20/04/2020 13:16 GMT+7

Bùng nổ robot chống dịch COVID-19

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Hạn chế tiếp xúc xã hội là một trong những yêu cầu hàng đầu mùa dịch COVID-19. Chính vì thế, hàng loạt sáng kiến công nghệ và robot mới đã ra đời, thay thế những cái chạm mặt giữa người với người, đặc biệt trong lĩnh vực y tế.

Bùng nổ robot chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Robot vận chuyển đồ đạc tại Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: THANH TỊNH

Từ Bắc vào Nam, từ Việt Nam đến quốc tế, nghiên cứu robot bùng nổ như trăm hoa đua nở.

Từ ôtô đồ chơi

Ngay khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, ThS Huỳnh Phúc Minh - trưởng đơn vị dịch vụ buồng bệnh, Bệnh viện Trung ương Huế - đã trăn trở nghĩ cách phòng chống trong bệnh viện nếu chẳng may diễn biến phức tạp. Ông Minh kể nhiều đêm thức đến 2h sáng mới nghĩ ra ý tưởng thiết kế robot.

Khi được GS.TS Phạm Như Hiệp - giám đốc bệnh viện - đồng tình, ông Minh mua ngay chiếc xe ôtô trẻ em điều khiển từ xa để nghiên cứu. Trên khung mẫu, ông cùng nhiều bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế bắt tay gắn lại toàn bộ mạch điện, môtơ, camera 3600, cảm biến, đồng thời nâng trọng lượng trục xe, cải tiến phần khung trên... 

Nhóm tiếp tục lập trình cho robot tự chuyển động, có thể đi lại thuần thục và giao tiếp những câu đơn giản cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

Sau 2 tuần, mẫu robot sơ khai ra đời và được chuyển vào TP.HCM để hoàn chỉnh các mạch. "Robot hoàn thiện sau 2 tháng, không còn là chiếc xe đồ chơi trẻ em nữa" - ông Minh chia sẻ. Hiện nay, robot có thể di chuyển linh hoạt đến các phòng tránh được nhiều vật cản, tốc độ tối đa đến 20km/h. Sử dụng bình điện 12V, robot có thể chở các vật phẩm tổng trọng lượng đến 50kg trong phạm vi điều khiển 50m.

Thân robot được thiết kế 4 ngăn, giúp dễ phân loại và để nhiều đồ đạc bên trong như thức ăn, nước uống, thuốc men, dụng cụ... vận chuyển ra vào phòng. "Đến nơi, robot chào bệnh nhân, đưa đồ cho bệnh nhân và hỏi bệnh nhân có cần thêm giúp đỡ gì không. Robot còn có thể phát những bài hát vui vẻ cho bệnh nhân nghe" - ông Minh cho biết.

Lan tỏa cả nước

Ở phía Nam, Trường ĐH Tôn Đức Thắng mới đây vừa bàn giao robot CD1.0 khử khuẩn bằng tia UV cho Trung tâm cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19 tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Trung tâm công nghệ thông tin thuộc Bệnh viện Quân dân y miền Đông (TP.HCM) cũng cho ra đời chú robot phun xịt khử khuẩn phòng cách ly điều khiển từ xa, được Sở Y tế TP.HCM cho phép hoạt động tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi từ ngày 4-4.

Tại miền Bắc, cuối tháng 3, Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội đã thử nghiệm robot nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang đúng cách. Tiếp đó, ngày 7-4, Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng cho ra mắt robot tên Vibot hỗ trợ vận chuyển thức ăn, thuốc men... có tải trọng lên đến 100kg, đang được sử dụng tại Bệnh viện Bắc Thăng Long (Hà Nội).

Gần đây nhất, ngày 15-4, chú robot tự hành tên NaRoVid bắt đầu được thử nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - "chiến trường" phòng chống COVID-19 nóng hàng đầu cả nước. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Trọng Tấn - phó giám đốc Trung tâm Vi điện tử và tin học, Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học - công nghệ), đại diện nhóm nghiên cứu - cho biết chỉ mất vài ngày để cho ra mẫu robot hoàn chỉnh do đã tiếp thu được công nghệ từ trước.

Được lập trình thuật toán cùng cảm biến laser, siêu âm định hướng, robot dễ dàng đi lại trong không gian hẹp. Với khung gầm chắc chắn, robot có thể chở đến 10 lít dung dịch khử khuẩn, làm việc liên tục trong vòng 2 giờ, giúp lau dọn sạch sẽ khu vực thăm khám bệnh. Đặc biệt, robot có khả năng tự khử khuẩn trước khi đi ra khỏi phòng cách ly, hạn chế lây nhiễm chéo.

Robot "bác sĩ"

Sau Tết Canh Tý, dự án robot hỗ trợ giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên đã được Nguyễn Đào Xuân Hải và Lương Hữu Thành Nam - sinh viên năm 4 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - nhanh chóng bổ sung các chức năng phù hợp khi sử dụng trong mùa dịch COVID-19.

Về phần mềm, robot được lập trình tương tác với người bệnh nhờ vào hệ thống các câu thoại phổ biến cũng như màn hình vi tính trước ngực. Robot có thể hỗ trợ bác sĩ thăm hỏi bệnh nhân từ xa, hoặc đảm nhiệm các công việc đơn giản như đo huyết áp, nhịp tim, thân nhiệt... nhờ vào các thiết bị điện tử rời kết nối kèm theo robot.

"Robot cũng cho phép bác sĩ và bệnh nhân thực hiện cuộc gọi từ xa để được thăm khám, tư vấn, giúp hạn chế tiếp xúc mùa dịch" - Xuân Hải nói.

Không chỉ là robot

anh03aaaaaaaaa 3(read-only)

Phòng khử khuẩn của Trung tâm nghiên cứu thiết bị và công nghệ cơ khí, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Trung tâm nghiên cứu thiết bị và công nghệ cơ khí, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) mới đây chế tạo thành công hệ thống khử khuẩn di động trong 30 giây và thải khí sạch ra bên ngoài. Theo PGS.TS Võ Tường Quân - thành viên dự án, điểm mới của hệ thống là dùng không khí sạch và khí kháng khuẩn để diệt khuẩn bám trên bề mặt vật chủ.

Ngoài ra, nguồn ion âm trong hệ thống sẽ diệt khuẩn lần 2, hút bụi bẩn sau khi thoát khỏi cơ thể vật chủ nhằm tăng khả năng diệt khuẩn bề mặt. Đầu vào là không khí được cho qua màng lọc trước khi đi vào quạt thổi cao áp. Hệ thống các ống gió, lưu lượng gió được tính toán thiết kế sao cho khí ozone không tác dụng trực tiếp vào mũi người.

Hệ thống hoạt động hoàn toàn tự động từ việc mở cửa cho người sử dụng bước vào và thực hiện việc phun khí khử khuẩn đến việc mở cửa cho người sử dụng bước ra.

Ông Quân cho biết nhóm nghiên cứu đang hoàn tất các thủ tục về đăng ký sở hữu trí tuệ cũng như xin kiểm nghiệm từ Bộ Y tế cho sản phẩm.

Robot, máy bay không người lái Robot, máy bay không người lái 'lên ngôi' mùa dịch

TTO - Nhu cầu sử dụng robot giao hàng đang gia tăng khi nhiều người ngại ra đường vì dịch COVID-19 trong khi nhiều cửa hàng tạp hóa quá nhỏ không đáp ứng được yêu cầu giãn cách xã hội để mở cửa.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên