10/07/2004 06:10 GMT+7

Bùng phát gameshow: Giải trí, thoải mái nhưng...

H.L. - H.O.
H.L. - H.O.

TT - Thời đại gameshow (trò chơi trên truyền hình) đã đến. Trên hai kênh truyền hình mạnh nhất là VTV và HTV, trừ ngày thứ hai, còn lại các ngày khác đều có ít nhất một gameshow phát sóng.

Q9LNOVPn.jpgPhóng to
Chung sức
TT - Thời đại gameshow (trò chơi trên truyền hình) đã đến. Trên hai kênh truyền hình mạnh nhất là VTV và HTV, trừ ngày thứ hai, còn lại các ngày khác đều có ít nhất một gameshow phát sóng.

Thứ ba: Chung sức, thứ tư: Trúc xanh, Nốt nhạc vui, thứ năm:Hành trình văn hóa, Trò chơi âm nhạc. Thứ bảy, chủ nhật thì càng nhiều: nào là Nhịp sống sôi động, Vui để học, Rồng vàng, Hãy chọn giá đúng, Đường lên đỉnh Olympia, Vườn cổ tích, Ở nhà chủ nhật, Nữ sinh tương lai, Chiếc nón kỳ diệu... Đó là chưa kể Vui cùng Hugo phát sóng đến bốn buổi/tuần. Sự gia tăng này là điều đáng mừng, tuy nhiên cũng có nhiều điều cần phải bàn...

Tính từ gameshow đầu tiên xuất hiện ở VN đến nay, loại hình này đã có tuổi đời là tám năm. Một chặng hành trình đủ để trông lại và nhìn tới.

Ưu tiên giờ vàng

UIviz0MF.jpgPhóng to
Rồng vàng
Đài truyền hình đầu tiên đi tiên phong trong sự phát triển gameshow là VTV. Năm 1996, nơi này cho ra đời chương trình SV’96 dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học trong cả nước.

Cho đến nay, VTV cũng là đài đang thực hiện nhiều gameshow nhất. Có thể kể các chương trình như Vườn cổ tích, Chiếc nón kỳ diệu, Đường lên đỉnh Olympia, Trò chơi âm nhạc, Trò chơi điện ảnh, Hành trình văn hóa, Đường đến vinh quang, Nữ sinh tương lai, Hãy chọn giá đúng. Sắp tới đây sẽ là Sóng nước phương Nam...

Đài truyền hình TP.HCM (HTV) tuy cho ra gameshow muộn màng hơn nhưng cũng đã bắt đầu tạo dựng được những cái tên thu hút khán giả như Vui để học, Rồng vàng, Trúc xanh, Chung sức, Nốt nhạc vui, Nhịp sống sôi động...

Thí sinh tăng đột biến

Rút kinh nghiệm trong các lần đăng ký trước, HTV đã quyết định dời địa điểm đăng ký Rồng vàng từ địa điểm đài truyền hình đến sân vận động Hoa Lư trong ba ngày 11, 12, 13-6 vừa qua để tránh hiện tượng quá tải.

Tuy nhiên, ngay cả sân vận động này cũng trở nên quá chật hẹp. Có đến 5.000 thí sinh đến đăng ký tham gia, so với lần tuyển tháng ba là 3.000 thí sinh. Không phải ai cũng dễ dàng tham dự gameshow này vì họ phải trải qua phần trả lời 20 câu hỏi trắc nghiệm.

Theo ban tổ chức, trong số 1.000 bài thi đã chấm thì chỉ có 30 thí sinh đạt yêu cầu mà thôi. Những người thắng cuộc sẽ bốc thăm để biết mình tham gia chương trình nào. Trước đây thì những người chưa thi sẽ lần lượt được tham gia, nhưng nay vì số lượng quá đông nên thí sinh nào được chọn lên ngồi ở dãy máy mà chưa có cơ hội đối diện trực tiếp với người dẫn chương trình thì cũng sẽ bị loại.

Tương tự, Trúc xanh từ đầu năm đến nay đã tuyển hai đợt: đợt 1 từ 13 đến 14-3 có 2.060 thí sinh đăng ký; đợt 2 từ ngày 22 đến 23-5 có 1.500 thí sinh. Câu hỏi trắc nghiệm chia làm hai phần: điền vào ô trống và đưa ra chủ đề để thí sinh thể hiện sự hiểu biết của mình.

Vui để học phải làm trắc nghiệm 20 câu hỏi. Mỗi đợt tuyển có khoảng 2.000 người đăng ký. Trong lần tuyển cuối vừa diễn ra vào những ngày đầu tháng năm, có đến trên 3.000 thí sinh đăng ký.

Đăng ký tham dự Chung sức có phần dễ dàng hơn. Ban tổ chức chỉ kiểm tra về ngoại hình, khả năng ứng xử của thành viên mỗi đội. Khi mới khởi đầu vào tháng 3-2003, dành cho đối tượng là cán bộ nhân viên, sinh viên, giới văn nghệ sĩ, Chung sức nhận được khoảng 300 hồ sơ đăng ký. Lần đăng ký sau, con số tăng đột biến 700 đội. Như vậy, nếu mỗi năm sử dụng 104 đội thì số lượng đăng ký này đủ dùng trong... sáu năm.

Mang nhiều tính chất may rủi nhất là gameshow Vui cùng Hugo khi thí sinh chỉ việc đăng ký bằng điện thoại và ước đoán có bao nhiêu thí sinh đăng ký. Đến nay mỗi chương trình đã có đến khoảng 3.000 cuộc gọi...

Đặc biệt, HTV đã thực hiện một số gameshow mang phong cách riêng như Thử tài người hâm mộ, có thời gian phát sóng chỉ 5 phút, tuổi thọ ngắn nhất vì chỉ chơi trong thời gian diễn ra Euro 2004. Còn Vui cùng Hugo là gameshow đầu tiên theo công nghệ tương tác được truyền hình trực tiếp và không có sự xuất hiện thí sinh nào.

Ngoài ra, không thể không kể đến gameshow của một số đài truyền hình tỉnh như Vượt qua thử thách, Đồng hành cùng BTV của Đài phát thanh - truyền hình Bình Dương (BTV). Đài phát thanh - truyền hình Đồng Nai (ĐNRTV) thì có Sau giờ tan ca, Cùng xây mái ấm... Các gameshow này còn nhiều hạn chế nhưng đã góp phần vào sự phong phú, đa dạng.

Dường như khi một gameshow nào ra đời đều thu hút số lượng lớn khán giả theo dõi, mà có khán giả là có quảng cáo nhiều, nên hầu hết các nhà đài đều ưu tiên số 1 cho các gameshow. Các gameshow đều được đặc cách phát sóng vào giờ vàng. Vì thế một số chương trình khác, như chương trình thu qua vệ tinh, sân khấu... bị cắt ngắn, xóa tên, hoặc đẩy vào những giờ phát sóng không hấp dẫn.

Có nên chỉ là giải trí đơn thuần?

Một trong những yếu tố hấp dẫn của gameshow chính là những phần thưởng giá trị. Người chơi dĩ nhiên là mong muốn thắng cuộc, người xem cũng hồi hộp không kém gì thí sinh. Những tiếng chặc lưỡi tiếc rẻ, những tiếng cười thích thú khi có câu trả lời thú vị, và cả niềm vui sướng khi có người đoạt giải cao luôn là tâm trạng chung của khán giả.

Nắm bắt được tâm lý này, về sau dường như các gameshow đều được chỉnh sửa để có phần thưởng khá cao. Như ở vòng đặc biệt, nếu không có người đoạt giải, số tiền thưởng Vui để học được cộng dồn lên, Chiếc nón kỳ diệu thì số tiền thưởng nhân lên theo số lượng của từ đoán trúng.

Các gameshow cũ đã vậy, còn gameshow mới thì yếu tố này được lên hàng đầu. Như người đoạt giải nhất trong cuộc thi Nốt nhạc vui, đã nhận được phần thưởng lại vẫn có cơ hội nhận tiếp khi được tham gia những cuộc thi sau. Hãy chọn giá đúng trả lời đúng câu hỏi thì số tiền thêm vào số “0” hàng đơn vị. Thắng vòng đặc biệt của Chung sức, tiền thưởng lên đến 10 triệu đồng. Rồng vàng số tiền thưởng tăng dần theo từng câu hỏi...

Trước đây, hầu hết gameshow đều đề cập ít nhiều đến kiến thức, văn hóa. Thí sinh tham dự các trò chơi đều phải trang bị cho mình những kiến thức nhất định mới có thể đứng trước ống kính.

Đó là những kiến thức tổng quát (Vui để học, Đường lên đỉnh Olympia, Rồng vàng), về âm nhạc (Trò chơi âm nhạc, Nốt nhạc vui), ca dao, dân ca (Trúc xanh), đời sống gia đình (Ở nhà chủ nhật), điện ảnh (Trò chơi điện ảnh)... Các em thiếu nhi thì phải am hiểu các câu chuyện cổ tích mới có thể tự tin tham gia vào Vườn cổ tích... Vì thế, theo ý kiến của nhiều khán giả, những phần thưởng này rất xứng đáng cho các thí sinh.

Nhưng hiện nay dường như các nhà đài đang hướng đến những gameshow chỉ đơn thuần là giải trí. Người chơi chỉ cần lanh lợi một chút, suy nghĩ một chút là có thể đoán ra được đáp án, lĩnh thưởng ngon lành.

Hãy chọn giá đúng chỉ là việc đoán giá một mặt hàng, có gợi ý trước. Vui cùng Hugo là một trò chơi điện tử đơn thuần. Câu hỏi Chung sức khá dễ dàng. Còn Nhịp sống sôi động thì trò chơi đơn điệu, không ấn tượng ngoài việc các cô người mẫu mặc váy ngắn cầm túm dù nhảy qua nhảy lại hay các chàng trai khoe thân hình cường tráng...

Một trong những trò chơi đang nổi trội là Chung sức vẫn bị không ít lời phàn nàn. Trong lá thư gửi đến Tuổi Trẻ, chị Cẩm Hường - nhân viên Công ty Dược quận 3 - cho biết chị đã bị sốc vì đáp án cho câu hỏi “bậc làm cha mẹ thường nhắc nhở con mình điều gì?”, thí sinh trả lời là “lễ phép”, bị xem là không đúng.

Nguyên nhân của sự việc này là do đáp án lấy cơ sở từ 100 người trả lời trắc nghiệm, nên có thể “lễ phép” không nằm trong câu trả lời đa số của 100 người này. Điều này tạo nên yếu tố bất ngờ thú vị, nhưng không phải đáp án nào cũng chính xác, hợp tình hợp lý nên dễ gây bất bình cho khán giả. Vì thế trước khi sử dụng rất cần phải có người biên tập để đánh giá lại những câu trả lời đó có phù hợp với những chuẩn mực giá trị cần hướng đến hay không...

Mở rộng ra hơn, với sự phát triển rầm rộ các gameshow truyền hình như hiện nay thì các nhà đài cũng cần lựa chọn những gameshow nào vừa mang tính giải trí lại đậm chất giáo dục là hiệu quả nhất. Khán giả xem truyền hình vừa được những giây phút giải trí thoải mái lại học hỏi được một điều gì đó có ích thì thật thú vị biết chừng nào!

Ý kiến người xem và người chơi

Phung phí tiền quá?

9rhVu1SY.jpgPhóng to
Vui để học
Tôi nghĩ ban tổ chức nên cân nhắc thận trọng trước những đáp án. Tôi thường xuyên xem các gameshow trên truyền hình, nói chung là nhiều trò chơi vui, hấp dẫn, dí dỏm như Nốt nhạc vui chẳng hạn. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng dạo này có nhiều trò chơi thấy phung phí tiền quá, không trí tuệ gì hết. Theo tôi, các nhà đài nên đi vào những loại hình trò chơi mở rộng kiến thức cho người xem.

Chơi vì tò mò

Tôi tham gia Chung sức vì được bạn bè rủ rê, vì tò mò trước một gameshow mới, và vì một lý do nữa là giải thưởng chương trình rất hấp dẫn, chỉ cần tham gia thì dù thắng hay thua cũng được tiền. Chung sức theo tôi là một gameshow lạ, độc đáo khi đưa ra những câu hỏi tưởng chừng rất ngây ngô, nhưng qua đó lại chính là thước đo khả năng nhạy bén của người chơi trước những điều rất bình thường trong cuộc sống hằng ngày.

"Bạn đã may mắn"?!

Xem các chương trình đố vui trong thời gian qua, tôi để ý thấy các MC lạm dụng từ "may mắn" quá nhiều. Ví dụ trong Nốt nhạc vui Thanh Bạch thường nói: "Bạn rất may mắn vượt qua ba phần thi". Còn Thu Hương trong Vui để học: “Bạn A đã chiến thắng trong vòng hai, bây giờ đến lượt bạn B. Tôi xin chúc bạn cũng may mắn như vậy”...

Theo tôi, ai dự thi chương trình nào cũng phải có kiến thức và sự hiểu biết về lĩnh vực đó, thậm chí họ phải vượt qua vòng sơ tuyển trước khi xuất hiện trên màn hình. Vậy thì MC có nên cứ phán rằng: "Bạn đã may mắn!"?

H.L. - H.O.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên