24/07/2019 09:04 GMT+7

Boris Johnson - 'ông Trump của nước Anh'

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Từng bao lần vấp phải khó khăn trên chính trường, ông Boris Johnson của năm 2019 lại trở thành một sự lựa chọn của thời đại.

Boris Johnson - ông Trump của nước Anh - Ảnh 1.

Ông Boris Johnson phát biểu sau khi được công bố sẽ là thủ tướng Anh ngày 23-7 - Ảnh: REUTERS

Các bạn, chúng ta sẽ truyền năng lượng cho quốc gia này.

Boris Johnson (người được chọn làm thủ tướng Anh hôm 23-7)

"Hiệu ứng "buồng phản âm" đã giúp ích cho sự trỗi dậy của Boris Johnson như thế nào?". Tờ Guardian (Anh) ngày 23-7 đã "rào đón" kết quả chọn lãnh đạo Đảng Bảo thủ và tân thủ tướng Anh theo phong cách ấy. 

Guardian, một tờ báo có lập trường không ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là sự kiện Brexit, dĩ nhiên không thích ông Johnson, nhân vật nổi bật nhất của cuộc trưng cầu rời EU cách đây 3 năm.

Sức ép quá bình thường với BoJo!

Johnson không những ủng hộ Brexit, mà giờ đây ông còn là nhân vật chủ trương một "Hard Brexit". Loại "Brexit cứng" này đồng nghĩa nếu không ai tán đồng với ai trong Quốc hội Anh, thì nước Anh sẽ rời khỏi EU theo kiểu dứt tình cạn nghĩa, chẳng kèm theo bất cứ thỏa thuận, ràng buộc nào về kinh tế hay chính trị.

Ngay trong nội các Anh, một số thành viên đã thể hiện sự phản đối quyết liệt ông Johnson làm thủ tướng. Bộ trưởng giáo dục Anne Milton, cũng là thành viên Đảng Bảo thủ, dứt áo ra đi hôm 23-7 vì "lo ngại sâu sắc" với quan điểm Brexit của ông Johnson. 

Ghê hơn nữa, Bộ trưởng tài chính Philip Hammond khẳng định nếu ông Johnson đắc cử, ông này sẽ từ chức, nhưng lá đơn thôi việc sẽ gửi cho đương kim thủ tướng Theresa May chứ không cần phải chạm mặt Johnson làm gì. 

Bên ngoài London, truyền thông chụp những bức ảnh về dòng người biểu tình đòi ngăn Johnson làm lãnh đạo.

Nhưng những sức ép này có vẻ là điều không mấy xa lạ với Johnson, người vốn dĩ đã nổi tiếng (hoặc tai tiếng) trên truyền thông quốc tế từ lâu. Vậy mới có chuyện truyền thông và người dân Anh đặt cho ông nickname "BoJo" (viết tắt từ Boris Johnson).

Có lẽ đúng như báo Guardian và vài tờ chống Johnson đã nói, ông này được bầu chẳng qua vì quá nổi tiếng. Ngài BoJo quả thực áp đảo đối thủ Jeremy Hunt (đương kim ngoại trưởng Anh) trên mặt báo. Và trong một thời kỳ truyền thông xã hội thống trị, nét tính cách rất riêng của BoJo có thể khiến ông trông vụng về đối với người làm ngoại giao, nhưng gần gũi và có vẻ cương trực trong mắt người dân.

BoJo cũng nổi tiếng với những phát ngôn và hành động gây tranh cãi khi từng gọi ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ Hillary Clinton là "mụ y tá tàn bạo trong bệnh viện tâm thần", hay nói bóng bàn là môn thể thao do người Anh phát minh ra trên bàn ăn, trong khi ai cũng hiểu Trung Quốc tự hào thế nào về môn này.

Nói một cách đơn giản, nếu Donald Trump và Rodrigo Duterte với những phát ngôn mạnh mẽ từng chinh phục cử tri Mỹ và Philippines, thì đó chính xác cũng là lợi thế mà BoJo đang nắm.

Một nước Anh quyết đoán hơn

Tính cách của BoJo thế nào về mặt chính trị, về nước Anh tương lai có lẽ cũng không khác mấy. Thuở còn trẻ, ông có giấc mơ trở thành "vị vua của thế giới". Nước Anh hậu Brexit, kể cả trong thời thủ tướng May, cũng đã thúc đẩy chiến lược "Nước Anh toàn cầu" (Global Britain). BoJo, nói theo ngôn ngữ điện ảnh, như được sinh ra để lãnh đạo nước Anh giai đoạn này vậy.

Sự cương quyết của Johnson hứa hẹn nhiều kịch bản thú vị cho giới quan sát chính trường quốc tế. Trước tiên, việc ủng hộ Brexit đồng nghĩa tín hiệu cho những lo ngại về mối quan hệ giữa Anh và châu Âu. Từ những ngày còn là thị trưởng, Johnson đã là người chỉ trích EU gay gắt về mặt quản trị và phân bổ trách nhiệm/lợi ích giữa các thành viên.

Và khi Johnson luôn được ví là một "Trump của nước Anh", không quá bất ngờ nếu Anh và Mỹ sẽ tiến tới những cam kết sâu hơn nữa. Người Anh khi rời EU cần những đồng minh và thị trường mới, mà trong đó Mỹ vốn dĩ đã là địa chỉ hoàn hảo nhất cho xứ sương mù.

Trong triết lý Global Britain, người Anh muốn xác lập lại vị thế siêu cường trên chính trường quốc tế. Để thực hiện điều này, sự hiện diện quân sự, các cam kết quốc phòng là điều kiện tiên quyết, để đảm bảo lợi ích kinh tế và chính trị. Năm 2018, cựu bộ trưởng quốc phòng Anh Gavin Williamson từng mấp mé về ý định mở cảng quân sự ở Đông Nam Á.

Anh cũng là một trong những đồng minh Mỹ nhiệt tình nhất trong vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông. Với một người từng bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích với phát ngôn ủng hộ Hong Kong như ông Johnson, rõ ràng việc BoJo lãnh đạo nước Anh sẽ buộc Bắc Kinh phải xem xét lại các đối sách. Biển Đông là một điểm nóng. Và nước Anh đang tiến gần hơn với Đông Nam Á...

Nhà ngoại giao phi truyền thống

Là một nhân vật đặc biệt, ông Johnson dĩ nhiên từng là tâm điểm của báo chí quốc tế khi đảm nhiệm vị trí ngoại trưởng Anh năm 2016.

Họ chào đón ông Johnson bằng một loạt bài viết điểm ra những lỗi ngoại giao của tân ngoại trưởng, mà nói như dòng tít của Guardian thì đó là "một sự nghiệp quốc tế đầy tai tiếng". Ông Johnson trong suốt thời gian làm việc cho chính quyền đã nổi tiếng là người thẳng thắn, hoặc hay "vạ miệng" nếu nhìn theo góc độ của những người không thích ông.

Từ Trung Quốc tới CHDC Congo hay Papua New Guinea, tới đâu ông Johnson cũng để lại "kỷ niệm" ít ai muốn nhắc tới. Và không chỉ vậy, hàng loạt tổng thống hoặc ứng viên tổng thống như George W. Bush, Barack Obama, Donald Trump và Hillary Clinton đều từng bị ông Johnson chỉ trích.

Tờ Washington Post (Mỹ) thì nhận xét đơn giản ông Johnson là "một nhà ngoại giao với những lời nói không hề ngoại giao tí nào".

Ông Boris Johnson trở thành tân thủ tướng Anh Ông Boris Johnson trở thành tân thủ tướng Anh

TTO – Ông Boris Johnson đã vượt qua đối thủ là đương kim Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt để trở thành tân thủ tướng Anh.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên