30/07/2010 18:59 GMT+7

Bùi Tiến Dũng bị đề nghị mức án từ 4 đến 6 năm tù

THÂN HOÀNG - M.Q.
THÂN HOÀNG - M.Q.

TTO - Chiều nay 30-7, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ PMU18 giai đoạn 2. Theo đó bị cáo Bùi Tiến Dũng bị truy tố tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và bị đề nghị mức án từ 4 đến 6 năm tù.

Ngày thứ 3 xét xử vụ PMU 18 giai đoạn 2:

5OClGzuN.jpgPhóng to
Bùi Tiến Dũng (đứng) tại tòa - Ảnh: Minh Quang

Các bị cáo trong nhóm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản gồm Vũ Mạnh Tiên bị đề nghị mức án 4 đến 5 năm tù, Lê Thị Thanh Hoà, Nguyễn Thanh Sơn bị đề nghị mức án từ 3 đến 4 năm tù, Bùi Thu Hạnh bị đề nghị mức án 2 đến 3 năm tù.

Như vậy, tất cả các bị cáo trong vụ án đều được đề nghị mức án dưới khung mà bản cáo trạng của viện KSND tối cao truy tố. Công tố viên cũng đề nghị, đối với những tài sản của các bị cáo mà cơ quan chức năng đã kê biên thì HĐXX giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đề nghị án dưới khung truy tố

Theo cáo trạng của viện KSND tối cao, bị cáo Bùi Tiến Dũng bị truy tố về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 với mức án quy định “phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm”. Tương tự, 4 bị cáo còn lại bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điểm c, khoản 2 với mức án quy định bị phạt tù từ năm đến mười năm.

Tuy nhiên, tại phần luận tội, công tố viên cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo đã rõ nhưng căn cứ trên các điều khoản quy định của pháp luật, xem xét các tình tiết giảm nhẹ đã đề nghị mức án như trên đối với 5 bị cáo trong vụ án.

Tất cả các bị cáo đều được đề nghị mức án dưới khung truy tố mặc dù đánh giá về vụ án, công tố viên cho rằng đây là vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Sai phạm xảy ra ở ban quản lý dự án với những người có trình độ văn hóa cao, trình độ chuyên môn tốt. Các bị cáo nhận thức được sai phạm nhưng vẫn cố ý làm trái quy tắc đề rút tiền từ dự án.

Đại diện Viện kiểm sát cũng nhận định nguyên nhân xảy ra sai phạm một phần là do sự quản lý, giám sát lỏng lẻo của các cơ quan chức năng đối với PMU18 trong quá trình sử dụng tiền Nhà nước cũng như nguồn vốn vay từ nước ngoài.

Cho mượn xe tạo ra lợi ích nhiều hơn thiệt hại

Tại phần tranh tụng, hầu hết luật sư bào chữa cho các bị cáo đều cho rằng bản luận tội của công tố viên chưa thỏa đáng và thiếu khách quan. Luật sư Ngô Ngọc Thủy bào chữa cho bị cáo Bùi Tiến Dũng lập luận: “Đại diện diện Bộ GTVT không có mặt tại tòa dù đã được triệu tập nhiều lần là đã khước từ việc đòi bị cáo bồi thường thiệt hại và không coi trọng các cơ quan tố tụng”.

Ông Thủy cũng cho rằng cáo trạng của Viện kiểm sát mới đề cập đến thiệt hại của việc cho mượn xe theo tư duy của cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng còn mặt hữu ích thì bị bỏ sót. Theo ông Thủy việc cho thuê xe của Dũng “tổng” là nhằm mục đích hợp tác, tương trợ giúp các cơ quan bạn, các đối tác “vượt khó” để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bởi thế giá trị của việc “tương trợ này” lớn hơn rất nhiều con số thiệt hại hơn 2,2 tỷ đồng mà cáo trạng đưa ra.

Luật sư Hoàng Văn Dũng bào chữa cho bị cáo Bùi Tiến Dũng thì cho rằng kết quả giám định thiệt hại đưa ra trong bản cáo trạng là không chính xác, không có cơ sở khoa học. Theo ông Dũng việc trưng cầu giám định là có vấn đề, cơ quan điều tra yếu kém trong việc trưng cầu giám định khi yêu cầu Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) giám định, nếu xe bị đâm, gây tai nạn thì mới là việc của Viện khoa học hình sự - giám định về tư pháp. Cơ quan này không có chức năng giám định về tài chính nhưng lại liên kết với trung tâm giám định của Bộ tài chính là sai, kết quả giám định đó là phi pháp.

Luật sư Hà Đăng cũng cho rằng có một số biểu hiện bất bình đẳng diễn ra tại phiên toà. Ông Đăng lập luận “những đơn vị hưởng lợi không có mặt tại toà theo yêu cầu của HĐXX, không tôn trọng cơ quan tiến hành tố tụng, trong khi chúng ta ngồi ở đây để phân tích từng hành vi không được hưởng lợi của bị cáo".

Theo ông Đăng, trong việc mượn xe, phải trừng trị những cá nhân khởi xướng, chủ mưu, chủ động đề cập với PMU 18 cho mượn xe và trực tiếp là người hưởng lợi từ việc mượn xe chứ không phải là trừng trị người cho mượn.

Cùng quan điểm trên, luật sư Hoàng Văn Dũng liệt kê một số lãnh đạo đã “chỉ đạo” Dũng “tổng” trong việc việc điều động cho mượn xe và đặt ra câu hỏi tại sao những người “ra lệnh” này lại không bị truy tố? Ông Dũng cũng cho rằng việc kê biên tài sản của Bùi Tiến Dũng là không hợp lý vì tại phiên tòa đối tượng bị thiệt hại không có nên thiếu căn cứ để xử lý trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại đối với bị cáo.

Dự kiến, thứ 2 ngày 2-8 phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh tụng của các luật sư bào chữa cho các bị cáo Lê Thị Thanh Hoà, Nguyễn Thanh Sơn, Bùi Thu Hạnh và Vũ Mạnh Tiên.

THÂN HOÀNG - M.Q.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên