25/12/2005 09:25 GMT+7

Bono - Nhân vật trong năm của tuần báo Time

KIM NGUYÊN
KIM NGUYÊN

TTCN - Hòa bình trên Trái đất/ Không ai và vì lý do gì (ngăn cản)/ Không ai phải khóc như tiếng khóc của một người mẹ.../ Thiên đường trên Trái đất/ Chúng ta cần điều này ngay bây giờ.../

VAIGnXJ3.jpgPhóng to

Bono trong một chuyến công tác từ thiện tại châu Phi

Tôi mệt mỏi trước những nỗi buồn/ Tôi chán ngán trước những nỗi đau/ Và tôi ngấy phải nghe đi nghe lại rằng rồi sẽ có hòa bình trên Trái đất...

Đó là một phần của ca khúc Peace on earth trong album All that you can’t leave behind của nhóm rock Ireland U2 (giành bốn Grammy 2002). Cùng vợ chồng Bill Gates, Bono - trụ cột của U2, người hai lần có tên trong danh sách đề cử Nobel hòa bình (2003 và 2005) - đã được tuần báo Mỹ Time vinh danh là nhân vật trong năm.

Bono và nhóm U2 của anh là nhóm “ca khúc chính trị” duy nhất hiện nay. U2 được thán phục cả về tài nghệ lẫn sức bền qua cống hiến gần ba thập niên với những ca khúc bất tử của họ. Linh hồn của nhóm - Bono (tên thật Paul Hewson) - là ca sĩ duy nhất được giới chính khách thế giới trọng thị và kính nể, từ Tổng thư ký LHQ Kofi Annan, cố Giáo hoàng John Paul II, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thống Pháp Jacques Chirac đến Tổng thống Nga Vladimir Putin...

Hoạt động từ thiện của Bono không phải là trò phô diễn hình thức và thời thượng. Từ giữa thập niên 1980, Bono đã xuất hiện trong nhiều chương trình hòa nhạc gây quĩ giúp nước nghèo, đặc biệt là châu Phi, trong đó có chương trình Band Aid và Live Aid. Bản thân Bono còn cùng vợ (Alison Stewart) sống dấn thân tại Wello (Ethiopia) trong sáu tuần để hiểu thấu đáo nỗi khổ của dân địa phương.

Cuộc đấu tranh chống nghèo của Bono còn thể hiện ở chương trình Jubilee 2000 do cố Giáo hoàng John Paul II thực hiện nhân kỷ niệm Năm Thánh. Mục tiêu của Jubilee 2000 là kêu gọi Mỹ cùng các nước giàu xóa nợ cho nước nghèo, kêu gọi Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) động lòng trước nỗi khổ của hàng triệu người có cuộc sống khốn khó tại 52 nước nghèo nhất thế giới. Chỉ bằng cách duy nhất xóa nợ 350 triệu USD đã có thể giúp những quốc gia khốn cùng này đầu tư cho y tế và giáo dục.

Cuộc chiến của Don Quixote

Cuộc vận động Jubilee 2000 thoạt đầu khó khăn và vô vọng như thể cuộc chiến của Don Quixote quyết đấu với cái cối xay - theo lời kể Marie Dennis, giám đốc Văn phòng Maryknoll về những quan tâm toàn cầu. Cuối cùng, một buổi tiệc đã được tổ chức trong Nhà Trắng, với tham dự của những chàng Don Quixote trong Jubilee 2000, nhằm ăn mừng việc Chính phủ Mỹ quyết định xóa 435 triệu USD trong số 90 tỉ USD mà hơn 30 nước nghèo đang nợ.

IMF và WB cũng ngưng thúc đòi nợ 22 nước nghèo nhất thế giới... Để đạt được điều này, Bono đã nhiều lần gặp riêng các nghị sĩ Mỹ nhằm thuyết phục Quốc hội Mỹ chuẩn y đề xuất của Tổng thống Clinton (và có lần gặp cả George W. Bush hồi ông còn là thống đốc Texas). Chiến dịch Jubilee 2000 thành công bằng cuộc đấu tranh kiên trì với 22,1 triệu chữ ký ủng hộ.

Sau Jubilee 2000, Drop the debt (Xóa nợ) lại ra đời và cách đây không lâu Bono lại thành lập Tổ chức DATA (Debt, Aid, Trade for Africa) nhằm kêu gọi xóa nghèo, viện trợ tài chính ngắn hạn và bỏ cấm vận cho nhiều nước châu Phi. Bono đã khéo léo dùng sự nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật của mình để tiếp cận giới chính trị.

Hơn nữa, sự chân thật của anh khiến nhiều nguyên thủ và chính khách phải động lòng. Anh đấu tranh cho nước nghèo với tinh thần bất vụ lợi. Cách đây ba năm, Josh Tyrangiel của báo Time đã từng gọi Bono “ngôi sao thánh”...

Chữ “nhân” trong con người Bono

DWuHbkp4.jpgPhóng to
Ca sĩ Bono và vợ chồng Bill Gates đã được Time tôn vinh là những nhân vật của năm
Ngay từ khi mới thành lập nhóm, các thành viên Bono đã đặt mục tiêu tối thượng nghệ thuật vị nhân sinh. Hát không chỉ để giải trí mà còn là cứu đời. Trong ca khúc Silver and gold (1987), Bono viết: “Đây là bài hát về một người đã mệt mỏi nhìn xuống nòng súng của người da trắng Nam Phi; một kẻ mất niềm tin vào những người gìn giữ hòa bình...”.

Tác giả James Traub (trong bài viết gần 10.000 từ về Bono trên New York Times Magazine 18-9-2005), định nghĩa từ “hát” của Bono còn bao hàm thông điệp, diễn văn, họp báo và những lần “đăng đàn” tại các hội nghị thượng đỉnh G-8 hoặc trụ sở Quốc hội Mỹ. Trong tất cả những vấn nạn toàn cầu hóa, xóa đói nghèo là mục tiêu số 1 của Bono, đặc biệt là trước tình trạng bi thảm kinh niên của lục địa đen.

Thời điểm Chính phủ George W. Bush nhậm chức, tỉ lệ phần trăm GNP mà các nước phát triển dành cho khu vực các nước nghèo bắt đầu giảm nghiêm trọng. Năm 2001, Bono gặp Bill Gates cùng nhiều tổ chức tài chính khác để vận động cho chiến dịch cứu châu Phi. Văn phòng DATA tại Washington là nơi hoạt động mạnh nhất. Nội các Bush chi một tỉ lệ cực thấp cho viện trợ nhân đạo (1/10 của 1% trong GNP Mỹ, thời điểm năm 2000).

Một lần, trước buổi gặp Bush tại Nhà Trắng vào đầu năm 2002, trên đường đi Bono đã cho xe chạy lòng vòng để có thời giờ suy nghĩ cách thuyết phục Bush. Đặt quyển Kinh Thánh trên đùi, Bono lật từng trang, tìm đoạn nói về những người chăn chiên và những kẻ nghèo khổ. Trong phòng oval, Bono đã đọc cho Bush nghe: “Vì ta đói ngươi đã cho ta ăn. Vì ta khát ngươi đã cho ta uống. Vì ta không có nhà ngươi đã cho ta chỗ ở...”.

Sau cuộc gặp, Bush hứa ủng hộ chương trình cứu trợ châu Phi với việc thành lập Tài khoản thách thức thiên niên kỷ (MCA). Tuy nhiên, chỉ đầu năm 2004, Bush mới chính thức ký thành lập MCA (Quốc hội Mỹ chuẩn y 1,3 tỉ USD cho năm đầu tiên và 1,5 tỉ USD cho năm thứ hai; dù vậy, tính đến tháng 9-2005 chương trình MCA chỉ mới phân phối vỏn vẹn 400.000 USD!).

Cách đây năm năm, LHQ từng đưa ra danh sách “Những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” nhằm giảm một nửa tỉ lệ nghèo toàn cầu, xóa sổ tình trạng tử vong sau khi sinh và đạt mức giáo dục cơ bản vào trước năm 2015 (trước thực trạng hiện tại, một số chuyên gia cho rằng mục tiêu LHQ chỉ có thể đạt được trong 100 năm nữa!). 850 triệu người ở lục địa đen hiện nghèo hơn cách đây 25 năm.

Mỗi ngày có khoảng 30.000 trẻ em châu Phi chết vì đói, thiếu nước sạch và đủ thứ bệnh tật. Chẳng lẽ tiếp tục bàng quan nhìn những đứa trẻ châu Phi trơ xương và kiệt sức đến mức không đuổi nổi đám ruồi bu kín chúng? Bono đã đến Hội nghị G-8 (từ ngày 6 đến 8-7-2005; được xem là hội nghị quan trọng nhất trong ba thập niên qua của các nước công nghiệp) với trăn trở như vậy.

Tại hội nghị, Thủ tướng Anh Tony Blair đề xuất kế hoạch tăng gấp đôi viện trợ lên 50 tỉ USD từ nay đến năm 2010; đồng thời nâng tổng viện trợ nước ngoài bằng mức 0,7% thu nhập quốc gia đến trước năm 2015 (Tổng thống Mỹ George W. Bush ủng hộ kế hoạch tăng viện trợ gấp đôi nhưng bác bỏ ý tưởng 0,7% thu nhập quốc gia). Chủ đề thứ hai là xóa nợ. 60 quốc gia nghèo nhất châu Phi hiện thời nợ các nước giàu hơn 520 tỉ USD mà chỉ nội tiền lời đã lên đến 100 triệu USD/ngày (tháng 6-2005, WB, IMF và Ngân hàng Phát triển châu Phi đã đồng ý xóa 40 tỉ USD nợ cho 18 quốc gia châu Phi).

Trước đó, Bono đã vận động tổ chức cũng như tham gia chương trình hòa nhạc Live 8 với sự ủng hộ của rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi, nhằm kêu gọi ý thức toàn cầu về tình trạng trẻ em chết đói tại châu Phi. Ngay sau hôm cuối cùng của Live 8 (6-7-2005), Bono tiếp tục lên đường đến Berlin gặp Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder rồi bay qua Gleneagles (Scotland, nơi tổ chức G-8) để gặp Tổng thống Pháp Jacques Chirac cùng nhiều nguyên thủ khác... Anh rất vui vì nguyên thủ các nước giàu hứa tăng viện trợ châu Phi lên 25 tỉ USD/năm (viện trợ toàn cầu nói chung 50 tỉ USD/năm) từ nay đến trước năm 2010...

Bono đã có một sự nghiệp khổng lồ (17 giải Grammy; How to dismantle an atomic bomb vừa được đề cử album hay nhất Grammy 2006; được chọn vào Viện Bảo tàng vinh danh rock & roll 2005; được tạp chí Entertainment Weekly chọn là nghệ sĩ thứ 22 trong 100 nghệ sĩ vĩ đại nhất mọi thời); một nhân cách đáng nể (được trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp vào tháng 2-2003);

một người đàn ông có tư cách và chung thủy (chưa từng tai tiếng kể từ khi thành hôn với cô bạn thời trung học Alison Stewart); một tâm hồn khoáng đạt theo môtip “thi ân bất cầu báo” (cùng nhà tổ chức chương trình Live 8, Bob Geldof, là hai nhạc sĩ duy nhất được đề cử trong lịch sử Nobel hòa bình)... Bono là một chính khách không hề tham vọng chính trường - đáng được xem là một mẫu mực của thời đại.

Vợ chồng Bill và Melinda Gates thay đổi thế giới đói nghèo

Time cũng tôn vinh công sức của vợ chồng tỉ phú Bill và Melinda Gates, với việc bỏ ra 29 tỉ USD làm từ thiện “nhanh hơn bất kỳ ai khác”. Tổ chức Bill và Melinda Gates (BMF) đã cứu ít nhất 700.000 người bằng các chương trình tiêm chủng văcxin, tặng máy tính và giúp nối mạng cho 11.000 thư viện cũng như tài trợ quĩ học bổng lớn nhất lịch sử.

Từ khi BMF thành lập năm 2000 đến nay, vợ chồng tỉ phú Mỹ này “đã thay đổi lĩnh vực y tế toàn cầu, đẩy các bệnh tật gây ra từ đói nghèo lên điểm chú ý và làm hồi sinh các nguyên tắc hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ nghiên cứu ký sinh học đến khoa học văcxin” - tác giả Geoffrey Cowley viết trên Newsweek (19-12-2005).

Tổ chức Liên ứng toàn cầu cho văcxin và chủng ngừa (GAVI) - thuộc BMF được kích hoạt ban đầu vào năm 2000 với đóng góp 750 triệu USD của Bill Gates, hiện có ngân sách 8 tỉ USD, được ủng hộ từ gần 10 quốc gia. Giới chuyên gia tin rằng GAVI đã cứu hàng triệu người trong năm năm qua và mục tiêu trong thập niên kế tiếp là cứu hai triệu người.

Hiện thời, mỗi năm vẫn có khoảng bốn triệu trẻ em chết trong tháng đầu tiên của cuộc đời và 99% trong số đó sống tại các nước nghèo. Phân nửa trường hợp là do tình trạng vệ sinh kém và không được tiêm văcxin!

KIM NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên