11/10/2013 10:33 GMT+7

Bức ảnh: Ở Miếu Văn tặng anh Văn

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TTO - Với ông Quang Phùng, những lần chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều do cái duyên đưa đẩy. Ông không phải là người thân cận, cũng không phải là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chuyên chụp ảnh chính khách.

FXK8F7no.jpgPhóng to
Ảnh: Hà Hương chụp lại

Nhưng công việc của một người làm ngoại giao đã mang đến cho ông những hình ảnh hiếm có trong thời khắc lịch sử đáng nhớ. Đó là giai đoạn từ năm 1984-1994 - thời điểm nước ta bắt đầu cởi mở hơn với phương Tây qua việc cho phép báo chí và các học giả vào Việt Nam.

Mối duyên của khoảnh khắc cuộc đời

Bức ảnh đầu tiên được ông Quang Phùng chụp năm 1984 ghi lại hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài tại Điện Biên.

“Cuộc gặp đã được hẹn trước, Đại tướng trả lời ngắn gọn trong vòng ít phút. Tôi rất nhanh đã “chộp” được khoảnh khắc đẹp khi đứng phía sau người cầm micro cho cuộc phỏng vấn. Sau đó báo chí ập đến rất nhanh và tôi chẳng có cơ hội chụp thêm lần hai” - ông Quang Phùng kể.

Câu chuyện trong bức ảnh chủ yếu xoay quanh sự kiện 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Và dĩ nhiên, theo ông Quang Phùng, báo chí phương Tây vô cùng muốn biết thái độ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tình hình Việt Nam khi đó.

Bức ảnh thứ hai được chụp vào khoảng năm 1989. Trí nhớ của một người trên 80 tuổi có thể không rõ ràng về ngày giờ nhưng khoảnh khắc chụp bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay nhạc sĩ Văn Cao lại ấn tượng mạnh đến nỗi những câu chuyện về nhiếp ảnh của Quang Phùng đều bắt đầu từ tấm ảnh này.

“Người nước ngoài mời ông Giáp vì ông rất thích piano, còn nhạc sĩ Văn Cao đối với họ là người sáng tác quốc ca duy nhất còn sống của nhân loại. Nhưng không khí lúc đó phức tạp hơn nhiều. Có rất nhiều bình luận xoay quanh việc Việt Nam muốn đổi quốc ca. Họ muốn nhờ buổi hòa nhạc mà thăm dò thái độ của ông Giáp lẫn ông Văn Cao. Khi ông Giáp đến, ông bắt tay Văn Cao và hỏi: hồi này có khỏe không? Ông Văn Cao trả lời: Cảm ơn Đại tướng, tôi vẫn khỏe! Ông Giáp nói ngắn gọn: Chúng ta về đi!

Cuộc đối thoại này dẹp bỏ tất cả những ý đồ xấu mà nhiều người muốn vu cho ông lẫn ông Văn Cao. Hai hôm sau, khi tôi mang tặng bức ảnh, ông cười hỏi: Chụp một tay cũng được à?. Ông Giáp để ý rất kỹ, trong bối cảnh đó ông biết tôi tay cầm cốc rượu và mấy cái giấy mời còn một tay giữ máy ảnh” - nhà nhiếp ảnh Quang Phùng hồi tưởng.

W2GpnjRA.jpgPhóng to
Nghệ sị nhiếp ảnh Quang Phùng - Ảnh: Hà Hương

“Ở Miếu Văn tặng anh Văn”

“Tôi biết Đại tướng thích chụp ảnh, một lần tôi hỏi: Bác có thường ra Hồ Gươm không? Đại tướng lắc đầu bảo: Hồ Gươm xa, mình thường đến Văn Miếu vào mồng 3 tết.

Lúc thân tình, ông hay xưng là mình” - nhà nhiếp ảnh Quang Phùng giải thích.

“Ông Giáp theo lệ cổ, mồng 1 tết nội, mồng 2 tết ngoại, mồng 3 tết thầy. Tôi biết ông đến viếng thầy Chu Văn An ở Văn Miếu vì nhiều lẽ, thuộc về tâm linh và bối cảnh. Trong hai năm 1990-1991, tôi đều gặp ông Giáp ở Văn Miếu nhưng chỉ chụp ảnh duy nhất một lần. Tôi đợi trong hậu cung, thấy ông đứng rất lâu, đứng lặng trước tượng thầy Chu Văn An. Những lần tôi gặp chỉ thấy ông đi một mình.

Không nhiều người nhận ra sự có mặt của ông Giáp ở Văn Miếu hôm đó. Vì thông thường, phải đến mồng 5 Văn Miếu mới đông. Ra khỏi hậu cung mới có hai ông đồ đến xin chữ Đại tướng. Ông viết tặng mỗi người một bức. Hai ông đồ cũng viết tặng Đại tướng một bức. Thời đó viết chữ trên giấy tây nên không thấm và lâu khô nên mọi người phải cầm giấy đứng hong mất một lúc” - ông Quang Phùng kể.

Không giống như những bức chữ thông thường ngày tết, bức chữ tặng Đại tướng gồm hai câu được viết bằng chữ Hán, phía dưới có phần dịch nghĩa bằng chữ quốc ngữ: “Trời cho ta tài ắt có dùng/ Ngàn vàng chi hết rồi lại có”. Phía dưới bức chữ còn có dòng đề từ: Ở Miếu Văn tặng anh Văn.

“Hoàn cảnh những năm 1990-1991 khó khăn lắm. Như trong lời kể của các con ông Giáp là ông có bảo với vợ là: cùng lắm thì đi dạy học và viết sách. Những ông đồ là những người tinh tường, họ hiểu thời thế và hiểu con người ông Giáp nên mới viết ra câu đó” - nhà nhiếp ảnh Quang Phùng giải thích.

“Ông Giáp là người rất kín đáo. Lần đó ở Văn Miếu, chân tôi bị đau, bước lên tam cấp cứ tấp tểnh. Bất ngờ phía sau có người đỡ, nhìn sang thì thấy ông Giáp đang cười. Có những khoảnh khắc khi nhớ lại là rơi nước mắt. Nó như một ký ức lúc nào cũng nguyên vẹn và sống động. Đó là nhân tâm lay động lòng người. Đời người đều có những mối duyên nào đấy. Nếu tôi rẽ vào lối khác có lẽ không gặp ông Giáp”.

“Sau này, lúc đưa ảnh, tôi hỏi ông ảnh chụp có được không. Ông bảo được, trong khoảnh khắc thì chỉ cần ghi được cái cốt lõi của sự việc thôi. Ông Giáp lúc nào cũng nhỏ nhẹ. Tôi cũng đã gặp ông những lần khác nữa, kể cả trong vườn nhà nhưng tôi không chụp thêm. Tôi giữ lễ theo đúng cung cách con nhà nho với ông, nhưng cũng biết thế là đủ” - ông Quang Phùng chia sẻ.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Hoàn tất tập dợt đưa linh cữu Đại tướng ở sân bayMáy bay dân dụng đưa linh cữu Đại tướng về quêMường Phăng thổn thức tiếc thương "ông nội đánh giặc tài ba”Đoàn tàu chở xe đưa tang Đại tướng đã đến Quảng BìnhCận cảnh nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp Nơi an nghỉ của Đại tướng hướng ra biển ĐôngCận cảnh nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên GiápViệt Nam từng có đường mang tên Võ Nguyên GiápNon nước hữu tình nơi an nghỉ của Đại tướngAn táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - đảo YếnHàng ngàn người trẻ khắp nơi tự tìm về viếng Đại tướng

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên