01/08/2013 10:09 GMT+7

Bún có chất độc: Cần giải quyết từ gốc

KIM SƠN
KIM SƠN

TT - Khi vụ bánh phở có chứa formol nổ ra cách đây khoảng chục năm, vấn đề kiểm soát hoạt động bán hóa chất phụ gia thực phẩm ở chợ Kim Biên (TP.HCM) đã được đặt ra song sau đó lại rơi vào quên lãng, để rồi bây giờ xảy ra vụ “bún phát sáng”.

Tích cực xét nghiệm để chứng minh bún, bánh an toànChưa làm sáng tỏ bún có độc tốHoang mang với bún

4j2GTJVl.jpgPhóng to
Hóa chất dùng trong thực phẩm và hóa chất công nghiệp bày bán chung tại chợ Kim Biên, TP.HCM - Ảnh: T.Thắng

"Cách đây khoảng chục năm, khi vụ bánh phở có chứa formol dùng ướp xác nổ ra, nhiều quán phở “chạy” cho được giấy chứng nhận “bánh phở không có formol” có con dấu đỏ treo trước cửa hàng để làm an lòng khách hàng"

Những ngày qua người dân rất hoang mang với thông tin bún tươi, bánh canh... có chất làm trắng huỳnh quang tinopal. Nhiều người đã không dám ăn bún tươi - một loại thực phẩm dễ chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu. Người buôn bán lẻ và các nhà sản xuất bún kêu trời vì kinh doanh bị sụt giảm...

Các cơ quan quản lý chức năng thì trả lời báo chí theo kiểu đá trái banh trách nhiệm sang nơi khác, cơ quan nào cũng nói sẽ chấn chỉnh, thậm chí “sẽ tăng cường kiểm tra 100% cơ sở sản xuất bún tươi trong thời gian tới”. Sáng 25-7, Sở Công thương cùng Sở Y tế lại mở cuộc họp khá căng thẳng xoay quanh chuyện lấy mẫu, công bố thông tin sản phẩm độc hại này và tranh cãi xem ai được quyền công bố “bún phát sáng”. Ngày 25-7, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cũng yêu cầu các chi cục an toàn thực phẩm địa phương lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm bún, bánh phở, bánh canh để đánh giá việc sử dụng phụ gia trái phép, báo cáo về bộ trước ngày 30-8. Riêng TP.HCM, Bộ Y tế yêu cầu báo cáo kết quả kiểm soát an toàn thực phẩm trước ngày 10-8.

Nhìn chung, tất cả đều vào cuộc để giải quyết “bún phát sáng” có chất làm trắng huỳnh quang tinopal. Nhưng còn không biết bao nhiêu hóa chất độc hại khác đã, đang và sẽ được người sản xuất cho vào thực phẩm một cách vô tội vạ và cũng không kiểm tra được thì sao?

Nhiều năm qua, mỗi ngày có cả chục triệu người dân đã ăn phải không biết bao nhiêu loại hóa chất độc hại gây chết người một cách tiềm ẩn có xuất xứ từ chợ Kim Biên. Khi vụ bánh phở có chứa formol dùng ướp xác nổ ra, phó giám đốc Sở Y tế phụ trách vệ sinh an toàn thực phẩm lúc bấy giờ có đề xuất thành lập một trung tâm chuyên bán hóa chất phụ gia thực phẩm riêng biệt, tách hẳn khỏi chợ Kim Biên. Người chế biến thực phẩm phải mua hóa chất phụ gia thực phẩm tại đây với đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ thì sẽ dễ dàng kiểm tra kiểm soát. Đề xuất cũng được sự ủng hộ của một vị lãnh đạo UBND TP. Thế nhưng tất cả rơi vào quên lãng, khu chợ Kim Biên bày bán tràn lan đủ loại hóa chất, từ hóa chất dùng trong công nghiệp đến các loại phụ gia, hương liệu độc hại, không nhãn mác, xuất xứ, ai mua cũng được, giá nào cũng có, cứ thế mua về chế biến thức ăn cho người tiêu dùng. Dù chưa thấy có một nghiên cứu nào về tác hại kinh khủng từ đây đến môi trường, chất lượng sống của người dân, song thảm họa từ các hóa chất độc hại chắc chắn sẽ là nếu không gây chết ngay thì cũng gây bệnh mãn tính, ung thư..., làm suy giảm sức khỏe, bệnh tật và những tốn kém chi phí chữa trị, gây thiệt hại kinh tế xã hội không nhỏ.

Được biết, theo thông báo ngày 22-7-2013 của UBND TP về tình hình quản lý, kinh doanh hóa chất tại chợ Kim Biên và trên địa bàn thành phố, trong thời hạn sáu tháng (tính từ ngày 19-7-2013), tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế kinh doanh tại chợ Kim Biên và các chợ khác tại TP.HCM phải đăng ký giấy chứng nhận đủ điều kiện, nếu không sẽ buộc ngưng kinh doanh.

Thiết nghĩ để kiểm soát việc buôn bán, sử dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm hiệu quả, cần tách bạch nơi bán hóa chất công nghiệp và hóa chất dùng trong thực phẩm. Mặt khác, người bán hàng phải có trình độ chuyên môn nhất định để có thể tư vấn, cung cấp thông tin cho người mua - như quy định kinh doanh thuốc chữa bệnh - để hạn chế mức độ thiệt hại mà hóa chất có thể gây ra cho người sử dụng. Song song đó, luật phải xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả truy tố, xử lý hình sự, chứ không chỉ phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm trong cung ứng cũng như sản xuất thực phẩm từ hóa chất độc hại. Có như vậy may ra mới sớm giảm dần và đi đến chấm dứt được thực trạng “kinh doanh thần chết” như hiện nay.

Thất vọng!

Đó là tâm trạng của nhiều bạn đọc khi phản hồi các bài viết liên quan đến thông tin bún có độc tố trong thời gian vừa qua.

Bạn đọc taimkp@... viết: “Không chỉ bún mà nhiều mặt hàng trên thị trường đụng đâu cũng gặp hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, có chất độc hại... Còn cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt chẳng khác gì “bắt cóc bỏ đĩa” vì tính răn đe không mạnh để cơ sở vi phạm đủ nhận thức và từ bỏ hành vi vi phạm. Đa số mặt hàng - cơ sở từng vi phạm khi bị kiểm tra hôm nay thì ngày mai lại tiếp tục vi phạm chỉ vì tiền phạt trong đợt kiểm tra chỉ bằng 1/100, thậm chí 1/1.000 tiền kiếm bất chính từ hành vi vi phạm”. Bạn đọc Quang Vinh bày tỏ: “Người dân rất trông chờ ý kiến chuẩn xác của cơ quan chức năng về hiện trạng và cách giải quyết tình trạng độc hại của thực phẩm. Nhưng có thể nói việc trông chờ này là vô vọng”.

Bạn đọc Tô Ngọc Vân phân tích rằng chính những thủ tục rườm rà trong kiểm tra chất lượng thực phẩm đã tạo kẽ hở cho những sản phẩm gây hại sức khỏe người tiêu dùng tồn tại và đặt vấn đề: “Tôi không hiểu tại sao không âm thầm kiểm tra, lấy mẫu mà lại thông báo trước là sẽ kiểm tra rình rang như vậy. Tôi chắc chắn sẽ không ai dại gì lại bỏ hóa chất độc hại trong thời gian nhạy cảm này, đợi qua “đợt sóng” này thì mọi thứ sẽ trở về như cũ”.

N.N.

KIM SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên