Phóng to |
Hội nghị BRICS đánh dấu sự ra mắt của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - Ảnh: Reuters |
Trong hai ngày, năm nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (tên khối lắp ghép chữ cái đầu các nước) sẽ chính thức phê chuẩn việc thành lập quỹ dự trữ tiền tệ 100 tỉ USD và một ngân hàng phát triển khoảng 50 tỉ USD.
Mục tiêu là làm đối trọng với các thể chế tài chính đang bị chi phối bởi Mỹ và châu Âu. Dù được kỳ vọng, theo giới phân tích thì cả hai biện pháp này vẫn khó giúp phục hồi ảnh hưởng của khối.
Các đề xuất này xuất phát từ việc các nước ít có tiếng nói tại các thể chế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nhưng tổng vốn 150 tỉ USD bị coi là không đủ lớn để kích thích tăng trưởng trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài không còn mặn mà nhiều, còn các nước thành viên thì tập trung chủ yếu vào các vấn đề nội bộ sát sườn như bầu cử tại Brazil, khủng hoảng ở Ukraine (với Nga) và các chính sách kinh tế mới của chính quyền tân Thủ tướng Narendra Modi ở Ấn Độ.
Thiếu động lực
Màn ra mắt của ông Modi Hội nghị BRICS ở Brazil đáng chú ý vì đây là diễn đàn lớn đầu tiên của tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Cuộc gặp của ông Modi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đánh giá là rất quan trọng. Quan hệ Ấn - Trung đang phức tạp khi New Delhi lo ngại về tình hình an ninh biên giới phía bắc và phía đông với Trung Quốc. Ấn Độ muốn Trung Quốc đảm bảo chấm dứt tình trạng đưa quân vào các khu vực tranh chấp cho đến khi hai bên thống nhất giải pháp lâu dài tại đây. |
“Không thấy nhiều động lực lúc này cho BRICS nói chung và đặc biệt là với các sáng kiến này - Bloomberg dẫn lời chuyên gia Arvind Subramanian thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson - Họ chú ý nhiều các vấn đề nội bộ lúc này.
Với Ấn Độ, tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát sẽ quan trọng hơn chuyện hợp tác của BRICS. Nga thì kỳ vọng các nhà lãnh đạo BRICS sẽ thảo luận các vấn đề quốc tế và lên tiếng chống lại sức ép cấm vận từ các nước phương Tây”.
Dự đoán của Bloomberg ước tính tăng trưởng kinh tế của năm nước đạt 5,37% trong năm nay, chỉ bằng một nửa tốc độ bảy năm trước. Riêng Brazil và Nga sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 1,3% và 0,5%.
Ông Yuri Ushakov, trợ lý tổng thống Nga về đối ngoại, lạc quan khi cho rằng tốc độ tăng trưởng của BRICS vẫn cao hơn mức trung bình toàn cầu và ảnh hưởng kinh tế, chính trị của khối ngày càng tăng.
Ngay trong nội bộ khối, dù ít thành viên, các khác biệt có rất nhiều. Năm 2012, BRICS không thống nhất được đại diện sẽ đứng đầu WB. Năm 2011, họ cũng không thống nhất được phương án nhân sự của IMF.
Về thương mại, hội nghị lần này cũng không được kỳ vọng tạo đột phá dù Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hiện do ông Roberto Azevedo người Brazil đứng đầu. Bản thân Brazil tăng các chính sách bảo hộ thương mại dưới thời Tổng thống Dilma Rousseff. Ấn Độ và Nam Phi cũng từng tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận về cải thiện hải quan và thương mại mà WTO đạt được ở Bali năm ngoái.
Ngân hàng phát triển mới sẽ không áp dụng các quy định chính sách ngặt nghèo với người vay như WB. Do đó nó được hi vọng có thể hỗ trợ các dự án hạ tầng ở các nước BRICS.
Giáo sư quan hệ quốc tế Kevin Gallagher thuộc Đại học Boston (Mỹ) đánh giá BRICS cũng có thể dùng ngân hàng này để gây sức ép với các nước phát triển, đặc biệt là với Mỹ, để thúc đẩy các thể chế tài chính quốc tế thêm công bằng. Qua đó các nước không phụ thuộc vào thể chế duy nhất do phương Tây chi phối nữa.
Còn phải đợi
Các ngân hàng còn cần phải đợi cơ quan lập pháp từ các nước thành viên BRICS phê chuẩn nên sẽ cần ít nhất một năm để triển khai. Về lâu dài, BRICS muốn mở rộng cho các thành viên bên ngoài nữa và thống nhất với một ngân hàng châu Á về phát triển hạ tầng do Bắc Kinh cầm trịch. Hiện Thượng Hải và New Delhi là hai thành phố cạnh tranh để trở thành trụ sở của ngân hàng mới này.
Thể chế cho vay này sẽ giúp Bắc Kinh hợp pháp hóa các hoạt động đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt khi các hoạt động đầu tư của họ bị chỉ trích mạnh tại châu Phi. “Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa trả lời - chuyên gia Domenico Lombardi, giám đốc về kinh tế toàn cầu ở Trung tâm Giám sát sáng tạo quốc tế, đánh giá - Các biện pháp này mang tính biểu tượng nhiều hơn và để chứng tỏ là họ có lựa chọn khác bên cạnh IMF, WB”.
Với giới phân tích, việc lập ra ngân hàng chính là thành quả cụ thể của khối thay vì chỉ là “câu lạc bộ nói chuyện” như ban đầu. Ngoài ra, các nước đều muốn thúc đẩy việc cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Cả ba thành viên BRICS là Ấn Độ, Nam Phi và Brazil đều có tham vọng giành được một chân thường trực tại Hội đồng Bảo an.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
BRICS lập ngân hàng phát triển chungBRICS nhất trí thành lập ngân hàng riêngBRICS: Từ ước mơ đến hiện thực BRICs xem xét thành lập ngân hàng phát triển chung BRICs sẽ cứu châu Âu?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận