30/04/2017 15:22 GMT+7

Buffalo: Những “chú trâu" không sợ súng

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Sau nửa năm đoạt giải quán quân Cười xuyên Việt - Tiếu lâm hội, nhóm Buffalo - “những chú trâu trẻ yêu nhạc kịch” đã có sự trở lại gây chú ý với vở nhạc kịch Tấm Cám tối 29-4 tại nhà hát Bến Thành, TP.HCM.

Cảnh trong vở nhạc kịch Tấm Cám của nhóm Buffalo - Ảnh: GIA TIẾN
Cảnh trong vở nhạc kịch Tấm Cám của nhóm Buffalo - Ảnh: GIA TIẾN

Vở Tấm Cám đã diễn 10 suất ở nhà hát Bến Thành năm ngoái, nhưng nếu như năm ngoái Buffalo thuê nhà hát Bến Thành để diễn thì năm nay họ và Bến Thành hợp tác với mong muốn xây dựng một sân khấu kịch sáng đèn hằng tuần tại đây. Trở lại trong một tư thế mới, có vẻ như những người không dễ dàng bỏ cuộc đã "nuôi lớn" được niềm đam mê của mình.

Đi đâu cũng quay về...nhạc kịch

Nhớ lần đầu tiên khi được mời tham gia Cười xuyên Việt, nhóm ngẩn tò te: chuyên nhạc kịch mà thi game show hài hình như có gì... sai sai! Rồi lại tặc lưỡi: Kệ, mình trẻ cứ thử sức xem sao. Vậy đó mà nhóm leo hết vòng này qua vòng khác. Khán giả truyền hình từ ngạc nhiên với bọn trẻ cứ diễn kịch chút lại thấy... ca hát, nhảy múa, dần dần bị thu hút với phong cách nhạc kịch rất riêng, biết cách nêm nếm cân bằng chất bi - hài, kịch bản ngắn nhưng ít nhiều chuyển tải những thông điệp nhân văn như Quán lô tô chị Năm Phượng, Mình ơi!...

Sự hồn nhiên thể hiện mình trong một cuộc chơi đã khiến lượng khán giả theo dõi fanpage của “những chú trâu” ngày càng đông. Mỗi clip dự thi tải lên YouTube đạt mấy triệu lượt view. Kết thúc cuộc thi, “trâu” vui vì khán giả ít nhiều biết đến mình nhưng rồi cũng nhận ra chỉ có sân khấu chính thống mới là nơi để thể loại nhạc kịch mà họ đam mê được tự do bay bổng.

Mà sân khấu nào phải cái nôi êm đềm. Ở cái buổi ban đầu khi mười mấy "chú trâu" còn độ tuổi 19, 20, “trâu đầu đàn” là anh chàng Nguyễn Khắc Duy mắc chứng gì cứ mê đắm nhạc kịch. Duy chọn vở nhạc kịch Chicago làm vở tốt nghiệp, thích thì chọn thôi chứ thật sự cũng không biết tìm được diễn viên hay không. Duy gặp nhóm bạn trẻ lớp diễn viên của Trường Sân khấu - điện ảnh trình bày đam mê của mình, không ngờ đụng ngay các... fan cuồng của nhạc kịch, đó là Hoàng Quân, Diễm Phương, Nhã Uyên, Yến Phạm, Chanco...

Thi tốt nghiệp xong, Duy và Hoàng Quân hùn vốn đem Chicago ra rạp Công Nhân. Kết quả, hai chàng trai... lỗ sơ sơ trăm triệu đồng! Tưởng vậy là xong, ai ngờ đạo diễn Lê Bảo Trung thấy thích và hỗ trợ nhóm làm tiếp vở High school musical. Lần này, Lê Bảo Trung cũng lỗ mà còn nặng hơn Chicago.

Thấy mấy "chú trâu" chịu khó mà lận đận quá, ba mẹ của Hoàng Quân thương lại giúp sức cho nhóm qua trụ ở sân khấu 5B. Tại đây, các bạn trẻ được ông Lê Duy Hạnh - chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM lúc bấy giờ - và NSƯT Việt Anh động viên rất nhiều. Lúc đó nhóm có thêm các vở Vũ nữ, Tuyết Sài Gòn... Nhưng rồi ngay đợt các hoạt động giải trí trên mạng lên ngôi, cả nhóm lại mù mờ về truyền thông, PR, hoạt động sân khấu nói chung đi xuống, thế nên cái nhóm kịch toàn những con người mơ mộng non choẹt cũng không thoát khỏi cơn bão chung. Khán giả bắt đầu thưa dần, có bữa trời mưa không ai đến coi, cả "bầy trâu" lủi thủi xuống sân 5B ngồi bó gối ngắm mưa rơi...

“Mà hình như tổ thương, không muốn cho Buffalo rã bầy nên cứ có khó khăn, nản, muốn buông lại có người thương giúp xốc lại tinh thần. Như hồi diễn 5B phải trả vé hoài, tự nhiên vở Vũ nữ đi thi Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc giành được HCB. Rồi chị Cát Tường thương, qua phụ cho nhóm làm vở Tấm Cám diễn được 10 suất ở nhà hát Bến Thành, phục vụ khoảng 3.000 khán giả” - đạo diễn Nguyễn Khắc Duy chia sẻ.

Kiên trì với... cái khó

Trong hiếm hoi những người trẻ đam mê nhạc kịch hiện nay ở TP.HCM, Hoàng Quân - Nguyễn Khắc Duy gây được chú ý bởi khả năng và độ... lì vì loại hình biểu diễn này tốn công tốn sức, vất vả vô cùng vậy mà đến nay họ vẫn không chịu buông. Một số tổ chức quốc tế thấy được sự kiên trì của họ đã hỗ trợ hai bạn tham gia các khóa học ngắn hạn quốc tế về kịch Broadway.

Càng học càng đam mê nhưng rồi thực tế khi áp dụng ở VN mới ló ra quá trời cái khó. Làm một vở nhạc kịch phải liên hệ mua bản quyền quốc tế rất tốn kém, thời gian tập mất ít nhất một, hai tháng, diễn viên hội đủ các yếu tố có thể ca, nhảy múa và diễn xuất nào phải dễ tìm. Vất vả thế nhưng công diễn cũng chỉ được vài suất nên hầu hết các vở nhạc kịch của Buffalo đều chưa thể lấy lại vốn.

Không sống được ở sân khấu chính thì nhóm phải nương nhờ... sân khấu phụ. Được cái nhiều nhãn hàng thích nhạc kịch nên Buffalo có được những sô sự kiện, mỗi sô chừng mấy chục đến trăm triệu đồng, anh em chia nhau mà sống và dành dụm chút đỉnh để tái đầu tư vào những sản phẩm kế tiếp. Lấy cái phụ nuôi cái chính và chờ hoài đến ngày nhận được lời đề nghị hợp tác từ nhà hát Bến Thành, cả “bầy trâu” vui mừng muốn khóc, vậy là dù có bận việc gì cũng thu xếp lại để cùng chung tay chuẩn bị cho suất diễn ở “ngôi nhà mới”.

Hơn một năm trời lăn lộn với đời sống game show trên sóng truyền hình và tương tác với người hâm mộ trên fanpage, những "chú trâu" bắt đầu nắm bắt thêm được thị hiếu khán giả. “Đã ba, bốn năm làm sân khấu nên nhóm đã có chút ít kinh nghiệm, thời gian tham gia game show như một sự thăm dò khán giả nên hướng sắp tới sẽ làm nhạc kịch gần gũi với cuộc sống hơn. Là nhóm trẻ, không có ngôi sao, tài năng cũng không thể sánh bằng các anh chị đi trước nhưng được cái tụi em... rảnh nên sẽ có thời gian đầu tư cho thể loại đòi hỏi phải chịu khó tập luyện này. Với Buffalo, khán giả sẽ không đến xem ngôi sao mà sẽ xem sự tổng hòa của một công trình tập thể!” - Khắc Duy nói.

Chắc đó cũng là lý do khiến nhà hát Bến Thành hợp tác với một nhóm kịch trẻ thiệt trẻ như Buffalo. Bà Đoàn Cẩm Lệ - trưởng ban quản lý nhà hát Bến Thành - cho biết: “Năm ngoái Buffalo có biểu diễn tại đây, chúng tôi nhận thấy các em là những bạn trẻ có tài, nhiệt huyết, yêu nghề nên quyết định hỗ trợ. Tuy nhiên, trong tình hình sân khấu khó khăn hiện nay, chúng tôi cũng không dám nói trước điều gì. Rất mong có một sân khấu kịch định kỳ hằng tuần ở đây nhưng điều đó còn phụ thuộc rất nhiều vào khán giả, kịch bản sân khấu...”.

Nhiều người lo lắng nhưng Khắc Duy lại rất tự tin: “Mấy năm nay lúc nào cũng đối diện với khó khăn nên có thể nói Buffalo... điếc không sợ súng! Cơ hội đến, nhóm muốn nắm bắt. Không dám nói trước được điều gì nhưng dù có thất bại cũng phải thử để biết được sức mình và có thêm nhiều kinh nghiệm trong nghề nghiệp”.

Tham vọng kéo cả nhà đến với sân khấu!

Buffalo có tham vọng lôi kéo... cả gia đình khán giả đến với sân khấu với hướng đầu tư là những vở diễn có thể phục vụ cả người lớn và trẻ nhỏ. Ngoài Tấm Cám, êkip đang tính toán sẽ khai thác nguồn cổ tích VN, truyện Đất phương Nam... để chuyển thể sang nhạc kịch. Tấm Cám sắp tới sẽ có hai phiên bản, một cho người lớn, một cho trẻ em. Tấm Cám phiên bản nhí rút gọn khoảng một giờ để diễn định kỳ vào sáng chủ nhật hằng tuần mở đầu cho sân khấu thiếu nhi tại Bến Thành bên cạnh sân khấu người lớn, dự kiến diễn vào các ngày cuối tuần.

Khi xem vở Chicago, thấy các bạn trẻ nhảy múa, ca hát, biểu diễn sung quá, một số khán giả tặc lưỡi: “Sao tụi nhỏ này khỏe dữ, diễn... như trâu bò vậy mà mặt phơi phới hà!”. Nghe vui vui, vậy là các bạn trẻ đặt tên cho nhóm là Buffalo. Buffalo mang ý nghĩa là một nhóm... trẻ trâu, lì và liều, kiên trì nhẫn nại, dùng sức trẻ để chinh phục giấc mơ nhạc kịch!

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên