07/11/2016 16:22 GMT+7

​Bữa sáng - bữa ăn chính

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng, bữa sáng phải được coi là bữa ăn chính. Do đó, dù bận thế nào và ngay cả khi không cảm thấy đói, bạn cũng không nên bỏ qua bữa sáng.

Cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động

Buổi sáng, thời gian làm việc và học tập với cường độ cao nhất trong ngày. Bữa sáng với đầy đủ các dưỡng chất là cách tốt nhất cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động trong ngày. 

Năng lượng được cơ thể thu nhận từ bữa sáng sẽ giúp chuyển hoá và trao đổi chất trong cơ thể. Nhờ đó, các cơ quan trong cơ thể sẽ năng động hơn, đặc biệt là giúp duy trì chức năng não, làm tăng khả năng tư duy và trí nhớ. 

Ngược lại, nếu nhịn ăn sáng hoặc chỉ ăn qua loa, đường huyết sẽ hạ làm bạn mệt mỏi, hoa mắt, khả năng tập trung giảm, ảnh hưởng đến năng suất lao động, dễ bị sai sót trong công việc.

Kiểm soát cân nặng

Bữa sáng có tác dụng khởi động và đánh thức các bộ phận trong cơ thể sau một đêm dài cơ thể bị “nhịn đói”. Vì vậy, khi bỏ bữa sáng, bữa trưa và bữa tối bạn phải ăn nhiều hơn để có đủ năng lượng. Lúc này, những hormone kiểm soát cơn đói như leptin và ghrelin (có nhiệm vụ cảnh báo khi đã no) sẽ bị suy yếu. 

Trong khi đó, hoạt động vào buổi chiều và tối không nhiều, thức ăn sẽ không kịp tiêu hóa hết nên dễ tích lũy năng lượng dưới dạng mỡ dư thừa. Ăn sáng đầy đủ sẽ giúp bạn kiềm chế cơn đói suốt cả ngày. Khi bạn đã có năng lượng đầy đủ, bạn ít có khả năng tiếp cận với các đồ ăn vặt khác trong ngày, có thể làm tăng trọng lượng của cơ thể.

Bảo vệ các cơ quan trong cơ thể, ngăn ngừa một số bệnh mạn tính

Thức ăn vào dạ dày buổi sáng có tác dụng kích thích sự tiết dịch vị cả ngày, làm cho cơ thể tiêu hóa tốt hơn, duy trì khả năng tiêu hóa và sự thèm ăn. Ngược lại, nếu không ăn sáng, dịch vị tiết ra nhưng không có gì để tiêu hóa, dần dần sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày. Do ruột rỗng, nhu động giảm, các chất cặn bã trong ruột của ngày hôm trước không có cơ hội để đào thải ra ngoài, lâu dần sẽ kết lại thành sỏi. 

Không chỉ bảo vệ hệ tiêu hóa, bữa sáng còn làm thông mạch hóa hệ thống tuần hoàn, giúp tăng cường vận động của tim và chống lại sự tích tụ nồng độ cholesterol xấu trong cơ thể, chống lại sự đề kháng insulin, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Bữa sáng vừa làm cân bằng canxi trong máu, lại vừa có tác dụng tăng hấp thụ canxi thêm vào xương, giúp xương chắn khỏe…

Bữa sáng cần có đầy đủ các chất dinh dưỡng

Bữa sáng cần có đầy đủ các chất dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối, bao gồm các nhóm: chất bột (cơm, bún, bánh mỳ, bánh cuốn, phở), chất đạm (thịt, trứng, sữa, cá, đậu đỗ...), chất béo (dầu, mỡ), vitamin và muối khoáng (rau và trái cây). Vì vậy, nếu ăn bánh ngọt, bạn cần có thêm 1 cốc sữa bò hay sữa đậu nành, 1/2 quả chuối hay 1 quả hồng xiêm. Nếu ăn mì tôm nên nấu với một ít thịt, một thìa dầu hoặc mỡ, 1/2 quả cà chua và một ít rau cải cúc. Nếu ăn cơm hay khoai củ, nên ăn với muối vừng lạc và ăn thêm ít trái cây.

Lưu ý, bữa sáng nên ăn từ 6h - 8h sáng, vì nếu ăn quá muộn hiệu ứng bảo vệ của bữa sáng sẽ không còn. Không nên ăn nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều đường hấp thu nhanh như bánh kẹo, nước ngọt có ga. Cũng không ăn quá nhiều vào bữa sáng vì sẽ làm cho cơ thể buồn ngủ và lười hoạt động. Không vội vã khi ăn sáng mà hãy thưởng thức và nhai thức ăn từ từ.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên