Bác sĩ Viện Y dược học dân tộc TP.HCM đang châm cứu một nam bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên - Ảnh: XUÂN MAI
Khi T. uống nước hay súc miệng thì nước lại trào ra bên mép. T. nghĩ rằng có thể do mình ngủ sai tư thế nên ỷ y cho qua. Tuy nhiên, hơn 2 tuần trôi qua nhưng mặt và miệng T. vẫn vậy. Được mọi người khuyên bảo, T. đến Viện Y dược học dân tộc TP.HCM khám, các bác sĩ kết luận bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do nhiễm lạnh.
Các bác sĩ chỉ định T. cần châm cứu kết hợp với xoa bóp. Sau hơn 3 tuần điều trị, T. mới lấy lại được nụ cười bình thường khoảng 80%.
“Hiện nhiều người rỉ tai nhau phương pháp chữa bệnh méo mặt do liệt dây thần kinh số 7 bằng đuôi lươn, đắp lá... là phản khoa học. Khi có những biểu hiện nghi ngờ bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra.
TS Ngọc Lan
Cuộc sống trở nên nặng nề
"Từ khi khuôn mặt bị lệch, cuộc sống của tôi trở nên nặng nề hơn. Tôi cứ ru rú trong nhà, chẳng dám đi đâu, đến người trong gia đình tôi cũng ngại giao tiếp" - T. chia sẻ trong ái ngại.
Không chỉ T., bị tình trạng mặt méo, miệng lệch, mắt không nhắm khít do liệt dây thần kinh số 7 còn có nhiều người mắc phải, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Trường hợp C.B.H. (29 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên ngay trong lúc mang thai, thai nhi được 38 tuần tuổi. Lương y Trần Nam Hoàn - phó chủ tịch Hội Châm cứu TP.HCM, người trực tiếp chữa trị H. - cho biết bệnh nhân bị liệt mặt hơn 1 tuần và đã chữa trị ở nhiều nơi nhưng không có kết quả tốt.
Theo lương y Nam Hoàn, lúc khám thấy H. có dấu hiệu thiếu nước ối, thai nhi trong bụng đạp nhiều. Lúc này, H. vừa được châm cứu các huyệt bên liệt và uống thuốc dưỡng thai. Sau 5 ngày châm cứu, khuôn mặt H. trở lại bình thường.
Chị H. đỡ méo mặt sau 5 ngày điều trị - Ảnh: N.H.
Ai cũng có thể bị
TS Ngọc Lan - phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM - cho biết liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có thể xảy ra ở mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, tuổi tác. Tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, số lượng bệnh nhân điều trị vì bệnh này nhiều nhất rơi vào lúc thời tiết khu vực có nền nhiệt thấp.
Các bác sĩ cho biết dây thần kinh số 7 là dây vận động, chi phối vận động cơ mặt. Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, hay còn gọi là liệt mặt ngoại biên, là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt do tổn thương dây thần kinh mặt.
Theo các bác sĩ, mặc dù bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể để lại di chứng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Nói về nguyên nhân gây bệnh, bà Lan cho hay đến nay vẫn chưa xác định chính xác. Tuy nhiên, bệnh thường thấy ở những bệnh nhân bị nhiễm lạnh đột ngột hoặc viêm tai mũi họng thường xuyên mà không chữa trị dứt điểm, chấn thương sọ vùng thái dương, không tiêm ngừa thủy đậu...
Trong khi đó, lương y Trần Nam Hoàn cho rằng nguyên nhân gốc rễ là chất lượng sức khỏe người bệnh giảm sút nên mới mắc bệnh. "Tôi cho rằng bệnh liệt dây thần kinh số 7 là do sức khỏe chúng ta không tốt cộng với các tác nhân bên ngoài" - ông Hoàn giải thích.
Để càng lâu, càng khó chữa
Theo các bác sĩ, "chìa khóa vàng" để lấy lại khuôn mặt bình thường là khi mới mắc bệnh, thường là 2-3 ngày, nếu được điều trị sớm thì khỏi hoàn toàn. Càng để lâu, tỉ lệ điều trị thành công càng thấp.
Những bệnh nhân điều trị muộn (từ 2 tháng trở lên), chức năng của các cơ vùng mặt khó hồi phục. Việc điều trị chỉ đỡ được một phần nhưng vẫn để lại di chứng như: méo miệng, mắt nhắm không kín, ăn uống còn rơi vãi... ảnh hưởng đến thẩm mỹ, giao tiếp của người bệnh.
Với bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, BS Ngọc Lan cho biết phương pháp chữa bệnh tối ưu là châm cứu, bên cạnh xoa bóp, cấy chỉ. Trong đó, theo từng nguyên nhân gây bệnh, người bệnh sẽ được kết hợp giữa châm cứu và xoa bóp, hoặc cấy chỉ và xoa bóp.
Còn lương y Nam Hoàn khẳng định: "Châm cứu (châm bên liệt, châm bổ) sẽ tạo ra một sự dẫn truyền để đem máu lại nuôi các cơ mặt. Ngoài ra nên chú ý đến tổng trạng cơ thể mà có cách châm thích hợp hơn thì hiệu quả có đến 99%. Chú ý, tỉ lệ này chỉ có ý nghĩa từ 10 - 30 ngày kể từ khi phát bệnh, không để lâu hơn".
Không để quạt xối thẳng vào mặt
Để phòng tránh bệnh, các bác sĩ khuyến cáo vào mùa nóng khi ngủ không nên để quạt, máy điều hòa thổi thẳng vào mặt; khi trời lạnh tránh mở cửa đột ngột để gió lạnh tạt vào mặt.
Đối với những người làm việc và học tập ban đêm, không nên ngồi gần cửa sổ để tránh gió lùa. Người già ban đêm không nên ra ngoài. Ngoài ra, cần điều trị sớm và triệt để các nhiễm khuẩn tai, mũi, họng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận