07/03/2009 04:21 GMT+7

BS Vũ Thị Nhung một đời bình dị

KIM SƠN
KIM SƠN

TT - Ai đã từng bồi hồi khi chứng kiến cảnh sản phụ oằn đau lúc lâm bồn, hạnh phúc khi nghe tiếng trẻ khóc chào đời, và cả những trớ trêu trong cõi nhân sinh: người bôn ba khắp nơi cầu tự, kẻ lại cam tâm vứt bỏ cái thai vừa tượng hình... Còn chị thì luôn tâm niệm: hãy làm thế nào để mỗi sản phụ luôn được hạnh phúc với thiên chức làm vợ, làm mẹ của mình. Chị là PGS-TS - BS Vũ Thị Nhung.

pL8mLasX.jpgPhóng to
TT - Ai đã từng bồi hồi khi chứng kiến cảnh sản phụ oằn đau lúc lâm bồn, hạnh phúc khi nghe tiếng trẻ khóc chào đời, và cả những trớ trêu trong cõi nhân sinh: người bôn ba khắp nơi cầu tự, kẻ lại cam tâm vứt bỏ cái thai vừa tượng hình... Còn chị thì luôn tâm niệm: hãy làm thế nào để mỗi sản phụ luôn được hạnh phúc với thiên chức làm vợ, làm mẹ của mình. Chị là PGS-TS - BS Vũ Thị Nhung.

Tháng 6-2008. Trước mặt tôi là cha mẹ ruột và chồng của sản phụ N.T.K.L., 33 tuổi, vừa thoát tay tử thần sau chuyến vượt cạn lần thứ ba, mà cả ba lần đều sinh mổ, lần này mất 6 lít máu, số máu phải truyền đến 4-5 lít.

Cả nhà như trong mơ khi cả mẹ lẫn con được bệnh viện (BV) cứu sống, cứu cả hai cháu 7 tuổi, 5 tuổi thoát cảnh mồ côi mẹ. Anh T.V.T. - chồng chị L. - tâm sự: “Tuy đã có hai con trai, vì quá ham con gái nên sinh lần ba. Lần này vợ tôi bị nhau tiền đạo, cài răng lược ăn vào tử cung, bám vào bàng quang... May là vợ con tôi thoát chết. Ơn này tôi xin ngàn lần ghi nhớ. Cái ơn tái sinh không thể nào quên. Mấy ngày ở đây nuôi vợ đẻ, tôi rất ngạc nhiên khi mới 5 giờ sáng đã thấy BS Nhung - dù đã nghỉ hưu - vẫn thoăn thoắt đi kiểm tra các buồng bệnh”.

Trong trái tim người bệnh

BS Vũ Thị Nhung sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, học Trường Gia Long, sinh viên Đại học Y khoa Sài Gòn và tốt nghiệp năm 1978. Sau khi ra trường chị tình nguyện về Bến Tre công tác, mười năm vừa là trưởng khoa sản BV Nguyễn Đình Chiểu, vừa là giáo viên kiêm nhiệm bộ môn sản phụ khoa của Trường trung học Y tế Bến Tre, tham gia đào tạo chín khóa y sĩ đa khoa để cung cấp cho mạng lưới y tế tỉnh.

Năm 1988 chị trở về TP.HCM công tác tại BV Hùng Vương, rồi do Sở Y tế có nhu cầu thành lập khoa phụ sản tại BV Nguyễn Trãi nên điều chị sang làm phó khoa ngoại, đến năm 1990 chị được chuyển trở lại BV Hùng Vương. Từ năm 1995-2001 chị là phó giám đốc và từ 2001 đến tháng 12-2007 là giám đốc BV Hùng Vương, là cán bộ giảng kiêm nhiệm của ĐH Y dược và ĐH KHTN TP.HCM. Nghỉ hưu, chị tiếp tục làm chuyên viên cố vấn ban giám đốc BV.

Chị được cấp bằng tiến sĩ y học chuyên khoa phụ sản năm 2003 và được phong phó giáo sư (2007), Huân chương Lao động hạng III (2007), Thầy thuốc nhân dân (2008).

Để cứu được một ca mất đến 5-6 lít máu, ban giám đốc BV đến cả êkip BS đều toát mồ hôi. BS Nhung bảo: “Đúng là kinh hoàng khi gặp mấy ca như vậy. Mấy năm trước chỉ 1-2 ca/năm, nhưng nay ngày càng nhiều do mổ lấy thai có nơi lên đến 60-70% hoặc hơn nữa. Do thiếu thông tin, các chị thấy sinh mổ khá dễ, nên dù đã mổ hai lần vẫn muốn sinh thêm đứa thứ ba, đương nhiên lại phải mổ và nguy cơ rất lớn”.

Hơn 30 năm công tác, đối đầu với không biết bao nhiêu ca thập tử nhất sinh, chị kể: “Ấn tượng không bao giờ quên là khoảng năm 1988 khi tôi còn ở khoa sản BV Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), gặp sản phụ ngoài 20 tuổi, con so, song thai, vô viện chỉ vài giờ thì lên cơn phù phổi cấp và tiền sản giật nặng.Lúc đó phương tiện vô cùng thiếu thốn, tôi nghĩ mười phần chắc chín là sản phụ sẽ tử vong.

Tôi phải thông báo trước với gia đình khả năng sống mong manh của cả mẹ lẫn con... Nhưng rồiđiều tôi không dám mong lại đến thật diệu kỳ: sau mổ lấy thai, cả hai bé tuy có ngạt lúc đầu sau đó đã sống tốt, sản phụ sau khi bị mất máu khá nhiều thì hạ cơn phù phổi và bình phục khá nhanh. Họ xuất viện sau một tuần điều trị trong sự sung sướng tột cùng của gia đình”.

“Mỗi khi cứu được một mạng người là người thầy thuốc chúng tôi hạnh phúc lắm...” - chị tâm sự.

Tuổi hưu nhưng lịch làm việc của chị vẫn dày đặc: đi họp, chấm luận văn tốt nghiệp, báo cáo về sức khỏe sinh sản, nói về lãnh cảm ở phụ nữ... Chị bảo phụ nữ mình còn thiếu thông tin lắm. Có lần nói về bệnh phụ khoa và sinh đẻ kế hoạch cho nữ công nhân một khu chế xuất, dự kiến đây là “tiết mục phụ”, còn cái chính là khám phụ khoa cho họ.

Nhưng thực tế ngược lại, chị phải trả lời suốt năm giờ và họ vẫn ngồi đầy trong hội trường nóng bức để nghe không biết chán, mà những thắc mắc của họ mới ngây thơ làm sao! Chính vì lẽ đó, chị sẵn sàng đi tuyên truyền giáo dục sức khỏe, kể cả ở tỉnh xa, mong họ có thể tự bảo vệ mình vì đa số bệnh phụ khoa đều có thể phòng tránh hoặc phát hiện sớm thì chữa dễ dàng, ít tốn kém.

“Nữ tướng”

Một lần, tôi gặp chị vừa rời khỏi phòng mổ sau cả buổi căng thẳng để giải quyết một ca bệnh nặng, chị lại ôm chồng hồ sơ từ thiết kế cho đến các hợp đồng xây dựng, điện, nước... cho công trình đang thi công. Rồi chị đưa tôi ra hiện trường, bước thoăn thoắt giữa những sườn cột quanh co, chị chỉ tôi xem sàn bêtông mới đổ đêm trước và giám sát công trình theo dõi độ cứng bêtông từng ngày. Tôi thầm phục chị bởi chưa thấy nơi nào đã thuê giám sát công trình lại còn bố trí thêm một bác sĩ giám sát tin cậy và tâm huyết của BV để giám sát chất lượng thi công, phát hiện ngay từng vết nứt... Bây giờ, nhìn tòa nhà sừng sững đi vào hoạt động, ít ai biết chị đã dồn hết tâm huyết vào đó như thế nào.

Cũng ít ai biết một quá khứ hào hùng đã giúp chị trưởng thành như thế nào. Những năm 1978-1979, sinh viên ra trường phải đốt đuốc tuyên thệ “Đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần” và có người đùa rằng “Đi bất cứ nơi đâu miễn ở TP.HCM”. Còn chị cùng chồng - vốn là bạn học cùng lớp - tình nguyện về Bến Tre.

Chị cười: “Chúng tôi là đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh, tôi còn là cán bộ lớp luôn hô hào mọi người, vì vậy phải làm gương đi về tỉnh. Có lẽ do “duyên kỳ ngộ” với Bến Tre nên bây giờ Bến Tre đã là quê hương thứ hai. Sau mười năm công tác ở đây, tôi đã học được nhiều điều: trong khó khăn, buộc mình phải tìm phương cách để giải quyết công việc sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Nhờ vậy tôi đã rèn luyện được tính kiên nhẫn, năng động, sáng tạo, biết tổ chức để khắc phục khó khăn... Tôi nghĩ các bạn sinh viên mới ra trường nên đi về tỉnh hoặc y tế cơ sở một thời gian thì sẽ sớm trưởng thành và tự tin hơn những người chỉ làm việc trong điều kiện đầy đủ của thành phố”.

“Trường đời” từ nơi khó khăn gian khổ đã trui rèn để khi trở về BV Hùng Vương, chị làm được những việc tưởng chừng không thể và nếu nản lòng có thể buông trôi. Qua nhiều sóng gió, chị vẫn quyết tâm nâng cấp BV và trong suốt thời gian thi công không nghỉ một ngày nào. BV hiện lên đến 800 giường, nhưng rồi tiếng lành đồn xa, bệnh nhân các tỉnh lại đổ dồn về, lại tiếp tục quá tải.

Tất cả những nơi mới khang trang đều dành cho người bệnh, còn chị và cả ban giám đốc BV vẫn lặng lẽ làm việc tại khu vực cũ, phòng ốc thật đơn sơ, không máy lạnh... Tôi chợt hiểu ra rằng chính cái bình dị, đơn giản, được đem lại niềm vui, hạnh phúc cho chị em phụ nữ... là hạnh phúc vô giá của chị.

KIM SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên