trị ngân hàng của Sacombank đã có những cải thiện vượt bậc và trở nên minh bạch hơn trước.
Dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng những thách thức của môi trường kinh tế - xã hội trong năm 2020 đã không làm chậm tiến độ thực hiện chiến lược tái cơ cấu và phát triển kinh doanh của Sacombank. Hầu hết các mục tiêu tiến độ của "Đề án tái cơ cấu" đã được Sacombank hoàn thành trọn vẹn.
Tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng này tính đến ngày 31-12-2020 đạt gần 493.000 tỉ đồng, tăng gần 10%, trong đó tài sản có sinh lời tăng 13%. Tổng huy động đạt hơn 447.000 tỉ đồng, với huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 439.000 tỉ đồng. Cơ cấu danh mục huy động ngày càng đa dạng với kỳ hạn bình quân dài hơn so với các năm trước.
Khả năng thanh khoản và huy động vốn của Sacombank, theo Moody’s, vẫn luôn là điểm mạnh nhờ mạng lưới kinh doanh rộng khắp và nền tảng khách hàng cá nhân bền vững.
Bên cạnh đó, ngân hàng ít phụ thuộc vào nguồn vốn nhạy cảm với biến động thị trường như nhận/gửi tiền liên ngân hàng - chỉ chiếm khoảng 3% tổng tài sản và là mức thấp nhất trong các ngân hàng Việt Nam được Moody’s xếp hạng.
Do đó, điểm số thanh khoản của Sacombank luôn đạt mức B3, ổn định từ năm 2017 đến nay. Trên thực tế, trạng thái thanh khoản năm 2020 của ngân hàng này tăng hơn 80% so với năm 2019. Các tỉ lệ an toàn luôn đảm bảo tuân thủ quy định giới hạn mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Trong báo cáo cập nhật lần này, Moody’s đã xác nhận vấn đề quản trị ngân hàng và cơ cấu cổ đông có những tiến triển tích cực.
Điều này xuất phát từ việc Sacombank triển khai cơ chế quản trị điều hành ngân hàng theo hướng quản lý tập trung - điều hành phân cấp; đảm bảo sự công khai, minh bạch, thượng tôn pháp luật trong mọi hoạt động với nguyên tắc hành động bảo vệ, gia tăng lợi ích hợp pháp cho cổ đông, ngân hàng và khách hàng ở cấp độ cao nhất trong suốt những năm qua.
Khả năng hoàn trả nợ vay được Moody’s nhìn nhận là cực kỳ thách thức cho Sacombank, khi khối lượng tài sản có vấn đề lớn và tỉ lệ tổng tài sản có vấn đề so với dự phòng tín dụng và vốn chủ sở hữu hữu hình ở mức rất cao vào thời điểm sau sáp nhập.
Moody’s cũng lưu ý rằng các mức xếp hạng tín nhiệm của Sacombank có thể gia tăng trong tương lai một khi ngân hàng cải thiện đáng kể khả năng hoàn trả nợ vay thông qua thanh lý tài sản có vấn đề nhận về tiền mặt, tăng trích lập dự phòng và được Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng vốn.
Những kết quả đạt được cùng với sự đánh giá tích cực của Moody’s cho thấy Sacombank đã thực sự chuyển mình cả về nội lực cũng như năng lực tài chính sau thời gian tập trung tái cơ cấu.
Giá cổ phiếu STB tăng thẳng tiến
Giá cổ phiếu Sacombank tạo sóng
Trước khi thông tin Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm của Sacombank được công bố, giá cổ phiếu của Sacombank (STB) đã có chuỗi tăng ấn tượng trong 7 phiên liên tiếp, trong đó có một phiên tăng trần.
Từ mức giá đóng cửa ngày 24-3 là 18.400 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu STB đã thẳng tiến lên mức 22.600 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên giao dịch 2-4, tương đương mức tăng 22,5%.
Đặc biệt trong phiên 30-3, thanh khoản cổ phiếu STB đạt kỷ lục từ khi lên sàn với khối khớp lệnh kỷ lục gần 100 triệu đơn vị, giá trị giao dịch hơn 1.997 tỉ đồng. Trong phiên 31-3 và 2-4, giá trị giao dịch của cổ phiếu STB tiếp tục đạt trên 1.200 tỉ đồng với hơn 56 triệu cổ phiếu được trao tay mỗi phiên.
Dự báo sóng của cổ phiếu STB chưa dừng lại khi mới đây Sacombank hé lộ kế hoạch dự kiến sử dụng toàn bộ phần lợi nhuận lũy kế gần 6.496 tỉ đồng để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ, nhằm đáp ứng kỳ vọng của cổ đông và đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Sacombank cũng vừa công bố tài liệu họp thường niên 2021, trong đó HĐQT Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 4.000 tỉ đồng, tăng 20% so với năm trước. Tổng tài sản đến cuối năm ở mức 533.300 tỉ đồng, cao hơn 8% so với 2020. Dư nợ tín dụng tăng 9% lên 372.000 tỉ đồng và vốn huy động tăng 9% lên 485.500 tỉ đồng. Ngoài ra, ngân hàng sẽ kiểm soát tỉ lệ nợ xấu dưới 2%.
Năm 2020, Sacombank đã cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí hơn 8.300 tỉ đồng theo thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước và triển khai 44.500 tỉ đồng các gói tín dụng ưu đãi dành cho cá nhân và doanh nghiệp, miễn phí dịch vụ online cho khách hàng xuất nhập khẩu. Quy mô vượt 7 triệu khách hàng.
Ngân hàng ghi nhận tài sản có khác ở mức 37.355 tỉ đồng, giảm 13% so với đầu năm 2020. Trong đó, khoản phải thu giảm 4% còn 21.277 tỉ đồng và lãi phí phải thu gần 17.500 tỉ đồng, giảm 10%. Dự phòng rủi ro cho các tài sản có nội bảng khác hơn 3.083 tỉ đồng. ROA và ROE bình quân lần lượt đạt 0,57% và 9,63%.
Sacombank dự kiến tiếp tục đầu tư công nghệ mạng lưới, máy móc trong năm 2021 hơn 1.600 tỉ đồng và bổ sung vốn cho ngân hàng con tại Lào thêm 302 tỉ đồng.
Xử lý được 15.200 tỉ đồng nợ xấu trong năm 2020
Doanh số thu hồi và xử lý nợ xấu của Sacombank trong năm qua đạt hơn 15.200 tỉ đồng. Trong đó, đã thu hồi 8.200 tỉ đồng các khoản thuộc Đề án tái cơ cấu Sacombank sau khi sáp nhập thêm Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).
Lũy kế từ khi triển khai đề án, mức thu hồi đạt 46.457 tỉ đồng, đạt 52% kế hoạch tổng thể đề án đến 2025, vượt 4,2% tiến độ. Tài sản tồn đọng thuộc đề án giảm 48,2% so với cuối năm 2016, chiếm 9,8% tổng tài sản, góp phần tăng tỉ trọng tài sản có sinh lời từ 67,9% lên 85,2%.
Tính từ năm 2017 đến nay, Sacombank đã xử lý gần 47.000 tỉ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc đề án tái cấu trúc, đưa tỉ lệ tài sản tồn đọng giảm xuống dưới 9% trong tổng tài sản.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên 2020, chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh đã dự báo với tốc độ xử lý nợ xấu như hiện nay khả năng Sacombank sẽ hoàn thành tái cơ cấu trong khoảng thời gian từ 2022 - 2023 thay vì đến 2025 như đề án.
"Khi đó, chắc chắn Sacombank sẽ mạnh hơn bây giờ nhiều lần", ông Dương Công Minh nói tại đại hội cổ đông thường niên 2020.
Lợi nhuận Sacombank tăng 4%
Năm 2020, Sacombank lãi trước thuế 3.339 tỉ đồng, tăng 4% so với năm 2019, vượt 30% so với kế hoạch. Tín dụng tăng 15% lên 340.572 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu giảm từ 1,94% xuống 1,64%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận